Loại trừ phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý

Thứ Hai, 26/10/2020 15:35

|

(CAO) Quan điểm này được đại biểu đưa ra khi góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay (26/10).

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Gợi ý các nội dung thảo luận về 4 dự thảo văn kiện (báo cáo công tác xây dựng Đảng, báo cáo chính trị, báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ, báo cáo thực hiện chiến lược phát triển 10 năm), Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn giới thiệu về một số điểm mới trong các văn bản.

Theo ông Mẫn, các điểm mới này xuất phát từ đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì buổi góp ý văn kiện

“Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, các văn kiện trước đây mới chỉ đề cập chủ trương Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đến lần này, dự thảo Văn kiện cho Đại hội XIII đề xuất Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” – ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận.

Việc bổ sung khái niệm “hệ thống chính trị”, theo ông Mẫn, hàm ý mở rộng diện đối tượng, bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Theo đó, yêu cầu về tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo được xác định là những yếu tố tiền đề cho phát triển.

Đặc biệt, người đứng đầu MTTQ cho biết, lần đầu tiên, văn kiện Đại hội Đảng đưa vào nội dung khơi dậy khát vọng xây dựng, phát triển đất nước.

Quá trình thảo luận, cho ý kiến, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam nhận định, báo cáo thực hiện Chiến lược 10 năm có những đánh giá toàn diện, khá rõ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những nguyên nhân thành công hay chưa thành công và rút ra những kinh nghiệm cần lưu ý cho nhiệm kỳ sắp tới.

“Tuy nhiên, những đánh giá này thiên về định tính khái quát mà chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng, chưa làm rõ bản chất của các hiện tượng” – ông Dong lưu ý.

Đồng thời, GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng, báo cáo chưa dựa vào những Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ đã ban hành để kiểm điểm những việc đã làm được đến đâu, điều gì chưa đạt, việc gì phải tiếp tục ở giai đoạn sau.

“Báo cáo chỉ nói đến chất lượng nhân lực, chất lượng con người mà vắng bóng vai trò của con người trong phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội”- GS Phạm Tất Dong nhắc nhở.

GS.TS Phạm Tất Dong góp ý văn kiện

Xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng số hoá, khởi nghiệp

Đề cập đến lĩnh vực giáo dục, GS Phạm Tất Dong nhận định, các văn kiện cần đánh giá sâu sắc hơn những tiến bộ của ngành này cũng như những tồn tại là gì.

Nêu ví dụ cụ thể, ông Dong phản ánh dự thảo nói “chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai đúng lộ trình” nhưng lộ trình được xây dựng này chính là vấn đề làm cả xã hội xôn xao.

“Một tháng triển khai năm học mới, cả thầy cô, học trò cùng… chật vật, phụ huynh cũng kêu ca vì chương trình học quá nặng với học sinh lớp 1” – GS Dong phàn nàn và cho rằng, cần đi đúng vào bản chất vấn đề của giáo dục, xem người dân, xã hội mong muốn gì ở chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới.

Vẫn theo ông Dong, việc đổi mới giáo dục không thể chỉ tiếp tục duy trì theo hướng hiện đại hoá, dân chủ hoá, xã hội hoá… như đã đề cập từ Đại hội VIII, IX mà cần xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, số hoá, khai phóng và khởi nghiệp.

Đã qua giai đoạn chỉ tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông vì giáo dục phổ thông không thể giúp cả nước có được nguồn nhân lực cạnh tranh trong nền kinh tế số mà cần phát triển giáo dục thường xuyên với người trưởng thành, coi giáo dục đại học là điểm đột phá.

Thiếu tướng Võ Sở nêu ý kiến tại buổi góp ý

Chia sẻ quan điểm, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam đánh giá, giáo dục đào tạo có bước phát triển nhưng quá chậm. Vì lẽ này, ông Sở cho rằng việc báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội 5 năm nói ngành giáo dục đào tạo đã đạt những kết quả quan trọng thì… chưa tới.

“Các văn kiện Đại hội đề cập yêu cầu đổi mới giáo dục là cần thiết nhưng những giáo phẩm làm xấu đi những giá trị tinh hoa của Việt Nam như sách giáo khoa Tiếng Việt 1 vừa qua thì không được. Phải có định hướng sao để kiểm soát, không để xảy ra những sự cố như vậy” - ông Sở nói.

Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh yêu cầu, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các Bí thư chi bộ...

“Phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng” – ông Sở nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang