Đại biểu kiến nghị lùi thời gian thông qua Luật đặc khu

Thứ Năm, 07/06/2018 12:03

|

(CAO) Thảo luận về chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 7-6, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) kiến nghị lùi thời gian không thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Theo đại biểu Thái Trường Giang, vì những thực tiễn phát sinh trong thời gian gần đây nên đại biểu này đề nghị Quốc hội xem xét lại, có thể lồng ghép giám sát đất đai ở 3 đặc khu vào chương trình giám sát đất đai giai đoạn 2014-2018. Từ kết quả giám sát về chuyển đổi mục đích, giao dịch, theo đại biểu, sẽ là cơ sở đánh giá kỹ vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Đại biểu Thái Trường Giang

“Chúng ta cần phải cân nhắc cẩn trọng, lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này, tiến hành kiểm tra đất ở các khu đó và thông qua trong kỳ họp tới thì sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội hôm thảo luận về kinh tế-xã hội” – đại biểu Giang nêu ý kiến.

Trước đó, cũng cho ý kiến về chương trình giám sát, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo - Nam Định đề nghị Quốc hội cần thực hiện giám sát đặc biệt đối với vấn đề liên quan tới bạo hành và xâm hại trẻ em. “Trong những phiên chất vấn vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích rất sâu về vấn đề này, các Bộ trưởng và Phó Thủ tướng cũng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến đối tượng trẻ em” – đại biểu Thảo phân tích.

Cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra và hết sức phức tạp với nhiều vụ việc gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan nhà nước, đại biểu Thảo phàn nàn chưa có giải pháp nào hiệu quả.

“Về các giải pháp được đưa ra, qua theo dõi, trả lời chất vấn của các bộ trưởng, tôi thấy chủ yếu đó là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, tập trung xử lý các vụ việc một cách kịp thời” – bà Thảo chỉ ra và cho rằng thực tế các giải pháp trên đã được thực nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và có nhiều trường hợp còn mang tính chất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Lo lắng vấn đề sẽ lại lắng xuống, bà Thảo nói: “động thái mà Quốc hội cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi của trẻ em phải kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Để khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để, tôi đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019”.

Ở góc độ khác, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết về việc giao chỉ tiêu giám sát cho các đại biểu Quốc hội để nâng cao vai trò và vị trí của đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng để thực hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.

“Tôi thấy trong những năm qua đây là vấn đề chúng ta còn bỏ ngỏ. Chính vì thế đại biểu nào tự giác thì thực hiện, còn đại biểu không tự giác thì chúng ta không thực hiện. Như thế có nghĩa là chúng ta chưa thực hiện được hết trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội trước nhân dân” – ông Nhưỡng lưu ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang