Hội đồng nhân dân TP.HCM thảo luận tại hội trường:

Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế sử dụng chất kích thích

Thứ Tư, 29/07/2015 15:10  | Linh Vũ

|

(CAO) Sáng 29-7, kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa VIII tiếp tục với phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015 và giải pháp 6 tháng cuối năm tại hội trường. Theo đó, nhiều đại biểu băn khoăn về tình hình trật tự an toàn giao thông và công tác cai nghiện trên địa bàn TP.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hồng (Q.Tân Phú) đặt vấn đề về TNGT có số vụ và số người bị thương giảm nhưng số người chết gia tăng. Vậy trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương trong thời gian tới phải quyết liệt hơn nữa để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng con người.
Toàn cảnh kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 29-7 - Ảnh: Linh Vũ

Còn đại biểu Cao Thanh Bình (Q.9) đưa ra vấn đề về việc chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường đang diễn biến phức tạp, người đi bộ không có chỗ đi phải xuống lòng đường dễ gây tai nạn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban an toàn giao thông TP.HCM cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2015, TP.HCM xảy ra 1.783 vụ TNGT làm chết 344 người, bị thương 1.549 người. Đối tượng chính dẫn đến tai nạn vẫn là xe mô tô, một số vụ nghiêm trọng có liên quan đến xe đầu kéo, tài xế sử dụng chất kích thích... Bên cạnh đó, các vụ tai nạn có liên quan đến người đi bộ cũng khá cao, trong đó lỗi do người đi bộ chiếm 2/3 số vụ. Về việc này, cơ quan chức năng cần xây dựng, sắp xếp vạch sơn, vạch đường, đèn giao thông cho hài hoà để người dân qua đường an toàn hơn".

Về việc lấn chiếm lòng lề đường, ông Tường cho biết, trong năm 2014, 24 quận, huyện trong TP.HCM đã triển khai thực hiện các tuyến đường kiểu mẫu. Khi tiến hành ra quân dọn dẹp thì ổn định, nhưng hết chiến dịch thì mọi thứ trở lại lộn xộn. Để giảm thiểu việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, cơ quan ban ngành cần có giải pháp quy hoạch lại khu mua bán, vận động để người dân tuân theo quy định.

Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM trả lời tại kỳ họp - Ảnh: Linh Vũ

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ngày 11-6, Bộ GTVT đã làm việc với sở và các doanh nghiệp vận tải để trao đổi, đánh giá về nguyên nhân xe đầu kéo gây TNGT. Trong đó, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế lái xe không đảm bảo sức khoẻ, giờ giấc theo quy định. TP.HCM hiện đang quản lý 7.827 giấy pháp lái xe hạng FC, 8.929 số đầu kéo (lái xe có bằng thấp hơn số xe đầu kéo đã đăng kiểm). Điều này dẫn đến việc nhiều tài xế sử dụng bằng lái xe giả. Qua kiểm tra phát hiện 107 trường hợp xử dụng giấy phép lái xe giả hạng FC (các loại giấy phép lái xe khác là 707 trường hợp).

Tài xế sử dụng chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Trong năm 2014, cơ quan chức năng đã kiểm tra khám sức khoẻ cho 39.000 lượt tài xế và phát hiện 21 trường hợp dương tính với ma tuý. 6 tháng đầu năm 2015, phát hiện 16 trường hợp dương tính với ma tuý trong tổng số 17.626 tài xế được kiểm tra sức khoẻ.

Đại tá Trần Đức Tài - Phó Giám đốc CATP trình bày tại kỳ họp - Ảnh: Linh Vũ

Đại tá Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết: “TP.HCM hiện có trên 7 triệu xe ô tô và gắn máy, con số này chưa kể khách vãng lai từ các tỉnh lân cận đổ về làm việc, vui chơi. CATP, sở GTVT, các quận huyện đã nổ lực rất lớn để kéo giảm TNGT nhưng vẫn chưa thể có kết quả tốt nhất vì nhiều lý do khách quan. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 lượt vi phạm, thu về 124 tỷ cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, mức phạt không phải là vấn đề, nguyên nhân chính để giảm TNGT là ý thức tham gia giao thông của người dân. Giải pháp đưa ra là phải tuyên truyền luật giao thông cho người điều khiển phương tiện, và người đi bộ vì đây cũng là nguyên nhân làm tăng TNGT. Chợ tự phát lấn chiếm lòng đường cũng là nguyên nhân, người đi bộ không có đường để đi buộc phải xuống lòng đường và nguy cơ tai nạn là rất cao”.

Tại phiên thảo luận, việc quản lý cai nghiện cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Q.4) đặt vấn đề: “Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM, hiện còn có rất nhiều người nghiện chưa được quản lý. TP phải tiếp tục có giải pháp mạnh trong việc này”.

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc sở LĐTBXH TP.HCM tại kỳ họp - Ảnh: Linh Vũ

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc sở LĐTBXH cho biết, TP hiện đang quản lý 10.321 người nghiện có hộ khẩu. Số người nghiện này đều phải trải qua giai đoạn 15 ngày cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý... sau đó về lại cộng đồng theo dõi 6 tháng, nếu tái nghiện sẽ đưa ra toà án sau đó đưa lên cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hiện, số người nghiện chưa được quản lý là 1.270 người. Những trường hợp này phải tăng cường cảm hoá, thuyết phục trên cơ sở các đội công tác xã hội, tình nguyện để người nghiện tự khai báo, sử dụng methadol, các chất thay thế cai nghiện.

Kiện toàn các cơ sở phục vụ cai nghiện một cách hiệu quả; khi con nghiện lên cơ sở bắt buộc phải có đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cho con nghiện như ăn ở, học hành...; kiến nghị sửa một số nghị định vướn mắt để giúp đỡ người nghiện.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM kết luận tại phiên thảo luận sáng nay - Ảnh: Linh Vũ

Chiều cùng ngày, HĐND TP.HCM đã thông qua kết luận tiếp tục việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy theo ý kiến của UBND và chờ theo dõi chỉ đạo của Chính phủ. Hiện các Quy định vẫn còn hiệu lực nên vẫn sẽ tiếp hành.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đưa ra 4 giải pháp để đảm bảo việc thu phí hợp lý và minh bạch là: Tuyên truyền pháp luật rộng rãi trong quần chúng; việc hành thu khoa học, hợp lý, tạo thuận lợi cho dân; đảm bảo nguồn thu được quản lý chặt chẽ, minh bạch, không thất thoát và sử dụng nguồn thu đúng mục đích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang