Nhiều nhân tài không đậu được… kỳ thi công chức
Nghịch lý này được đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nêu ra trong phiên thảo luận về Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức hôm 24-10.
Đại biểu Hận phản ánh, thời gian qua nhiều ngành, nhiều cấp đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút người có tài năng vào làm việc ở ngành, cấp của mình, trong đó có cả xuất kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực từ các nước tiên tiến.
Đại biểu giơ bảng tranh luận về "nhân tài"
Tuy nhiên, do chính sách hiện hành ràng buộc nên nhiều nhân tài được thu hút, nhiều du học sinh sau khi ra trường không thể làm việc được ở các cơ quan nhà nước do không đậu ở kỳ thi công chức hoặc do các cơ quan phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.
Theo đại biểu Hận, thực tiễn trên làm lãng phí tiền của đào tạo, lãng phí chất xám và lãng phí tuổi thanh xuân đang hừng hực muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Do đó, ông Hận cho rằng, việc bổ sung chế định này vào luật là cần thiết để có cơ sở tạo dựng chính sách, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhưng muốn định nghĩa được người tài, theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), cần phải phân loại ra từng lĩnh vực cụ thể.
“Trong chính trị đó là những người khởi xướng được chính sách, trong điều hành phải tinh thông về luật pháp để vận hành bộ máy, trong khoa học phải có phát minh sáng kiến, trong lao động thì phải lành nghề, có biệt tài để làm ra những sản phẩm đặc thù, trong văn hoá, nghệ thuật có những tác phẩm để lại cho muôn đời” – ông Vân khái quát.
Đại biểu Cà Mau cũng lưu ý, trọng dụng nhân tài phải thực tâm chí thành, có như vậy đất nước chúng ta mới phát triển được.
Phản ánh thực tế “có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài về đang thất nghiệp”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thắc mắc, những người đó được đào tạo tốt như vậy thì có phải nhân tài hay không?
Tự trả lời, ông Tuấn nói, họ chỉ mới họ là người giỏi, người có khả năng. “Nhân tài muốn phát triển cần có một môi trường thật tốt. Giống như hạt giống tốt phải gieo đất tốt thì mới đơm hoa kết trái” – ông Tuấn khẳng định.
Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “một nhân tài là người có tài, người giỏi và có tâm”, đại biểu Tuấn nhận định, một nhân tài phải có sự tổng hoà giữa giỏi, có tâm, chí công vô tư và đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho tập thể, cho tổ chức, cho đất nước.
Làm sao để nhân tài được trọng dụng?
Vẫn tiếp tục câu chuyện về “nhân tài”, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, phiên thảo luận nên đề cập đến việc làm sao để nhân tài hiện đang ở trong nhân dân, đang ở ngoài xã hội được trọng dụng vào bộ máy nhà nước.
Để làm được điều đó, theo đại biểu Bình, cần có một khái niệm khái quát về người có tài năng, cụ thể là “người có tài năng là người có nhân cách, đạo đức trong sáng, thông minh, trí tuệ, phát triển năng lực vượt trội, có tư duy sắc sảo, có khả năng dự báo, phát hiện và xử lý kịp thời, quyết đoán những vấn đề vận động, biến đổi của xã hội, mang lại lợi ích lớn cho đất nước, cho nhân dân”.
Đưa ra một cách nhìn khác, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng nếu hiểu theo nghĩa nhân tài là xuất chúng, là kiệt xuất, là thiên tài, thì nó không nằm trong phạm vi của luật này.
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu thảo luận
“Chúng ta chỉ bàn chuyện công chức, những công chức có năng lực, một công chức khó có thể phát hiện ra một cái gì kiệt xuất, vì thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định” – đại biểu Quốc nêu quan điểm.
Đại biểu Đồng Nai cũng cho rằng không nên nhắc lại câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 70 năm vì “thời đại đã thay đổi nhiều lắm rồi”.
“Quan trọng nhất chúng ta đánh giá con người phải thể hiện đi cùng với đó là chính sách đãi ngộ. Thời kỳ Bác Hồ là thời kỳ có giá trị lớn hơn cả tiền bạc, đó là lòng yêu nước, cho nên phần lớn những người Bác dùng là những người được đào tạo ở chế độ cũ nhưng sẵn sàng hy sinh tất cả những giá trị vật chất để họ thực hiện mục tiêu yêu nước của mình” – ông Quốc nhìn nhận.
Còn hiện nay, theo ông Quốc, phải có hệ thống giá trị có thể thu hút được những người tài năng vào trong bộ máy nhà nước, bộ máy công chức chứ đừng tạo ra một cái gì riêng.
“Câu chuyện chúng ta đang bàn đến nhân tài, những người kiệt xuất nên để bàn ở một chính sách khác” – đại biểu Quốc nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), đặt vấn đề: “Có cần thiết phải có một điều khoản ghi vào luật này rằng như thế nào là nhân tài hay không?”.
Khẳng định không thể có được một định nghĩa nào hoàn hảo cho khái niệm nhân tài trong luật này, đại biểu Sơn yêu cầu xem lại sự cần thiết của điều luật này.
“Chúng ta đưa vào Điều 6 để lựa chọn nhân tài xong chúng ta làm gì đây?” – đại biểu Sơn nêu câu hỏi.