Các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề tồn đọng cũng như các vướng mắc cần khắc phục như: khảo sát, phân tích đặc điểm, nguyên nhân, điều kiện tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT); thực trạng hạ tầng giao thông đường bộ trên các đoạn, tuyến quốc lộ (QL); hoạt động vận tải; tình hình đảm bảo TTATGT và quan hệ phối hợp giữa lực lượng CSGT, Công an cơ sở, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo TTATGT trên các đoạn, tuyến QL đang nâng cấp, sửa chữa.
Tình trạng mất ATGT trên các đoạn, tuyến đang được nâng cấp
Chủ trì hội thảo, thiếu tướng Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật, Phó giám đốc Học viện Cảnh sát - cho biết, giao thông vận tải đường bộ đóng vài trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Theo thống kê của Tổng cục đường bộ Việt Nam, tính đến hết năm 2016 mạng lưới đường bộ nước ta có tổng chiều dài khoảng 309.969km, trong đó hệ thống QL dài 22.660km, chỉ chiếm 7,31% nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ, không chỉ tạo thuận lợi cho sự đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực, mà còn góp phần tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng mất ATGT trên các tuyến QL vẫn còn rất nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng. Giai đoạn 2010 - 2016 xảy ra trên 100.000 vụ TNGT (chiếm hơn 30% tổng số vụ TNGT đường bộ), làm chết 41.352 người (chiếm 37,2% tổng số người chết), bị thương 88.674 người (35,17%). Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Nhật, một phần nguyên nhân là do những ảnh hưởng của quá trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống QL.
Trong nhiều dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công chưa chú trọng công tác bảo đảm ATGT trong quá trình sửa chữa, để vật liệu xây dựng tràn lan, gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; trang thiết bị cản trở, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; thiếu hệ thống đường tránh, cầu tạm; hệ thống tín báo hiệu, cảnh giới chưa được thực hiện nghiêm túc…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nhật phát biểu tại hội thảo
Về vấn đề này, theo ông Trần Minh Quân - Trưởng phòng Hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải TPHCM, TPHCM là trung tâm văn hóa, kinh tế chính trị, theo đó người dân đổ về đây sinh sống ngày càng nhiều, do vậy các tuyến đường nói chung và các tuyến QL nói riêng khi được triển khai nâng cấp, sửa chữa trên địa bàn TP gặp không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu là vừa triển khai thi công vừa phải đảm bảo giao thông không bị ngưng trệ, trong khi đó các tuyến đường trục trên địa bàn TPHCM đã quá tải so với lưu lượng xe qua lại.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vướng mắc, do nhà thầu sơ suất để rào chắn đổ ra đường, thiếu người cảnh báo giao thông vào giờ cao điểm. Thời gian tới, Sở GTVT TPHCM tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các nhà thầu thiếu biện pháp thi công an toàn; phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông và cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng CSGT; kiểm tra điều tiết giao thông, xử lý vi phạm luật giao thông, đặc biệt tình trạng xe lưu thông quá khổ, quá tải, đi ngược chiều, sai làn đường; bổ sung thêm các chốt giao thông để lực lượng CSGT có thêm điều kiện tác nghiệp…
Đồng quan điểm trên, ông Phan Đam Sa - Trưởng phòng quản lý khai thác, Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam - cho rằng, nguyên nhân của tình trạng mất ATGT phải kể đến quá trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống QL. Tại nhiều dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công chưa chú trọng đến công tác đảm bảo ATGT trong quá trình sửa chữa, thiếu hệ thống đường tránh, cầu tạm; hệ thống tín báo hiệu, cảnh giới chưa được thực hiện nghiêm … Công tác thanh tra, giám sát quá trình thi công của lực lượng chức năng chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; sự phối hợp của lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương với CSGT còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mất ATGT vẫn ở mức cao...
Giải pháp “hạ nhiệt” các vụ TNGT nghiêm trọng
Đề cập đến tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tại các đoạn, tuyến QL đang nâng cấp, thi công ở khu vực phía Nam và công tác chỉ đạo của Cục CSGT trong thời gian qua, thượng tá Đào Hồng Thủy - Phó trưởng phòng hướng dẫn, điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT - cho rằng, xã hội ngày càng phát triển nhưng tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, kể cả về số lượng cũng như chất lượng.
Hệ thống cơ sở dữ liệu TNGT trong 5 năm (2013-2017) cho thấy, cả nước xảy ra 44.550 vụ TNGT trên các tuyến QL (chiếm 37,46%), làm 27.025 người chết, 24.838 người bị thương. Trong đó, 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam từ Bình Thuận trở vào xảy ra 15.721 vụ (chiếm 35,29% so với các tuyến QL cả nước), làm 8.803 người chết, 9.988 người bị thương.
Riêng các tuyến QL đang nâng cấp, thi công khu vực phía Nam xảy ra 95 vụ (chiếm 0,06%), làm 102 người chết, 95 người bị thương. Thượng tá Thủy nhấn mạnh, nguyên nhân vẫn là do ý thức chấp hành TTATGT của một bộ phận người dân còn kém, như điều khiển xe chạy tốc độ cao, vượt ẩu, uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, mặt cắt đường ngang còn hẹp, các nút giao thông chủ yếu đồng mức, phương tiện giao thông tham gia hỗn hợp, nhiều tuyến QL, tuyến phố vừa sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình đô thị vừa khai thác vừa sử dụng.
Phương tiện giao thông tăng quá nhanh (trung bình mỗi năm ôtô tăng từ 12%, môtô 14%), chưa đảm bảo phát triển đồng bộ, hài hòa giữa kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với phát triển phương tiện giao thông vận tải…, đây vừa là hạn chế và cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng phức tạp trong hoạt động bảo đảm TTATGT…
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng UBATGT quốc gia, hệ thống giao thông đường bộ luôn là vấn đề nóng và công tác sửa chữa các tuyến QL luôn được quan tâm. Chúng ta cũng không thể đổ hết lỗi cho người tham gia giao thông, muốn người tham gia giao thông đảm bảo an toàn thì đòi hỏi đường đi phải tốt. Vì vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên các tuyến QL, trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông, kèm theo đó ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện, đồng thời cần quy chế phối hợp để xử lý…
Thời gian tới, muốn “hạ nhiệt” các vụ TNGT cũng như tình trạng ùn tắc trên các tuyến QL, thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp - Phó cục trưởng Cục CSGT - cho rằng, bên cạnh các biện pháp trên, cần nghiên cứu điều chỉnh phù hợp quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về thi công tại các khu vực trên đường bộ đang khai thác nói chung và trong điều kiện giao thông đô thị nói riêng…