(CAO) Việc người dân quan tâm tới những vấn đề đang thảo luận, đặc biệt là những dự luật có ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế -xã hội là lẽ đương nhiên và thể hiện trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển của đất nước.
Sáng nay (11-6), chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá, việc Quốc hội nhất trí lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với tỷ lệ tán thành rất cao cho thấy Quốc hội đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải
“Đối với tôi, trên cương vị đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện cũng tiếp thu rất nhiều ý kiến của cử tri, không phải chỉ trên địa bàn trúng cử là Hoà Bình mà còn nhiều địa bàn khác, trong đó có cả ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng góp ý về vấn đề này” – bà Hải cho biết.
Nữ trưởng ban Dân nguyện cho rằng, việc người dân quan tâm tới những vấn đề đang thảo luận, đặc biệt là những dự luật có ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế -xã hội là lẽ đương nhiên và thể hiện trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, theo bà Hải, người dân có thể thể hiện quan điểm của mình qua rất nhiều kênh kiến nghị, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng…
“Quốc hội cũng là cơ quan dân cử và chúng tôi, ban dân nguyện chúng tôi không có khoảng cách với cử tri, không có khoảng cách với người dân. Chúng tôi cũng là do người dân bầu nên, do vậy chúng tôi rất quan tâm tiếp thu kiến nghị của cử tri để báo cáo ra Quốc hội xin lùi thời gian xem xét dự luật, đáp ứng nguyện vọng của cử tri” – bà Hải khẳng định.
Cũng theo bà Hải, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết tán thành việc lùi thời gian thông qua luật đặc khu, bản thân bà đã nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự thống nhất đồng tình cao, đánh giá cao Quốc hội, các đại biểu QH đã lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
“Công dân muốn có ý kiến có thể gửi trực tiếp tới các ĐBQH do mình bầu ra, gửi tới cơ quan dân nguyện, nơi lắng nghe những ý kiến chính đáng, nguyện vọng của người dân để truyền tải tới QH, tới các cơ quan có trách nhiệm” – bà Hải tái khẳng định đồng thời cho rằng, từ trước đến nay việc tiếp nhận ý kiến của người dân vẫn diễn ra rất hiệu quả và được cử tri đánh giá cao.
Nhấn mạnh việc thể hiện mong muốn nguyện vọng của người dân là chính đáng nhưng bà Hải lưu ý không nên gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt nói chung.
“Ví dụ như hôm qua (10-6) đã gây cản trở giao thông, ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở một số địa bàn, như ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều hành khách đã bị lỡ chuyến bay” – bà Hải dẫn chứng.
Trao đổi thêm với PV về việc người dân tụ tập đông người vào hôm qua, bà Hải nhắc lại: “Tôi nhấn mạnh giữa cử tri và đại biểu không có khoảng cách, chúng tôi thường xuyên có trao đổi, liên lạc với cử tri nên cử tri có thể bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua các ĐBQH”. Còn các diễn biến như trên, theo bà Hải, là những vấn đề đơn lẻ.
Bà Hải cũng thông tin, Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đã có sự phối hợp rất chặt chẽ và đã ra thông cáo từ rất sớm (3 giờ sáng với CP và đầu giờ sáng với QH) cho thấy đã có lường trước tình hình và thông báo sớm để cử tri nắm bắt được thông tin, dừng những hoạt động gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, có thể do thông tin đến với người dân còn chậm hoặc sự phối hợp vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp đánh giá không hết mức độ tình hình nên đưa thông tin cần thiết tới cử tri chưa nhanh và đầy đủ.
“Nhưng tôi tin chắc rằng với sự vào cuộc rất nhanh, kịp thời của Quốc hội thì không có lý do gì người dân còn phải bày tỏ quan điểm như hôm qua. Nếu còn phản ứng thì đó là những động cơ không trong sáng” – bà Hải nêu quan điểm.