(CAO) Đó là chủ đề mà UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo sáng 9-6-2018.
Chủ trì hội thảo là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương; Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn Trần Minh Hùng.
Hội thảo lần này được kết nối với 81 điểm cầu (12 điểm cầu kết nối UBND các huyện và 68 điểm cầu kết nối với UBND cấp xã) để giúp chính quyền địa phương và nông dân hiểu sâu, rõ và được tiếp cận tốt nhất về những thông tin kinh tế, thị trường từ các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, khủng hoảng,… nhưng vẫn có sự tăng trưởng gần 3%. Điều đó thể hiện tiềm năng thu hút các nhà đầu tư cũng như sự phát triển về lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai là rất lớn. Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2017 đạt 2,6 tỷ USD với sản lượng 5,8 triệu tấn, tăng trưởng cao 18%. Tuy nhiên, điều trở ngại lớn của ngành nông nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất còn quá cao do thiếu sự liên kết.
Đứng trước sự hội nhập của nền kinh tế cũng như thách thức và cơ hội của thị trường buộc nông nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị.
“Thị trường bây giờ không phải cá lớn nuốt cá bé nữa mà chỉ có cá bơi nhanh nuốt cá bơi chậm. Mình phải đột phá chính mình nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan chia sẽ cách làm nông nghiệp thông minh.
Theo đó, trong tương lai, việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên hiện nay, chuỗi giá trị nông sản Việt từ đầu vào, sản xuất, sau khu hoạch, chế biến và tiếp cận người tiêu dùng đều còn tồn tại những hạn chế nhất định. Điều này khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, nguồn gốc không đảm bảo nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại khác.
Cụ thể, giá thịt bò của Việt Nam đang bán trên thị trường với giá khoảng 170 – 270 ngàn đồng/kg, tùy loại. Cùng thời điểm này, thịt bò ba chỉ Úc và Mỹ nhập vào Việt Nam lại bán với giá khoảng 150 ngàn đồng/kg.
“Chi phí sản xuất của ta hiện nay còn quá cao nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vậy cần quy hoạch từng ngành trong nông nghiệp theo xu thế của nền kinh tế thị trường, hội nhập với các nền kinh tế khác dựa trên cơ sở chất lượng và giá thành.
Cấu trúc lại mô hình hình sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, xây dưng quy mô cho phù hợp với xu thế của hội nhập và đặc thù của nông nghiệp Việt Nam. Tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng nhằm giảm chi phí cho tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất và kinh doanh.
Chú trọng áp dụng công nghệ cao cùng với đổi mới và sáng tạo vì đây luôn là chìa khóa cho mọi vấn đề về hiệu quả trong sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) nhấn mạnh.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) nói về xây dựng chuỗi ngành hàng nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội thảo, lãnh đạo địa phương, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện nông dân đã cùng ngồi lại bàn bạc, đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể để cùng phát triển kinh tế nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Cụ thể, cần quy hoạch lại nguồn nguyên liệu và áp dụng công nghệ phù hợp, cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển nông nghiệp bền vững. Trong thời gian qua, lãnh đạo 3 tỉnh tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) cùng các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ và TP. HCM đã tổ chức liên kết tiểu vùng để cố gắng bảo tồn các giá trị về hệ sinh thái và văn hóa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đánh giá về việc 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoa nhìn nhận tỉnh đã xem việc thúc đẩy liên kết doanh nghiệp – nông dân, hợp tác xã trong thực hiện chuỗi giá trị là một trong những giải pháp chính.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, nông nghiệp Đồng Tháp theo hướng tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Điển hình, năm 2017, ước đạt hơn 40 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
(CAO) Do không có cầu bắc ngang con sông giữa 2 ấp Khánh Nhơn và Khánh Mỹ A nên mỗi lần cần đến trung tâm xã hay chợ, bà con đều phải chạy đường vòng rất xa.