Quận Bình Thạnh:

Nâng cao năng lực chiến đấu với “giặc lửa” cho lực lượng cơ sở

Thứ Sáu, 25/10/2019 17:21

|

(CAO) Ngày 25-10-2019, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM (Phòng PC07) phối hợp với UBND Q.Bình Thạnh tổ chức tập huấn công tác cho cộng đồng trên địa bàn quận.

Đây là một trong chuỗi các hoạt động nhằm triển khai thực hiện dự án “Nâng cao năng lực PCCC&CNCH cho lực lượng PCCC” thuộc Chương trình Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, PCCC, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020.

Quang cảnh buổi tập huấn

Buổi tập huấn xoay quanh các nội dung giới thiệu mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; thông tin về tình hình cháy nổ xảy ra trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng; giới thiệu Luật PCCC; hướng dẫn các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, khu thương mại, giới thiệu các kiến thức kĩ năng thoát hiểm, cứu người trong đám cháy, hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản các thiết bị chữa cháy...

Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chính quyền các cấp; người đứng đầu các cơ quan tổ chức, cơ sở; cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành... trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC&CNCH.

Đồng thời, phát huy một cách triệt để và có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Tuyên truyền cho người dân trong việc thực nhiệm vụ, chủ động trong công tác phòng ngừa, xử lý các tình huống khi có cháy nổ xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.

Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn kĩ năng sử dụng và bảo quản bình chữa cháy xách tay
Theo Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ. Đó là sự chủ quan việc sử dụng gas nấu ăn; đun nước, sạc điện thoại không rút khi ra khỏi nhà; tình trạng tự ý đấu nối dây điện tùy tiện để sử dụng nhiều thiết bị như tủ lạnh, máy giặt; không thường xuyên kiểm tra cũng như thay thế các thiết bị điện sử dụng lâu năm đã bị “lão hóa” dẫn đến chập điện, hành vi quăng tàng thuốc bừa bãi.
Bên cạnh đó, hành vi làm trái quy định an toàn về PCCC, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định về PCCC, hàn cắt kim loại... đã tạo điều kiện cho “giặc lửa” phát sinh.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy 1.927 vụ cháy làm chết 59 người, bị thương 64 người, thiệt hại về tài sản khoàng 655 tỷ đồng và 408 ha rừng. Trong đó, TP.HCM xảy ra 187 vụ, có 9 vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 3 người thiêu rụi khoảng 8.800m2 diện tích nhà xưởng cùng nhiều máy móc, thiết bị lao động, sản xuất....

Bên cạnh đó, loại hình cháy chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là nhà ở hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất trong các khu dân cư, chiếm tỷ lệ khoảng 48% tổng số vụ cháy.

Lực lượng chữa cháy tại chỗ là người đầu tiên phát hiện đám cháy nên rất cần được nâng cao nghiệp vụ chữa cháy

Từ các vụ cháy, nhận thấy rằng việc nâng cao năng lực PCCC cho người dân và các lực lượng cơ sở đóng vai trò quan trọng. Thực tế, khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời, có thể dập tắt nhanh. Do đó việc chủ động chuẩn bị lực lượng, tập huấn các kĩ năng, trang bị các thiết bị tại chỗ, góp phần phòng ngừa và kịp thời ứng phó khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Theo thống kê Sơ kết 5 năm triển khai Đề án Nâng cao năng lực PCCC&CNCH trên địa bàn TP. HCM, từ năm 2014 đến nay 2018, lực lượng PCCC tại chỗ đã kịp thời xử lý các sự cố về cháy chiếm 75% trong tổng số các sự cố về cháy trên địa bàn thành phố, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ, gây ra.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Phan Minh Quyền - Phó trưởng Công an Q.Bình Thạnh cho biết, trong thời gian qua cả nước nói chung và trên địa bàn TPHCM nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Một những nguyên nhân là do sự thiếu sự quan tâm trong việc trang bị các phương tiên chữa cháy, các nội quy, quy định về chữa cháy, trong đó việc tổ chức các lực lượng PCCC tại chỗ để chủ động trong công tác PCCC còn hạn chế.

Đại tá Phan Minh Quyền phát biểu tại hội nghị

Cũng theo Đại tá Quyền, lực lượng PCCC tại chỗ đóng vai trò chủ đạo trong công tác phòng ngừa, chủ động dập tắt các đám cháy ban đầu.

“Vì vậy, việc tổ chức các lớp tập huấn về công tác PCCC cho các lực lượng tại chỗ là rất quan trọng. Rõ ràng là khi trang bị các kiến thức về công tác PCCC thì lực lượng tại chỗ sẽ tham mưu giúp cho doanh nghiệp, các công ty thực hiện tốt các công tác về PCCC”, Đại tá Quyền cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang