Chiều 04/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải chủ trì họp báo
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại
Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải, sau 3 ngày TPHCM thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP, đại bộ phận người dân rất phấn khởi, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại.
Cụ thể, trong 3 ngày qua, TP có 5.279 doanh nghiệp đăng kí hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc,… Nhiều quận, huyện đang làm việc với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để nắm thực trạng, tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị này nhanh chóng trở lại sản xuất.
Tuy nhiên, tại TP, vẫn có một số trường hợp chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị như lưu thông chưa đủ điều kiện, tụ tập buôn bán hàng rong.
Tinh thần của Chỉ thị 18 là tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, trong đó, ưu tiên công tác phòng chống dịch và sức khoẻ của người dân. Vì vậy, cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, bản thân và gia đình, người thân phải tự bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, sống an toàn”, Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh
17 địa phương đề nghị được công nhận kiểm soát dịch
Tại họp báo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, đến ngày 3/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID TP đã nhận được báo cáo liên quan đến kết quả phòng chống dịch tại TP Thủ Đức, quận - huyện từ các đoàn kiểm tra.
Theo đó, 17 địa phương được đề nghị công nhận kiểm soát dịch gồm: TP Thủ Đức, quận 1, quận 3, quận 5, quận 6, quận 7, quận 8, quận 10, quận 11, quận 12, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, quận Tân Bình, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi.
Năm địa phương còn lại được chia thành 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm 3 đơn vị (quận 4, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn) chưa có báo cáo thẩm tra, thẩm định của đoàn kiểm tra. Nhóm 2 gồm 2 địa phương chưa công nhận kiểm soát dịch là quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
Tính đến 18 giờ 00 ngày 03/10/2021, có 398.056 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 397.560 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 496 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 27.060 bệnh nhân, trong đó: có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi, 724 bệnh nhân nặng đang thở máy. Trong ngày 03/10: có 1.449 bệnh nhân nhập viện, 2.743 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 216.856), 93 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/221 đến nay là 15.241).
Liên quan đến công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 02/10/2021 đến 18 giờ 03/10/2021 đã lấy 102.760 mẫu, trong đó có 2.979 mẫu đơn và 73 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 100.008 mẫu.
Về chiến dịch tiêm vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 03/10/2021: 11.314.301 trong đó tổng số mũi 1 là 6.947.437, mũi 2 là 4.366.864. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm, tỉ lệ người trên 50 tuổi đã tiêm mũi 1 là 96,64%, mũi 2 là 66,32%.
Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Văn Lâm cho biết, công tác phân bổ gói hỗ trợ đợt 3 được thực hiện theo quy trình. Cụ thể, sau khi UBND phường, xã, thị trấn tiếp nhận và xét duyệt đề nghị từ các tổ khu phố, tổ nhân dân, Chi cục Kho bạc Nhà nước tại các địa phương sẽ chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, gói hỗ trợ đợt 3 đã được chi trả cho hơn 1.100.000 người dân tại 312 phường, xã. Việc chi trả được thực hiện thường xuyên, kể cả ngày nghỉ.
Để đảm bảo giám sát cho đợt chi trả này, Sở đã thành lập 23 đoàn công tác, trong đó 1 đoàn thường trực tại Sở để xử lý thông tin, 22 đoàn còn lại thực hiện giám sát tại các quận, huyện, TP Thủ Đức. Qua khảo sát thực tế, Phó Giám đốc Sở cho biết, các địa phương đang thực hiện rất tốt, đảm bảo nguyên tắc 5K, chi hỗ trợ theo tổ dân phố, tổ nhân dân (ở mỗi tổ có tổ trưởng và giám sát khu vực).
Các doanh nghiệp đang cần từ 43.600 - 56.800 lao động
Về việc đáp ứng nguồn lao động trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cũng cho hay, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP, có khoảng hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp là từ 43.600 – 56.800.
Hướng giải quyết đặt ra đối với các lao động của các doanh nghiệp hiện nay đã về quê, người lao động sẽ nhận được tin nhắn để quay trở lại TP. Đồng thời, người lao động phải đáp ứng được các điều kiện đặt ra tại bộ tiêu chí an toàn đã được Sở Công thương TP ban hành.
Đối với lực lượng đang sinh sống trên địa bàn TP có nhu cầu tìm việc làm, hiện 127 đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn có giấy phép đăng ký hoạt động, trong đó Trung tâm giới thiệu việc làm TP và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP là nòng cốt. Các đơn vị này đang tiến hành khảo sát nhu cầu tìm việc để tư vấn, từ đó giới thiệu danh sách cụ thể của người lao động để doanh nghiệp phỏng vấn.
Ngoài ra, các học sinh, sinh viên các trường Trung cấp, Cao đẳng nghệ sau khi tốt nghiệp sẽ được Trung tâm giới thiệu việc làm của các trường giới thiệu việc làm, cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp.
Về việc Trung tâm thương mại E-mart (quận Gò Vấp) bị yêu cầu tạm dừng hoạt động vào ngày 3/10, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, sau khi Sở Công thương nhận được phản ánh E-mart không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, thanh tra Sở đã phối hợp với địa phương đến ghi nhận thực trạng.
Qua đó, nhận thấy tại đây người dân tập trung đông để mua sắm, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m, siêu thị chưa phân luồng để người dân di chuyển di chuyển 1 chiều. Vì vậy, đoàn kiểm tra đã đề nghị siêu thị tạm dừng để khắc phục vấn đề này. Đến chiều nay (4/10), Sở đã tiến hành kiểm tra và cho phép siêu thị hoạt động trở lại.
Không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách… bị phạt từ 1 triệu - 3 triệu đồng
Về việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá từ TPHCM đến các địa phương khác, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hoà An, công tác này trong những ngày gần đây diễn ra thuận lợi, an toàn.
Đối với công tác đưa người dân từ các tỉnh, thành về TPHCM, từ 8 giờ ngày 2/10 - 3 giờ ngày 4/10, Sở Giao thông Vận tải đã nhận được 6.937 đơn đề nghị từ người dân qua email và đã giải quyết 2.590 trường hợp.
Để công tác trên được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, dự kiến ngày 6/10, Sở sẽ tổ chức để người dân điền thông tin trên website của Sở Giao thông Vận tải.
Công an TP đã tổng kiểm tra khoảng 547.000 phương tiện, 233.196 lượng người trong 4 ngày thực hiện Chỉ thị 18
Về việc triển khai các tổ tuần tra lưu động, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP - Thượng tá Trần Thanh Giang thông tin, Công an TP sẽ thực hiện ngẫu nhiên trên đường và có hiệu lệnh dừng phương tiện của CSGT để kiểm tra.
Khi tham gia lưu thông, ngoài CMND, CCCD, người dân phải sử dụng ứng dụng VNEID để khai báo di chuyển và mã QR có lịch sử tiêm chủng. Trường hợp không có mã QR thì phải xuất trình giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc giấy tiêm vaccine mũi 1 ít nhất 14 ngày.
Thông tin về mức xử phạt, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP cho hay, tại Nghị định 117/2020 quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế, đối với hành vi không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách… sẽ bị phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng. Tại khoản 2, điều 14 của Nghị định này cũng quy định việc cá nhân không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của các cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng.
Qua 4 ngày thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND, tại 12 chốt cấp TP và 39 chốt cấp quận, huyện, TP Thủ Đức và các tổ tuần tra lưu động, Công an TP đã tổng kiểm tra khoảng 547.000 phương tiện, 233.196 lượng người. Theo đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản 588 trường hợp vi phạm về an toàn phòng, chống dịch, tổng mức xử phạt phạt lên tới 1.253.000.000 đồng.
Về việc hỗ trợ người dân đi qua TPHCM về các tỉnh miền Tây và miền Đông, ngày 1/10 Công an TP đã hỗ trợ khoảng 10.000 lượt người. Tiếp đó, ngày 2-3/10, hỗ trợ khoảng 24.000 lượt người (khoảng 8.066 người dân lưu trú tại TPHCM, 18.000 là người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) di chuyển qua TPHCM để về quê. Công an TP ở các cửa ngõ sẽ hỗ trợ dẫn đường, đảm bảo cho người dân di chuyển thành đoàn, không xé lẻ. Khi đến địa phận các tỉnh lân cận, Công an tại các địa phương này sẽ tiếp nhận và tiếp tục hỗ trợ để người dân di chuyển thuận lợi, có trật tự.
Liên quan đến công tác cấp mã QR code cho các cơ sở kinh doanh trên ứng dụng An toàn COVID, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương, từ 30/9 đến 4/10, Sở Thông tin - Truyền thông đã cấp 26.000 mã QR code cho các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang tích cực phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức quá trình đăng kí mã QR. Đến ngày 8/10, việc quét mã QR code sẽ được triển khai chính thức trên địa bàn TP.