Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi, tìm hiểu đời sống người dân, tiểu thương tại khu chợ Gà Gạo.
Mời gọi đầu tư vào khu chợ Gà Gạo
Tại buổi làm việc, báo cáo về việc đầu tư cải tạo chợ Gà Gạo, Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết: Về kêu gọi đầu tư chợ Gà Gạo, lãnh đạo TP rất quan tâm, nhưng việc triển khai đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích tổng thể khu chợ Gà Gạo không lớn, trong khi người dân sinh sống đông nên bài toán tái định cư hay xây dựng khu này phù hợp với quy hoạch, đảm bảo cuộc sống của người dân với hơn 1.000 nhân khẩu là khó cho nhà đầu tư khi tham gia.
Cụ thể, khu có diện tích 3.600m2 và trong quy hoạch tổng thể quận mở rộng ra giáp đường Nguyễn Thái Học và Võ Văn Kiệt là 6.800m2. Cái khó của địa phương là gặp nhiều khó khăn khi mời gọi nhà đầu tư vào khu này. Quận đặt ra mục tiêu trong nhiệm kỳ tới, quận tham mưu để có chủ trương đầu tư và nhà đầu tư vào đầu tư khu chợ Gà Gạo.
Góp ý cho việc kêu gọi đầu tư khu chợ Gà Gạo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Nguyễn Trung Anh cho hay: Với dự án này, trước đây UBND TP có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư. Đến nay, đã thực hiện việc công bố danh mục mời gọi đầu tư, triển khai đấu thầu dự án nhưng chưa có nhà đầu tư quan tâm, do diện tích nhỏ trong khi số hộ dân đông.
“Theo kinh nghiệm của Sở, vừa qua chúng ta đấu thầu thành công trường hợp chợ ở Bình Thạnh theo hình thức phía trên là nhà, phía dưới tầng hầm bố trí lại chợ truyền thống cho dân để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Do đó, với trường hợp chợ Gà Gạo đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem lại quy hoạch khu vực này theo mô hình giống chợ ở quận Bình Thạnh để đảm bảo đấu thầu, kêu gọi đầu tư có hiệu quả” - ông Nguyễn Trung Anh đề xuất.
Ở một góc độ khác, Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình thông tin thêm: Hiện nay, Chính phủ cho phép ở TP, chung cư có một số căn hộ diện tích 25m2 nhưng không quá 20%. Như vậy, có thể kết hợp vừa căn hộ nhỏ, vừa căn hộ lớn để người dân có thể đổi ngang và mua thêm một phần trả góp, nên với điều kiện kinh doanh ở Quận 1 có thể thực hiện theo phương thức này.
Sau khi nghe ý kiến góp ý của quận, các sở, ngành về việc đầu tư cải tạo khu chợ Gà Gạo, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị có điều tra về đời sống, quản lý nhà đất. Đồng thời, giao Sở Xây dựng TP chủ trì việc lập dự án, đề xuất dự án, trong đó nghiên cứu phương án hợp tác công tư để dự án có tính khả thi. Trong đó, nghiên cứu quy hoạch bên dưới làm chỗ kinh doanh buôn bán và người dân ở bên trên. Các sở, ngành, quận 1 phối hợp để tìm ra giải pháp triển khai dự án và coi đây là dự án trọng điểm.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân khảo sát tình hình thực tế chợ Bến Thành.
Xã hội hóa đầu tư chợ Bến Thành
Cũng tại buổi làm việc, báo cáo về việc đầu tư cải tạo chợ Bến Thành, Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết: Năm 2015 - 2016, quận đề xuất TP sử dụng hình thức đầu tư công để sửa chữa mái, nền, thoát nước, điện của chợ Bến Thành với kinh phí dự toán 62,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2019, rà soát và đề xuất lại với UBND TP thì chi phí khái toán lên 91,8 tỷ đồng.
Hiện nay, đầu tư công đang vướng về cơ chế quản lý của chợ là chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để quản lý và khai thác chợ. Cho nên, quá trình đầu tư, sửa chữa phải sử dụng quỹ sự nghiệp của chợ để làm việc này.
