(CAO) Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phàn nàn khi nói về thực trạng bổ nhiệm cán bộ hiện nay khi bàn về công tác phòng chống tham nhũng.
Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương trong phiên họp hôm nay (4-9), nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp (UBTP) cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn
Dẫn chứng cụ thể, nhóm nghiên cứu chỉ ra việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, việc tinh giản biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa đồng bộ, còn chậm, thiếu đồng bộ, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đáng chú ý, tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra.
Đề cập đến vấn đề này, báo cáo của Chính phủ nêu, sau khi tiến hành 1.459 cuộc thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại với 131trường hợp. 176trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận và 121trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp. 15trường hợp khác bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc…
Đồng tình với nhận định của nhóm nghiên cứu, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho rằng công tác cán bộ là câu chuyện rất đáng lưu tâm. Ông Sơn nêu thực tế là có tình trạng không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đưa vào bộ máy.
“Thậm chí còn non lắm, chưa đạt yêu cầu mà vẫn ấn con người đó vào để làm, để cuối cùng những người đó thui chột” – đại biểu Sơn bức xúc.
Theo đại biểu của Đà Nẵng, cần phải đánh giá đầy đủ về việc này. “Nhân dân người ta than phiền lắm, con em của người lao động khó lòng vào những chỗ đó lắm. Có những đơn vị, ngồi bếp ăn thấy hết nửa là con em trong gia đình một vài vị lãnh đạo” – đại biểu Sơn phàn nàn và lưu ý, việc nuôi dưỡng, tuyển chọn, rèn luyện cán bộ để chuẩn bị bước lâu dài là vấn đề cần được quan tâm sớm.