Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:

"Cán bộ ở đặc khu cũng phải đặc biệt"

Thứ Tư, 06/06/2018 18:36

|

(CAO) Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm đầu tư công

Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) chất vấn, qua kiểm toán phát hiện có nhiều vi phạm trong đầu tư công, kiến nghị thu hàng nghìn tỷ đồng. Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Đại biểu nêu thực trạng rất đúng. Trong các dự án đầu tư công có nhiều dự án thực hiện tốt. Tuy nhiên không ít dự án đầu tư công yếu kém, sai sót. Khi lập dự án thì chi phí đầu vào “khiêm tốn”, nhưng thi công kéo dài. Cá biệt có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư đến 36 lần, như đại biểu mới nêu vừa qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời câu hỏi của các ĐBQH

Trước tình hình này, Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quyết định của Trung ương, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong chi tiêu ngân sách, trong đầu tư công.

Về sai phạm, quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Trên cơ sở kết quả của kiểm toán nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân theo quy định; không chỉ xử lý tài chính mà có vụ chuyển qua cơ quan điều tra.

Về thể chế, Chính phủ dự kiến ban hành Nghị định mới sửa đổi Nghị định về đầu tư công, dự kiến ban hành trong tháng 6; đồng thời trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công trong thời gian tới.

Đặc khu phải đặc biệt

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình): Nếu Quốc hội thông qua luật về đặc khu thì tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu đặc khu như thế nào?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt".

Phó Thủ tướng cho biết, trong dự thảo luật đã đề xuất quy định lựa chọn Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn.

Với quy trình chặt chẽ như thế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu.

Tiếp tục chất vấn Phó Thủ tướng về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi “nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì kinh tế - xã hội các địa phương đó phát triển đến mức nào, đóng góp to lớn như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam. Xin Phó Thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước trong thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa?”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trên thế giới, việc ra đời và thành lập các đặc khu để là nơi thử nghiệm các thể chế và tạo ra cực tăng trưởng. Dự luật này hiện nay Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán một cách tổng thể các lợi ích cả về kinh tế và thu hút đầu tư, cả về vấn đề quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định khi có các đặc khu, thì Hà Nội và TP.HCM vẫn là hai đầu động lực của cả nước, 7 vùng kinh tế trọng điểm vẫn phải tiếp tục tập trung cơ chế chính sách để phát huy thế mạnh của các vùng này, làm lan tỏa đến các địa phương và các vùng khác.

Việc ra đời các đặc khu không có tác động gì đến quan điểm phát triển, các nguồn lực của Trung ương cũng như địa phương để tập trung cho hai “đầu tàu” và 7 khu kinh tế trọng điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại câu hỏi và đề nghị Phó Thủ tướng “cho vài nét khái quát để mọi người yên tâm” về 3 đặc khu này cũng như mối quan hệ giữa phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định an ninh quốc phòng và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hiện Quốc hội chưa thông qua Luật đặc khu, còn đang bàn, do đó, “để có câu trả lời cho đầy đủ phải có sự nghiên cứu cặn kẽ hơn, xin đại biểu cho Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản”.

Khả năng cân đối ngân sách để cải cách tiền lương

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá) cho rằng, Chính phủ 3 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương. Nay Trung ương đã có Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ: Khả năng cân đối để cải cách tiền lương? Có làm tăng trần nợ công không? Giải pháp kiềm chế chỉ số giá sinh hoạt khi tăng tiền lương?

Trả lời đại biểu Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề được quan tâm hiện nay. Dư luận phấn khởi khi Trung ương ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương, nhưng tăng thế nào, nguồn đâu tăng lương, tăng lương có ảnh hưởng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hay không?

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ có tính toán cân nhắc trình Trung ương thảo luận và quyết định. Mặc dù tăng lương không phải là toàn bộ vấn đề cải cách nhưng là vấn đề cốt lõi và được quan tâm.

Để tăng lương, giải pháp tiền đề là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương; biện pháp đột phá là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách; giải pháp tài chính mà căn cơ nhất là tăng thu, chống thất thu, tiết kiệm chi tiêu, dành tỷ lệ tăng thu để cải cách tiền lương...

Quá trình cân đối Chính phủ dựa vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để tính toán trả lương mà vẫn đảm bảo trần nợ công 65%, kiểm soát được chỉ số lạm phát. Tăng lương gắn với tăng năng suất lao động thì tăng CPI không lớn, vừa đáp ứng cải cách tiền lương vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng, phù hợp

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn Phó Thủ tướng 2 câu hỏi: Trải qua hơn nửa nhiệm kỳ, xin Phó Thủ tướng cho biết những nhiệm vụ nào được coi là khó hoàn thành hơn cả, thách thức nào đặt trên vai Chính phủ, giải pháp nào để Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ?

Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào về việc tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang rất cao?

Cho rằng “hai câu hỏi của đại biểu quá khó”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện Chính phủ chưa tổng kết chương trình hành động nhiệm kỳ. Nhưng với phương châm liêm chính, kiến tạo, hành động, vì người dân thì ngay đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã đề ra 6 nhóm giải pháp hành động.

Trong đó 2 thách thức lớn, một là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Không cách nào khác là thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội. Đây là nhiệm vụ khó khăn nên thời gian tới Chính phủ nỗ lực nhiều hơn. Việc thứ hai là phát triển con người, cũng là việc rất khó.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề này nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người.

Theo Phó Thủ tướng, giải quyết việc này phải có lộ trình chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa vào tổng thể nhiều yếu tố như: Tạo việc làm mới cho người bước vào thị trường lao động; bảo đảm cơ cấu ngành nghề vì có ngành muốn nghỉ sớm; vấn đề già hoá dân số; bình đẳng giới; vấn đề cân đối quỹ bảo hiểm xã hội...

Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết Trung ương quyết định từ năm 2021 thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng và phù hợp. Sau này khi tiến hành sửa Luật Lao động thì Quốc hội sẽ quyết định.

Quyết liệt bảo đảm chất lượng, giảm giá thuốc

Đại biểu Mùa A Vàng, Giàng A Chu, Giàng Thị Bình, Huỳnh Thanh Phương,... chất vấn Phó Thủ tướng về công tác phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng; quyết tâm của Chính phủ trong phòng chống tham nhũng; giải pháp bảo vệ thương hiệu sản phẩm cà phê, tiêu và các sản phẩm nông nghiệp khác;...

Đại biểu Giàng Thị Bình chất vấn Phó Thủ tướng

Về giải pháp ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt là vụ thuốc ung thư giả... trước tình hình này, một mặt Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời tăng cường công tác quản lý về mặt nhà nước,...

Đồng thời tăng cường công tác đấu thầu thuốc tập trung tại 2 kênh Bộ Y tế, BHXH Việt Nam,... để bảo đảm chất lượng thuốc đầu vào, giảm chi phí giá thuốc (trong đó giá thuốc giảm 15-20%, giá biệt dược cũng giảm 13-14%); tăng cường công tác quản lý chất lượng và quy trình kê đơn, bán thuốc...

Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo và triển khai kết nối công nghệ thông tin giữa cơ sở điều trị với nhà thuốc để truy xuất nguồn gốc thuốc;... Tinh thần là Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo đảm chất lượng và giảm giá thuốc.

Đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT

Trước hết, về vấn đề đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT, báo cáo nêu rõ: Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 13-NQ/TW (khóa XI) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan (trong đó có Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư BOT); thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437 của UBTVQH, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Về xử lý tồn tại của các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

...

Bình luận (0)

Lên đầu trang