Tiếp tục phiên xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm:

Các ‘sếp lớn’ PVN khai ‘không liên quan’

Thứ Tư, 10/01/2018 13:43  | Thanh Hoà

|

​(CAO) Tại phiên tòa, các “sếp lớn” từng cầm bút ký các văn bản, giấy tờ trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng đều một mực nói rằng mình không biết đến nội dung đó.

Sáng 10-1, ngày làm việc thứ ba phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, các luật sư tiếp tục xét hỏi các bị cáo xung quanh hành vi làm trái quy định Nhà nước trong việc triển khai, lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng EPC (HĐ 33) của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ).

Theo cáo trạng, để tạo điều kiện cho Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án NMNĐ Thái Bình 2 và yêu cầu Nguyễn Quốc Khánh chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Sau đó chỉ đạo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên căn cứ hợp đồng này để tạm ứng trên 6,6 triệu USD và trên 1.300 tỷ đồng cho PVC trái quy định. Số tiền này đã bị Trịnh Xuân Thanh và cấp dưới đem trên 1.100 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền gần 120 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh-nguyên Phó Tổng giám đốc PVN bị luật sư liên tiếp đặt câu hỏi xung quanh bản HĐ 33. Bị HĐXX nhắc nhở vì đưa ra những câu hỏi không liên quan đến hành vi của bị cáo hoặc HĐ 33, luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh) cho rằng, theo quy định mới về công tác xét xử, luật sư có quyền đưa ra những câu hỏi nhằm tìm ra những chứng cứ mới mà kết luận điều tra cũng như cáo trạng chưa đề cập tới.

Ông Khánh cho biết, lúc đầu không biết nội dung HĐ33, cũng không liên quan gì đến việc tạm ứng. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết, ông Khánh chỉ đạo trực tiếp Ban Tài chính của Tập đoàn, còn nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN Ninh Văn Quỳnh khai, mặc dù ông Khánh không trực tiếp chỉ đạo, nhưng việc tạm ứng là do Quỳnh căn cứ vào các quyết định của HĐTV.

Ông Vũ Huy Quang

Nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực cũng khẳng định không có chỉ đạo nào về việc ký HĐ 33; còn trong 4 lần PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC thì chỉ có 1 lần ông chỉ đạo, 3 lần sau thì “không chỉ đạo họ vẫn chuyển tiền”- bị cáo Thực nói. Nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn cùng kêu không biết HĐ 33 chưa đủ thủ tục, trái quy định pháp luật, việc ký cấp vốn cho Ban quản lý dự án NMNĐ là hoàn toàn dựa vào nghị quyết của HĐQT…

Tuy nhiên, tại phiên toà, ông Vũ Huy Quang, Tổng Giám đốc PVPower cho biết: “Có rất nhiều lời khai các bị cáo nói không biết những thiếu sót của HĐ 33, nhưng tôi khẳng định rằng không đúng vì đã có rất nhiều cuộc họp, có cả cuộc họp tổng thể HĐTV do ông Đinh La Thăng chủ trì, tôi đã nói rõ là HĐ này có nhiều thiếu sót, cần hoàn thiện thủ tục pháp lý, cần phải thanh lý HĐ, vì vậy ông Thăng đã chỉ đạo rà soát lại HĐ 33 để ký lại HĐ mới”.

Trình bày về việc tại thời điểm đó, PVPower rất phấn khởi, mong mỏi nhận dự án NMNĐ Thái Bình 2 nên HĐ 33 được ký trong bối cảnh PVC phải ký HĐ trước 28/2/2011. “Mục đích ký HĐ 33 chỉ là để khởi công thôi”-Tổng Giám đốc PVPower nói. Ông Quang cũng cho biết, sau đó, PVPower đã báo cáo Tập đoàn bằng 3 văn bản báo cáo cụ thể và kiến nghị với ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh nội dung: Nếu chuyển đổi công nghệ thì phải hiệu chỉnh dự án đầu tư, hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, hồ sơ yêu cầu, gói thầu EPC, nếu nảy sinh thêm các khó khăn và để hoàn tất các thủ tục pháp lý phải mất 5-6 tháng nữa, tức khoảng trung tuần tháng 6/2011 mới ký được hợp đồng EPC, nhưng lãnh đạo Tập đoàn vẫn yêu cầu phải hoàn thành hợp đồng trước 28/2/2011.

Bị cáo Thực

Theo cáo trạng, ngày 21/2/2011, Đinh La Thăng ký Quyết định số 1409 phê duyệt kế hoạch đấu thầu, ngày 24/2/2011 ký Quyết định số 1531 phê duyệt Thiết kế cơ sở hiệu chỉnh Dự án NMNĐ Thái Bình 2 và ủy quyền cho HĐTV PVPower phê duyệt dự án đầu tư hiệu chỉnh phù hợp với thiết kế cơ sở hiệu chỉnh theo đó có nội dung thay đổi công nghệ từ Lò sôi tuần hoàn (CFB) sang Lò than phun (PC).

Tại thời điểm này, do đang mất cân đối về tài chính với mục đích để PVC có nguồn tiền sử dụng, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đã chỉ đạo ông Nguyễn Duyên Hải, Phó Tổng giám đốc PVC ký Công văn số 641 ngày 25/2/2011 gửi Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh báo cáo phương án và kế hoạch triển khai Hợp đồng EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Theo đó, PVC sẽ tiến hành ngay các công việc sau khi ký hợp đồng EPC và khởi công gói thầu. Thực hiện chỉ đạo của Đinh La Thăng, ông Đỗ Chí Thanh - Chủ tịch HĐQT và Vũ Huy Quang - Tổng giám đốc PVPower giao cho Nguyễn Duy Giang - Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVPower soạn thảo Hợp đồng theo mẫu của Hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 đồng thời giao cho Phan Ngọc Hiền - Chánh Văn phòng PVPower lấy trước số các Công văn, Tờ trình, Quyết định về Phê duyệt dự án hiệu chỉnh, lựa chọn nhà thầu để đưa vào phần căn cứ của Hợp đồng và sẽ soạn thảo, ban hành các văn bản này sau khi ký hợp đồng EPC với PVC.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh

Ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang - Tổng giám đốc PVPower và Vũ Đức Thuận - Tổng giám đốc PVC đã ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên. Hợp đồng EPC số 33 chỉ có 8 trang giấy A4, gồm 10 Điều, theo quy định các tài liệu cấu thành của Hợp đồng đều không có.

Do thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh, tổng dự toán hiệu chỉnh, hồ sơ yêu cầu gói thầu EPC chưa thực hiện nên giá trị quy định trong Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC được tạm tính là 1,2 tỷ USD. 

Tại hợp đồng EPC số 33 có nêu nhiều căn cứ để ký hợp đồng nhưng thực tế PVPower và PVC không lập, không ban hành các tài liệu đó. Việc chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên là làm trái quy định của Nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang