Cần phải làm gì để giữ người lao động ở lại?

Thứ Ba, 05/10/2021 12:40

|

(CATP) Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, hàng triệu lao động (LĐ) bị thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, bị sang chấn tinh thần là tất yếu, việc họ tự phát về quê cũng là chuyện bình thường, vấn đề là công tác phòng chống (PC) dịch và cách ứng xử của các doanh nghiệp (DN)... Có thể trong những ngày đầu, các địa phương còn lúng túng, nhưng về sau dẫn sẽ ổn định dần.

Vấn đề quan trọng nhất là trước mắt, TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam sẽ phải đối diện với việc khủng hoảng nguồn nhân lực, nhưng nguồn nhân lực cũng sẽ tuân thủ theo quy luật điều tiết của thị trường LĐ. Kinh nghiệm của tỉnh Long An thời "hậu Covid-19" rất đáng để suy nghĩ.

Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh này - cho biết, sau khi bắt đầu kiểm soát được dịch, nhiều DN trên địa bàn đã hoạt động trở lại và đặt mục tiêu tới cuối tháng 11-2021, hơn 80% LĐ sẽ quay lại sản xuất (SX) trong điều kiện bình thường mới. Người dân đổ về quê sau một thời gian đã tổn thương nhiều về tinh thần.

Chúng tôi đề nghị các DN đặt chỗ, thậm chí ứng lương trước để họ làm việc ngay trong tháng 10, song họ vẫn nhất quyết về quê, nhưng họ cũng chia sẻ chỉ về nghỉ một thời gian, rồi sẽ quay lại làm việc. Cá nhân tôi nghĩ việc về quê tái tạo tinh thần cũng là điều cần thiết cho công nhân (CN) và người lao động (NLĐ) sau đợt dịch này".

Người lao động đi thành từng đoàn tự phát về quê

Điều quan trọng nhất, theo ông Thanh: "Đây cũng là dịp các DN phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chính sách cho NLĐ. Doanh nghiệp nào có chính sách tốt, NLĐ sẽ quan tâm". Ông Thanh nêu ví dụ, ở Long An, có Công ty TNHH Chingluh với hơn 35.000 CN, trong 3 tháng ngừng SX, họ vẫn chi khoảng 270 tỉ đồng/tháng trả lương để giữ chân CN. Tôi tin với chính sách ấy, CN sẽ đáp lời khi DN kêu gọi trở lại làm việc".

Đây mới chính là vấn đề cốt lõi để giữ chân NLĐ mà các DN trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở các tỉnh phía Nam đang đối diện với nguồn nhân lực thiếu hụt nghiêm trọng cần lưu ý để giữ chân NLĐ, trong đó nhiều người có tay nghề cao chứ không chỉ có LĐ phổ thông.

Thực tế đa phần trong đợt dịch này, CN thất nghiệp toàn phần. Theo ông Phạm Thanh Trực - Phó trưởng ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), thống kê cho thấy có khoảng 31.000 LĐ làm việc tại các KCX-KCN của TPHCM đã về quê. "Tổng số NLĐ làm việc trong các KCX-KCN tại TPHCM là 288.000. Khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện SX "Ba tại chỗ", chỉ có 720 DN tổ chức SX với 64.000 LĐ tham gia". Như vậy rõ ràng chỉ tính riêng Hepza đã có đến hơn 200.000 CN thất nghiệp. Họ làm gì để sống?

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, thông tin, TPHCM có trên 470.000 DN đăng ký hoạt động, trong đó hơn 15.000 DN FDI, với trên 3,2 triệu CN. Tình hình của những DN này tất nhiên không khác gì các DN của Hepza khi mà có ít nhất hơn một nửa số CN này đã về quê trong 2 đợt vừa qua. Vấn đề này và hàng loạt vấn đề khác liên quan đến chính sách, thể chế LĐ đang được đặt ra thời "hậu Covid-19".

Đợt dịch lần này cũng cho thấy đời sống của đa số CN vẫn còn thấp, thậm chí rất thấp. Họ không tích lũy, nhiều khu trọ, chỗ ở cho CN, NLĐ còn rất tạm bợ, dễ phát sinh dịch bệnh và nhiều phúc lợi khác cần được cải thiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận ra thực tế đó khi trong mùa dịch này, ông đã đi thực tế rất nhiều nơi và đưa ra nhận xét rất xác đáng là sau đại dịch, nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền là cải tạo những khu dân cư nghèo nàn, lo nhà ở cho CN thuê, lo đời sống cho CN...

Đây là vấn đề chăm lo cho con người, chăm lo cho nguồn nhân lực lâu dài để phát triển bền vững. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang