Lùi thời gian thông qua dự án luật đặc khu

Thứ Bảy, 09/06/2018 06:30

|

(CAO) Chính phủ đã thống nhất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, lùi việc thông qua Dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Sáng nay (9-6), theo Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Toàn cảnh cảng Cái Rồng ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: zing.vn

Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã được xây dựng nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn. Dự án Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe mọi ý kiến đóng góp về dự luật này. Theo Thủ tướng, đặc khu kinh tế trên thế giới đã làm nhiều, nhiều nơi đã thành công từ nhiều năm trước.

“Việt Nam làm lúc này là chậm rồi. Cần có cơ chế để thu hút, để có môi trường đầu tư tốt ở đây. Đó là vấn đề quan trọng nhất” - Thủ tướng nêu quan điểm.

Về chính sách quản lý, sử dụng đất đai tại đặc khu, Thủ tướng cho biết, cá nhân người đứng đầu Chính phủ nhận được rất nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các nhân sĩ trí thức, đại biểu Quốc hội… về vấn đề cho thuê đất 99 năm trong dự thảo luật đặc khu.

“Một làn sóng rất khủng khiếp trong vấn đề này, nhất là giới trí thức rất tâm tư” - Thủ tướng thông tin và khẳng định Chính phủ lắng nghe các ý kiến, lắng nghe một cách có trách nhiệm đối với các trí thức, nhân dân và các đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến thời hạn giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án tới 99 năm khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, người đứng đầu Chính phủ giải thích, những trường hợp cá biệt như vậy thì Thủ tướng sẽ xem xét và tất nhiên, trước khi quyết định phải xin ý kiến các cơ quan chức năng.

"Giao đất 99 năm là trường hợp đặc biệt, phải xem xét cùng các điều kiện khác rất chặt chẽ" - Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, đây không phải là điểm mấu chốt trong luật, nếu cần thì Quốc hội không chấp nhận điều đó. "Chúng tôi muốn Quốc hội xem xét, quyết định một cách thận trọng, công khai. Còn quyết định thế nào là quyền của các đại biểu, của Quốc hội” - Thủ tướng nêu rõ.

Lãnh đạo Chính phủ phân tích, với đặc khu, quan trọng là tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi chứ những ưu đãi hay đất đai không phải là vấn đề quyết định. Thủ tướng tái khẳng định sẽ lắng nghe ý kiến của đội ngũ trí thức, nhân dân, các nhà nghiên cứu, còn Quốc hội xem xét, quyết định việc này và “quyết định thế nào Chính phủ cũng trân trọng”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang