Ông Lâm Thiếu Quân - nguyên đại biểu HĐND TPHCM:

"Nên thu phí đường bộ theo quãng đường di chuyển"

Thứ Ba, 19/02/2019 14:31

|

(CATP) Theo ông Lâm Thiếu Quân (nguyên đại biểu HĐND TPHCM), quy định hiện nay thu phí sử dụng đường bộ để lập Quỹ bảo trì đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nảy sinh một số bất cập.

Trong khi đó, các dự án BOT đang triển khai thu phí sử dụng đường bộ cho các nhà đầu tư dẫn đến tình trạng phí chồng phí, gây ra những bức xúc cho người sử dụng phương tiện giao thông.

Vì vậy ông Lâm đã đề xuất giải pháp chuyển thu phí từ đầu phương tiện giao thông sang quãng đường di chuyển.

Phóng viên: Theo ông, phương thức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hàng năm hiện nay có những bất cập gì?

Ông Lâm Thiếu Quân: Hiện nay, Nghị định 18/2012 quy định cách thu phí sử dụng đường bộ để lập Quỹ bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện giao thông. Các chủ phương tiện giao thông nộp phí định kỳ tại các trạm đăng kiểm nên dễ hành thu, nhưng mức phí hiện nay rất thấp. Tổng số thu phí qua đăng kiểm khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng 40% nhu cầu duy tu bảo dưỡng đường bộ theo định mức.

Ông Lâm Thiếu Quân

Ngân sách dành cho Tổng cục Đường bộ và đa số các tỉnh thành phố để duy tu, bảo dưỡng thiếu trầm trọng. Hạ tầng giao thông không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời là một trong những nguyên nhân làm tăng tai nạn và ùn tắc giao thông.

Việc thu phí định kỳ có một bất cập nữa là cào bằng giữa xe đi nhiều và xe đi ít, không phản ánh mức độ sử dụng và làm hao mòn hạ tầng giao thông. Chính vì thế hầu hết các nước trên thế giới không thu phí cố định hàng năm mà đều chuyển sang thu phí theo quãng đường di chuyển, giống như chúng ta đã áp dụng trên các đường cao tốc hiện nay, ai đi nhiều trả nhiều, đi ít trả ít.

- Phương thức thu phí theo quãng đường di chuyển sẽ được triển khai ra sao và có ảnh hưởng thế nào đến thu phí BOT hiện nay, thưa ông?

- Khi bỏ thu phí theo đầu phương tiện, chúng ta cần triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng để bất cứ xe nào khi di chuyển trên đường đều phải đóng phí sử dụng đường bộ. Hệ thống này mở rộng từ hệ thống thu phí tự động đang triển khai tại một số trạm BOT hiện nay, gồm các giá long môn bắt ngang qua đường quốc lộ ở khoảng cách trung bình 10km, trên đó có các đầu đọc để trừ tiền và camera chụp hình khi xe đi qua với tốc độ bình thường mà không phải dừng lại trả phí.

Khoản phí thu được trên quốc lộ sẽ chuyển cho Tổng cục Đường bộ, đi trên đường BOT thì chuyển cho chủ đầu tư BOT, trên đường nội đô thì chuyển trả cho UBND tỉnh thành phố, trên cao tốc chuyển cho VEC.

Tất nhiên mức phí trên quốc lộ cần phải thống nhất trên cả nước để làm căn cứ tính mức đầu tư và bảo trì đường bộ, không tiến hành thu trên những khoảng đường đang xây dựng, xuống cấp. Các trạm thu phí BOT vẫn duy trì nhưng có lộ trình dần bỏ hẳn thu phí bằng tiền mặt, chuyển sang hoàn toàn thu phí không dừng. Việc nạp tiền vào tài khoản trả trước tiến hành tại ngân hàng, các cây xăng hoặc qua các ví điện tử.

- Kinh nghiệm triển khai thu phí theo quãng đường di chuyển của các nước trên thế giới ra sao?

- Thu phí giao thông theo quãng đường di chuyển được áp dụng trên hầu hết các hệ thống cao tốc trên toàn thế giới và ở cả nước ta. Việc triển khai trên quốc lộ có khó khăn hơn cao tốc do có rất nhiều giao lộ, nhưng đã được triển khai thành công ở rất nhiều nước phát triển như Đức, Áo, Thụy sỹ, Cộng hòa Séc, Slovakia...

Thu phí giao thông theo quãng đường di chuyển được áp dụng trên hầu hết các hệ thống cao tốc

- Việc triển khai phương thức thu phí theo quãng đường này có những ưu điểm gì khác?

- Việc Bộ Giao thông vận tải chủ trương đẩy mạnh thu phí không dừng tại các trạm BOT, hiện đang đấu thầu giai đoạn 2, chúng ta không có khó khăn gì về công nghệ và nhà đầu tư. Về pháp lý, chúng ta không phải chờ Quốc hội vì Luật Giao thông đã quy định việc thu phí sử dụng đường bộ, mà chỉ cần ban hành nghị định mới thay việc thu theo đầu phương tiện sang thu phí theo quãng đường di chuyển, đảm bảo công bằng trong thu phí, không có tình trạng phí chồng phí.

Với việc tích hợp thu phí cho các trạm BOT và trên quốc lộ do Nhà nước quản lý trên cùng một nguyên tắc, chúng ta sẽ đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư hiện hữu mà không phải điều chỉnh nhiều các hợp đồng BOT đã ký. Đây cũng là nền tảng để Nhà nước tiếp tục kêu gọi đầu tư PPP để nâng cấp hạ tầng, mở rộng mạng lưới cao tốc trong tương lai theo nghị quyết của Quốc hội.

Hệ thống các camera tại các cổng thu phí là thành phần quan trọng trong điều khiển giao thông thông minh ITS, đo đạc chính xác tốc độ lưu lượng, giúp giám sát tình trạng mặt đường, xe quá khổ, quá tải, xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn giao thông...

- Được biết, giải pháp này đã được ông gửi cho Chính phủ?

- Năm ngoái, tôi đã gửi giải pháp này cho Phó thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải, và đã có một số buổi giải thích thêm với Tổng cục Đường bộ. Đây chỉ là bước ý tưởng đề xuất, cần có nhiều biện pháp khác phải được xem xét áp dụng đồng bộ. Ví dụ việc xử phạt xe không chịu trả phí thế nào, khung pháp lý xử phạt qua đăng kiểm được hay không, tiền đã đóng phí qua đầu phương tiện rồi sẽ được hoàn trả lại ra sao...

Tôi tin rằng Chính phủ đang xem xét cẩn trọng nhiều đề xuất của các chuyên gia khác nữa để giải nút thắt về giao thông, trong đó việc thu phí là một điểm nóng đang thu hút nhiều dư luận hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận (0)

Lên đầu trang