“Lò” của Tổng Bí thư nóng thế mà nhiều nơi có sợ đâu!

Thứ Sáu, 25/10/2019 19:16

|

(CAO) "Vẫn bộc lộ đây đó vi phạm trong bổ nhiệm “không trong sáng” người nhà, người thân, cánh hẩu..." - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân chia sẻ với báo giới bên hành lang QH hôm nay (25-10).

Đánh giá về công tác cán bộ nói chung và việc thi tuyển, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm công chức viên chức nói riêng, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, việc này đã được quy định tại nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước và cụ thể nhất là Luật Cán bộ Công chức.

Thế nhưng, theo ông Vân, quá trình tiến hành tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển cán bộ vẫn có những khâu còn nhiều kẽ hở. Kẽ hở này tạo cơ hội cho những kẻ không đủ tiêu chuẩn lọt vào bộ máy, rồi người có thẩm quyền lợi dụng kẽ hở đó để hợp thức hoá đưa người thân, người nhà, thân hữu... của mình vào bộ máy.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Vấn đề là phải phát hiện ra kẽ hở đó để rào chắn lại cho hết đường lợi dụng, đồng thời phải có chế tài thật nghiêm khắc để trừng trị, làm gương cho những người có ý đồ, có ý định lạm dụng kẽ hở của pháp luật để đưa người thân vào bộ máy lãnh đạo.

Trao đổi về trường hợp một trưởng phòng ở Đắk Lắk sử dụng bằng của chị gái để được bổ nhiệm, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, trường hợp này quy trình chưa hẳn đã sai, mà là do sự lạm dụng của những người có thẩm quyền.

“Cũng không khác gì đưa hàng giả vào chuỗi lưu thông mà hàng giả ở đây là nhân sự giả, không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ” – ông Vân nhìn nhận.

Lý do là vì “chúng ta đang quy định tiêu chuẩn cán bộ định tính, đó là bằng cấp. Vì thế, để hợp thức hoá tiêu chuẩn định tính đó người ta sẽ đi mua bằng, mượn bằng...” – đại biểu Cà Mau chỉ ra.

Vẫn nói về trường hợp trên, ông Vân nêu quan điểm, cần xem xét hành vi của từng người có liên quan để xác định rõ xem bắt đầu tư đâu. Còn về nhân sự được bổ nhiệm, theo ông Vân, đương nhiên là họ đã cố ý làm trái.

“Vậy ai tiếp tay cho họ? Ai hợp thức hoá cho họ? Cần làm rõ trách nhiệm của từng người. Và qua câu chuyện này, trách nhiệm của người bổ nhiệm mới là đáng kể, là người chính danh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – đại biểu Vân nhận định.

Nhận định quy trình của chúng ta về cơ bản là tốt, có những kẻ hở nhưng không đáng kể, nhưng theo đại biểu Lê Thanh Vân, “kẻ lạm dụng quyền lực thì có muôn phương ngàn kế để dối trá, luồn lách các quy định từ đó hợp thức hoá theo ý muốn của mình”.

Ông Vân ví dụ: Pháp luật trao cho cấp tỉnh được ban hành tiêu chí tuyển chọn cán bộ. Một vị bí thư tỉnh uỷ chỉ có bằng tại chức nhưng yêu cầu lại là bằng chính quy. Vị bí thư này sai cơ quan tổ chức trình thường vụ tỉnh uỷ sửa lại quy định đó với lý do nguồn cán bộ không đủ nên chấp nhận bổ nhiệm cán bộ ở tiêu chuẩn bằng tại chức. Sau khi bổ nhiệm xong con cháu, vị bí thư này lại yêu cầu sửa lại văn bản như cũ.

“Đấy là lạm dụng, nhưng lại hợp lý, là hợp thức hoá quy trình” – ông Vân chỉ ra và khẳng định đây là một thực tiễn mà các văn bản của cơ quan Trung ương khi ban hành phải lượng định đến để ngăn chặn.

“Chính sách phải nhất quán chứ không phải trao quyền để anh tuỳ nghi sửa đổi” – ông Vân nói.

Sự dối trá nữa, được Ủy viên Thường trực Uỷ ban TC-NS lưu ý là các lãnh đạo cho người thuộc phe cánh của mình ngồi kèm chặt trong hội nghị để giám sát những người bên cạnh, buộc họ phải bỏ phiếu theo ý muốn của mình.

“Cái này không có bằng chứng, chỉ là cách làm và là “khẩu thiệt vô bằng” (chỉ đạo bằng miệng) nên rất khó xác định. Hoặc có trường hợp gọi điện thoại chỉ đạo, đe nẹt, tắt điện để kiểm phiếu” – ông Vân nói và cho biết, “tôi đi thực tế và đã trải nghiệm cái này. Nó quá đau đớn về thực trạng cán bộ như vậy”.

Vì thế, theo đại biểu Lê Thanh Vân, vấn đề đặt ra không chỉ là rào chắn lại quy trình mà còn phải có chế tài xử lý thật nghiêm đối với những kẻ chủ mưu, kẻ đồng phạm trong những vụ “nâng đỡ không trong sáng”.

“Lò của Tổng Bí thư nóng như vậy nhưng nhiều nơi có sợ đâu. Vẫn bộc lộ đây đó vi phạm trong bổ nhiệm “không trong sáng” người nhà, người thân, cánh hẩu... Cái này có câu chuyện “trên nóng dưới lạnh” – đại biểu Vân nêu quan điểm.

Hầu hết các vụ đại án liên quan đến vi phạm kinh tế, vi phạm sử dụng quyền lực đều bắt đầu từ Trung ương, còn địa phương tự mình phát hiện ra và tự mình xử lý nghiêm khắc chưa nhiều. Chính vì thế ,theo ông Vân, công cuộc chống tham nhũng, chống lạm dụng quyền lực phải trở thành phong trào rộng khắp.

Muốn làm được điều đó, ông Vân khuyến cáo, phải phát huy được vai trò rộng rãi của nhân dân, của các phương tiện truyền thông và đẩy mạnh hoạt động của cơ quan kiểm tra, cơ quan thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang