Ông Nguyễn Văn Triệu cho rằng, trong điều kiện giao thông đường bộ còn nhiều bất cập như hiện nay, việc có thêm các đường bay là giao thông văn minh, tích cực; có lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm TP. Bảo Lộc (Ảnh: T.L)
Mong muốn địa phương phát triển vượt trội
Dự án sân bay Lộc Phát - Bảo Lộc với quy mô khoảng 50 đến 100ha, hình thành sân bay cấp 3C, đường cất hạ cánh 1.820m x 30m. Bên cạnh đó, 3 dự án trọng điểm khác gồm: Tổ hợp dịch vụ du lịch khách sạn 5 sao (đầu tiên ở Bảo Lộc), Sân golf Lộc Phát - Lộc Thắng, Khu tổ hợp dịch vụ - du lịch sinh thái sân golf - cáp treo núi Sapung, quy mô hàng trăm ha (theo đề xuất của nhà đầu tư) với hình thức: nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2 (quy mô diện tích khoảng 84ha, tại phường 1 và phường Lộc Phát) với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị và dịch vụ vui chơi giải trí gắn với cảnh quan hồ, Khu dân cư Phan Đình Phùng... Mục tiêu của các dự án là xây dựng các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, giúp kích cầu cho địa phương phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
"Chúng tôi mạnh dạn đề xuất với Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh gần 20 dự án, trong đó có các dự án trọng điểm, đưa các dự án trọng điểm thành Nghị quyết làm mục tiêu, động lực tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chào đón các nhà đầu tư có tiềm năng. Nhiệm kỳ này không làm được thì nhiệm kỳ sau, phải quyết tâm, phải nhìn xa trông rộng, không hão huyền. Đó vừa là trách nhiệm, là mơ ước của Đảng bộ, nhân dân TP.Bảo Lộc", ông Nguyễn Văn Triệu chia sẻ.
4 dự án trọng điểm hiện Bảo Lộc đang mời gọi đầu tư
TP.Bảo Lộc nằm trải dài trên Quốc lộ 20, là một trong hai thành phố (cùng với Đà Lạt) thuộc tỉnh Lâm Đồng; giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Đắk Nông, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 150km.
Những năm gần đây, trong khi ngành du lịch, nông nghiệp công nghệ cao của TP.Đà Lạt chạm đỉnh, thuộc top dẫn đầu cả nước về chất và lượng, tốc độ phát triển của Bảo Lộc còn chậm, trong khi về khí hậu thổ nhưỡng, cảnh quan, Bảo Lộc cũng rất tiềm năng để phát triển du lịch.
Bảo Lộc cũng là vùng đất nổi tiếng về cây chè; là thủ phủ của ngành ươm tơ dệt lụa cả nước, sản phẩm xuất khẩu trong và ngoài nước dẫn đầu cả nước hiện nay; phong phú về cây ăn trái (sầu riêng, bơ, măng cụt...); chăn nuôi bò sữa, trữ lượng khoáng sản tương đối lớn... Dường như Bảo Lộc chưa được đánh thức, nhận chân đúng thế mạnh, tiềm năng.
Theo Quyết định 1848/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, TP.Bảo Lộc sẽ là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng ủng hộ các dự án theo đề xuất của Bảo Lộc nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa TP.Bảo Lộc trở thành đô thị loại II trước năm 2025, trở thành trung tâm phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, giúp kích thích, tăng trưởng các địa phương thuộc tỉnh, vùng lân cận.
Ước mơ Bảo Lộc đổi thay, thịnh vượng
Ông Nguyễn Văn Triệu - Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc mong muốn thành phố cất cánh, vươn xa, biến vùng đất đầy tiềm năng thành một thành phố thực sự khởi sắc, "lột xác", trở thành một đô thị sinh thái, thu hút nhiều thành phần dân cư đến sinh sống.
Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch
UBND tỉnh Lâm Đồng (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Văn Triệu – Bí thư Thành ủy TP.Bảo Lộc (bên phải) trao phần thưởng, chứng nhận cho đơn vị đạt giải nhất Cuộc thi ý tưởng quy hoạch chung TP.Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040. Ảnh: Hữu Sang
Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và tại Hàn Quốc đã gửi thư ngỏ hoặc trực tiếp đến làm việc với Thành uỷ, UBND TP.Bảo Lộc để nghiên cứu và đánh giá, đây là vùng đất đầy tiềm năng, cơ hội để đầu tư, hợp tác khả thi.
Cuối năm 2019, một tập đoàn địa ốc có tiếng tại TP.HCM cũng đã đề xuất lập, thực hiện thủ tục đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại núi Sapung - TP.Bảo Lộc, với quy mô khoảng 432,3ha; tiến độ thực hiện là từ năm 2020 – 2025; mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, khách sạn tại đây.
Nguồn tin từ UBND TP.Bảo Lộc, được biết, mới đây, một doanh nghiệp lớn, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư – phát triển bất động sản ở phía Bắc đã có văn bản gửi Thành uỷ, UBND TP.Bảo Lộc về việc đề xuất nghiên cứu Dự án Sân bay Lộc Phát và Dự án Khu đô thị, dịch vụ, giải trí hồ Nam Phương 2.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ lập kế hoạch hợp tác đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng tại Bảo Lộc, khôi phục Dự án Sân bay Lộc Phát - Bảo Lộc với quy mô khoảng 100ha, hình thành sân bay cấp 3C, đường cất hạ cánh 1.820m x 30m và đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị, dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2, quy mô diện tích 84ha, tại phường 1 và phường Lộc Phát.
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng (ở giữa) đại diện Chủ đầu tư Đồ án Quy hoạch và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Bí thư Thành uỷ TP. Bảo LộcNguyễn Văn Triệu bên các bản vẽ ý tưởng thiết kế quy hoạch TP.Bảo Lộc. Ảnh: Hữu Sang
Trước một số ý kiến cho rằng, tại huyện Đức Trọng - Lâm Đồng (cách TP.Bảo Lộc khoảng 100km) đã có sân bay Quốc tế Liên Khương, sắp tới đây có thêm tuyến đường cao tốc Dầu Giây (địa phận tỉnh Đồng Nai) - Liên Khương - Đà Lạt, sự xuất hiện thêm một sân bay có cần thiết không?
Ông Nguyễn Văn Triệu - Bí thư Thành uỷ TP.Bảo Lộc khẳng định, rất cần thiết là đằng khác. Các phương tiện sẽ thông thương, bổ trợ cho nhau, Bảo Lộc chú trọng đường bay thương mại kết hợp du lịch - dịch vụ với những máy bay nhỏ, chở ít người, chi phí không cao... giúp kích cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một thành phố có đường bay sẽ thuận lợi phát triển nhiều mặt, đánh thức vùng đất đầy tiềm năng, thế mạnh kinh tế - du lịch.
Trước đó, tháng 2-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Xây dựng và UBND TP.Bảo Lộc tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng Cuộc thi ý tưởng quy hoạch chung TP.Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040. Việc triển khai lập Đồ án Quy hoạch này nhằm xây dựng TP.Bảo Lộc một cách khoa học, bài bản, hướng đến phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng đô thị xanh trong tương lai; kích cầu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương.
Kết quả, Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAR) và AREP Ville được trao giải nhất với các bản vẽ nêu bật ý tưởng quy hoạch chung TP.Bảo Lộc và các vùng phụ cận đến năm 2040, đan xen hài hoà giữa nét hiện đại du nhập quốc tế với bản sắc văn hoá địa phương.
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ấn định thời gian hoàn thiện Đồ án quy hoạch, trình HĐND tỉnh thông qua (tại kỳ họp giữa năm 2020), hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.Bảo Lộc lần thứ VI, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.