(CAO) Sau vụ nổ lớn ở kho phế liệu tại Bắc Ninh làm 2 em bé tử vong, 8 người bị thương, UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn chỉ đạo tổng kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.HCM giao các lực lượng Công an; Bộ Tư lệnh TP; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; đặc biệt là công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
Sau vụ nổ ở vựa ve chai tại Bắc Ninh, TP.HCM chỉ đạo tổng kiểm tra quản lý vật liệu nổ, kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu
UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với Công an TP, Bộ Tư lệnh TP (hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP đối với địa bàn biên phòng), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức tổng kiểm tra liên ngành các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn; vận động, hướng dẫn và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở thu mua phế liệu phải trình báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc UBND nơi gần nhất.
UBND TP.HCM yêu cầu Công an, Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND các quận, huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Đồng thời, UBND các quận, huyện phải báo cáo kết quả thực hiện cho Công an TP để tổng hợp, báo cáo UBND TP.HCM trước ngày 5-2-2018.
TP.HCM có tới gần 2.000 vựa ve chai đang hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ
cháy nổTrước đó, theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP.HCM cho thấy trên toàn địa bàn TP hiện nay có hơn 1.800 cơ sở thu mua phế liệu đang hoạt động. Đa phần các cơ sở này đều không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, có quy mô nhỏ lẻ và nằm xen cài trong các khu dân cư. Đáng chú ý, chủ các cơ sở này không quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ, nhiều nơi còn thu mua cả các loại bình gas, bình hơi… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Trong năm 2017 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 1.271 các tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ; trong đó xảy ra 1.007 vụ cháy (giảm 953 vụ, tỷ lệ 48,62% so với năm 2016). Các vụ cháy đã làm chết 26 người, bị thương 44 người (tăng 17 người chết và 5 người bị thương); thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng, giảm khoảng 167 tỷ đồng (92,5/259,8 tỷ đồng, tỷ lệ 64,33%).