Trong khi đó, với kinh phí khái toán thì quỹ của chợ không đáp ứng được. Mặt khác, về quản lý chợ Bến Thành là biểu tượng của TP nên cần có tính toán để bảo tồn. Do đó, quận đề xuất TP đầu tư theo hình thức công để sửa chữa cho tươm tất.
Về vấn đề đầu tư chợ Bến Thành, Phó Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thị Thanh Hiền thông tin: Chợ Bến Thành là đơn vị sự nghiệp công lập và theo quyết định phân loại là đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên.
Theo quy định như vậy, việc sửa chữa, nâng cấp phải sử dụng quỹ hoạt động sự nghiệp của đơn vị và ngân sách nhà nước không cấp bù. Về nguồn sửa chữa chợ Bến Thành, Sở Tài chính đã có báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo Nghị định 02 năm 2003 của Chính phủ thì đối với chợ Bến Thành kinh phí sửa chữa không được sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, với chợ Bến Thành dựa theo quy định thì nguồn ưu tiên là xã hội hóa, đóng góp của tiểu thương, nguồn thu của Ban Quản lý chợ và quỹ sự nghiệp của chợ.
Còn Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Nguyễn Trung Anh cho hay: Về đề xuất của Quận 1 sử dụng vốn ngân sách sửa chữa chợ Bến Thành là hơi khó. Bởi vì, vốn ngân sách hiện nay Chính phủ chưa giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 cho TP nên chưa biết khả năng cân đối thế nào. Còn theo Luật Đầu tư công, vốn ngân sách có đầu tư cho chợ được, nhưng đầu tư cho các chợ đầu mối, còn chợ Bến Thành không phải là chợ đầu mối nhưng có tính truyền thống và nếu TP quyết tâm làm thì Sở tham khảo từ các Bộ ngành về trường hợp này. Ở góc độ của Sở thì nên tính theo phương án huy động xã hội hóa là tốt nhất và làm nhanh hơn, có hiệu quả cao hơn so với nguồn vốn ngân sách.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình góp ý: Về chợ Bến Thành nên lợp mái ngói, kết cấu công trình gia cường và bảo tồn lại. Về kinh phí đầu tư, Ban Quản lý chợ bỏ kinh phí ra lập dự án đầu tư. Về nguồn vốn, vận động tiểu thương bỏ một phần; một phần xã hội hóa bằng hình thức cho quảng cáo điện tử xung quanh chợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Đối với chợ Bến Thành có 3 khía cạnh là hoạt động kinh tế; di tích văn hóa lịch sử của TP (dù chưa được công nhận nhưng phải hướng tới); quản lý chợ như thế nào. Do đó, với chợ Bến Thành, việc duy trì Ban Quản lý là đúng nhưng lâu quá nên cần suy nghĩ để đổi mới một cách quyết liệt. Quận phải có phương án bàn với tiểu thương để hình thành mô hình hợp tác xã hoặc công ty. Đồng thời, quận bàn với Sở Văn hóa - Thể thao đăng ký xét công nhận di tích cấp TP.
Về hoạt động kinh tế, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phân tích: Nếu chờ ngân sách là rất khó. Bởi vì, đây là đơn vị sự nghiệp có thu nên việc sửa chữa không đầu tư được nên phải dùng vốn sự nghiệp làm phương án cải tạo chợ. Cùng với đó, vận động tiểu thương đóng góp; cho phép quảng cáo để lấy nguồn thu và vận động các doanh nghiệp lớn trên địa bàn quận. Các sở, ngành và quận phối hợp để triển khai cải tạo dự án phấn đấu trước 30/4/2021 hoàn thành việc cải tạo.
Cần có quy chế phối hợp quản lý Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son
Liên quan dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Quận 1 bàn với chủ đầu tư nên có biên bản phối hợp hoặc quy chế phối hợp giữa UBND quận hoặc phường Bến Nghé để đảm bảo trật tự an toàn, an ninh trật tự; phòng cháy chữa cháy; không để việc cho thuê lại trở thành tụ điểm chứa chất hàng hóa bất hợp pháp.
Việc quản lý người nước ngoài phải được quản lý theo luật pháp Việt Nam và có cơ chế kiểm tra; phối hợp phòng chống dịch bệnh để khi có dịch nơi này không trở thành ổ dịch. Các không gian phục vụ chung phải được sử dụng chung như công viên, đường dọc bờ sông…