Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM: Hướng tới sự minh bạch trong quản lý

Thứ Hai, 26/10/2020 16:41

|

(CAO) Trong phiên làm việc chiều (26-10), Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Mục tiêu xây dựng Nghị quyết, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, là nhằm tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại TPHCM tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Nghị quyết ra đời cũng nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền TP; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của TP; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đọc tờ trình dự thảo Nghị quyết 

“Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã được nghiên cứu, xây dựng và đánh giá tác động kỹ lưỡng” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Nêu lý do không “thí điểm”, ông Tân giải thích, dự thảo Nghị quyết được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực, trong đó đã quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường tại TPHCM, dự thảo Nghị quyết đã quy định một số nội dung chuyển tiếp.
Cụ thể, HĐND, UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021.
Kể từ ngày 1/7/2021, trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được bổ nhiệm mới.
Vẫn theo dự thảo, văn bản của chính quyền địa phương ở quận, phường được ban hành trước ngày 1 /7/2021 (thời điểm Nghị quyết có hiệu lực), nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng.
Mặt khác, ông Tân nhấn mạnh, trước đây TPHCM là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo quy định tại Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội.
Kết thúc giai đoạn thí điểm, TPHCM đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm.

“Đây là một trong các cơ sở để Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không thực hiện thí điểm” – ông Tân nhìn nhận.

Nêu quan điểm của Uỷ ban Pháp luật về việc này, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của TP.

“Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP thực hiện chính thức hay thí điểm thì đều là cơ sở pháp lý cần thiết để TP có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới” – ông Tùng nói.

Làm việc theo cơ chế thủ trưởng

Đề cập đến những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin, dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, trong đó Điều 1 quy định Chính quyền địa phương ở TPHCM gồm có HĐND TP và UBND TP.

Điều này cũng quy định chính quyền địa phương ở quận tại TPHCM là UBND quận; chính quyền địa phương ở phường tại TPHCM là UBND phường.

Phiên họp Quốc hội ngày 26/10

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TPHCM (bao gồm: huyện, thành phố thuộc TPHCM; xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM, dự thảo Nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP, UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Bộ trưởng Tân thông tin, quy định trên được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Liên quan đến quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận, dự thảo Nghị quyết thiết kế các quy định về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của UIBND quận tại TPHCM.

Theo đó, UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân quận phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Ủy ban nhân dân phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPHCM, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, hiện UBND TPHCM đang xây dựng Đề án về thành lập thành phố thuộc TPHCM, dự kiến báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2020.

Theo đó, TP thuộc TPHCM sẽ có các phường trực thuộc (tại các phường này cũng sẽ thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân). Vì lẽ này, dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPHCM.

Quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của UBND phường tại TPHCM.

Theo đó, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Cán bộ, công chức làm việc ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND phường tại TPHCM thuộc biên chế cán bộ, công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND cấp trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang