Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022):

Nâng cao vị thế người thầy

Chủ Nhật, 20/11/2022 16:50

|

(CATP) Giáo dục nước ta có những bước phát triển vượt bậc nhưng trong nội tại vẫn còn những khó khăn nhất định. Làm sao để thầy cô giáo sống được bằng lương vẫn là câu hỏi rất khó. Nâng cao vị thế người thầy, tạo môi trường giáo dục thân thiện, để không chỉ học sinh, mà cả giáo viên "mỗi ngày đến lớp là một ngày vui"... không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà của toàn xã hội.

1- Trong những ngày qua trên cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022) nhưng nền giáo dục cách mạng được tính từ năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

"Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa" - Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời rất quan tâm đến giáo dục, đã khẳng định như vậy. Ngay sau khi đất nước độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: "Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ".

Chỉ mấy ngày sau Cách mạng thành công, ngày 8-9-1945, Nhà nước cách mạng đã ban hành Sắc lệnh quy định "việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người". Cùng ngày, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Nha bình dân học vụ.

Với chính sách ngu dân của thực dân Pháp, lúc đó hơn 90% dân ta mù chữ. Chỉ trong ba năm, từ tháng 9-1945 đến tháng 9-1948 đã có gần 8 triệu người thoát nạn mù chữ. Nạn mù chữ được thanh toán một bước quan trọng.

Xóa nạn mù chữ, để nền giáo dục cách mạng bước sang một trang mới hoàn toàn, xây dựng một nền giáo dục toàn dân, để đến ngày hôm nay nước ta có trên 99% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường. Chất lượng giáo dục Việt Nam đã bắt đầu tiệm cận với các nước phát triển. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta vượt trên mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các đội tuyển học sinh thi Olympic quốc tế và châu Á đều đạt thứ hạng cao. Giáo dục đại học thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hướng tới đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Tự chủ đại học đạt kết quả tốt và đang được mở rộng; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đại học đứng trong tốp 500 thế giới; Việt Nam cũng đứng thứ 49 thế giới về số lượng báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín; nhiều trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng giáo dục Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp rất lớn cho địa vị kinh tế, chính trị của nước ta như hiện nay.

Bác Hồ luôn quan tâm đến giáo dục nước nhà

2 - Năm 2007, trong chuyến thăm Việt Nam, với tình cảm chân thành của một người bạn Việt Nam, Thủ tướng Singapore lúc bấy giờ là Lý Quang Diệu đã gợi mở nhiều ý tưởng, đặc biệt là các ý tưởng về giáo dục như trọng dụng nhân tài, học tiếng Anh và quan điểm phát triển giáo dục.

Ông Lý Quang Diệu khẳng định: "Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế". Singapore có được như ngày hôm nay là nhờ chính sách ưu tiên phát triển giáo dục của ông Lý Quang Diệu.

Thành quả phát triển kinh tế của nước ta trong hai thập kỷ qua có sự đóng góp rất lớn của giáo dục, khi đào tạo được một nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Tuy nhiên ngành giáo dục vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để phát triển, trong đó đặc biệt vấn đề nâng cao vị thế của người thầy.

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Đó là nền tảng quá tốt để phát triển giáo dục nhưng để được thật sự "tôn sư”, người thầy phải có vị thế trong xã hội. Về mặt hình thức, xã hội vẫn "tôn sư” nhưng dường như mức độ "tôn sư” đâu đó vẫn còn có những vấn đề bất cập. Điều đó làm tổn thương nghề giáo.

Để được thật sự "tôn sư”, người thầy phải có vị thế trong xã hội.

Giáo dục vốn như một cỗ máy. Cái máy ấy là con người. Sư phạm chưa được xem là ngành hấp dẫn sinh viên, dù mới đây Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho ngành sư phạm. Điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm những năm gần đây vẫn chưa cao, làm ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra, đặc biệt là việc đào tạo giáo viên các cấp phổ thông.

Vì sao ngành sư phạm không hấp dẫn sinh viên? Đơn giản vì thu nhập của giáo viên hiện nay quá thấp. Hay nói một cách khác, xã hội đánh giá công lao động của họ chưa đúng. Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện có khoảng 50% giáo viên trên cả nước chỉ nhận được mức lương 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Những giáo viên có thâm niên cũng chỉ nhận 9 đến 10 triệu đồng/tháng; còn giáo viên trẻ mới ra trường, lương 3 triệu đồng/tháng (thậm chí thấp hơn mức hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm khi đang đi học).

Với mức thu nhập như vậy, liệu có thể duy trì động lực để giáo viên gắn bó với nghề? Đã nhiều lần Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) hứa quyết tâm trả lương đúng với lao động mà người thầy đã bỏ ra để giáo viên có thể sống được với đồng lương nhưng cho đến nay, dù đã bổ sung một số khoản phụ cấp như thâm niên, đứng lớp nhưng đa số họ vẫn chỉ có thể "sống mòn" với chính sức lao động của mình.

Một dẫn chứng cụ thể: Để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, TPHCM tuyển giáo viên tiếng Anh cấp 1 với mức thu nhập 3 triệu đồng, ràng buộc phải dạy đủ 23 tiết. Kết quả là TPHCM không tuyển được giáo viên nào, bởi đó là mức lương quá thấp, không đủ để một cá nhân sinh hoạt, đừng nói đến nuôi sống gia đình!

Hệ quả của chính sách tiền lương thấp là làm cho vị thế của người thầy càng thấp đi trong đời sống xã hội, khi họ phải tìm mọi cách bươn chải để sống, trong đó có việc phải dạy thêm bằng nhiều hình thức.

Chúng ta ca ngợi những giáo viên cắm bản, ăn rau rừng, đem chữ nghĩa về cho con em bản làng; ngợi khen những giáo viên dù thu nhập thấp nhưng vẫn hết lòng vì học sinh, ngày ngày lên lớp với bao lo toan về cuộc sống. Lời khen có đủ để nâng vị thế của người thầy?

Cho nên, vấn đề thiết yếu nhất, mang tính quyết định để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, vẫn là lương giáo viên. Chừng nào thầy cô giáo còn tranh thủ dạy thêm, chừng nào giáo viên chưa thể sống bằng lương thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vẫn là một thách thức.

Trong thư gửi các nhà giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2021, khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn viết: "Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta".

3 - Theo Bộ GD-ĐT, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc trong bối cảnh ngành đang đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, dẫn đến việc thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương, ở các cấp học. Thực trạng này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Quốc hội đã thống nhất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho công chức, viên chức từ 01-7-2023, trong đó số lượng viên chức làm việc trong ngành giáo dục chiếm tới hơn 70% số công chức, viên chức trong cả nước. Có nghĩa là giáo viên cũng sẽ được tăng lương nhưng thiết nghĩ mức tăng này chưa đủ để giữ chân họ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ đang trình Thủ tướng trong thẩm quyền, cố gắng tại thời điểm tăng mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng đang tích cực rà soát các chế độ, chính sách, các hoạt động chuyên môn để làm sao nhà giáo có thể yên tâm công tác, chăm lo cho giáo dục, dạy dỗ học sinh tốt nhất.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là cải thiện môi trường giáo dục, làm cho môi trường sư phạm trở nên thân thiện, đoàn kết, tránh áp lực cho giáo viên.

Phát biểu tại buổi gặp mặt các giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, ngày 16-11-2022, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị cần phát động phong trào để thầy cô bớt khổ. "Cái chưa được còn rất nhiều. Trong đó, có những loại tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua không cần thiết, làm khó, làm khổ giáo viên và các trường, gián tiếp làm khổ học sinh. Cần phát động phong trào để thầy cô bớt khổ" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất rõ, là làm sao giảm áp lực cho giáo viên trong điều kiện hiện nay. Ông đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan cần phát động phong trào, có thể chọn tên là: "Để thầy cô vui", để tạo các diễn đàn góp ý và rà lại tiêu chí trực tiếp, gián tiếp gây áp lực cho nhà trường, thầy cô giáo.

Với học sinh "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", điều đó rất nhân văn. Với giáo viên cũng rất cần câu khẩu hiệu đó, để mỗi giờ đến lớp của giáo viên là một giờ vui. Và tất nhiên, thầy vui, trò vui, chất lượng giáo dục sẽ khác.

Ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục mới, ai cũng thấy nhiệm vụ của giáo viên rất nặng nề. Giải quyết các vấn đề tiền lương (chỉ cần đủ sống), tạo một môi trường giáo dục trở nên thân thiện, thì mới có thể thực hiện tốt khẩu hiệu của năm học mới 2022 - 2023: "Đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục".

Bình luận (0)

Lên đầu trang