Quyết tâm trấn áp tội phạm trên tất cả các tuyến

Thứ Hai, 13/08/2018 08:05  | Hải Triều

|

(CAO) Theo chương trình dự kiến, hôm nay (13-8), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước phiên chất vấn, người đứng đầu ngành Công an đã có báo cáo gửi Thường vụ về một số vấn đề được yêu cầu trả lời.

Tội phạm trong vỏ bọc doanh nghiệp

Trong báo cáo gửi tới Thường vụ, Bộ trưởng Bộ Công an đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình tội phạm trên nhiều lĩnh vực hiện nay. Đánh giá về diễn biến tội phạm hình sự thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đã cơ bản được kiềm chế và giảm về số vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Phiên họp Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, tính chất vẫn rất phức tạp với cường độ bạo lực gia tăng, trong đó hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường.

Tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hoá

Sáu tháng đầu năm 2018 phát hiện 3.110 đối tượng tội phạm là trẻ vị thành niên, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2017. Điều này cho thấy tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, trong đó có nhiều vụ phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hầu hết các đối tượng phạm tội có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái, dẫn đến bị dụ dỗ, lôi kéo, sa ngã, bỏ nhà sống lang thang…

Đáng chú ý, các băng nhóm tội phạm đã lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương.

Tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án có chiều hướng gia tăng; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (68,5%), riêng tội phạm trộm cắp chiếm khoảng 45%.

Ở nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, theo Bộ trưởng Bộ Công an, từ năm 2016 đến nay, trung bình 1 năm xảy ra gần 100 vụ giết người cướp tài sản; 1.000 vụ giết người do nguyên nhân tâm lý, xã hội (60-70% là do bột phát, nhất thời; khoảng 17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; trên 10% các vụ giết người do mâu thuẫn trong khi sử dụng rượu bia, tham gia giao thông…).

Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều các vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra. Tội phạm cố ý gây thương tích diễn ra phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân, trong đó xảy ra nhiều vụ các nhóm đối tượng lưu manh côn đồ, thanh, thiếu niên sử dụng hung khí, vũ khí đâm chém nhau tại các địa bàn công cộng, gây bất an trong nhân dân.

Thống kê từ năm 2015 đến tháng 5-2018 cho thấy, toàn quốc xảy ra 4.187 vụ, liên quan đến 14.415 đối tượng tụ tập, gây rối, truy sát, trả thù lẫn nhau làm 264 người chết, 3.280 người bị thương.

Móc nối công - tư chiếm đoạt tiền, tài sản nhà nước

Đây là một trong những thủ đoạn điển hình mà nhóm tội phạm liên quan đến kinh tế, chức vụ vẫn thực hiện thời gian qua. Nhìn nhận về nhóm tội phạm này, báo cáo nêu rõ: “Tình hình vi phạm, tội phạm về kinh tế, tội phạm về chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân”.

Không để hình thành băng nhóm kiểu “xã hội đen”

Từ năm 2016 đến nay lực lượng Công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm tấn công trấn áp trên phạm vi toàn quốc; triển khai hàng chục kế hoạch đấu tranh với tội phạm theo các chuyên đề giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó tập trung đấu tranh mạnh với các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự, không để hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” (trung bình 1 năm triệt phá khoảng 2.000 băng nhóm các loại); nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự cơ bản đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Do triển khai quyết liệt các biện pháp công tác nên đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm hình sự (năm 2016 số vụ phạm pháp hình sự giảm 4,23% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3,02% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước), góp phần giữ vững ổn định tình hình trật tự xã hội, phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo số liệu được báo cáo dẫn ra, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 26.599 vụ vi phạm, tội phạm về kinh tế và 363 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ; khởi tố mới 2.410 vụ/3.159 bị can về án kinh tế và 327 vụ/617 bị can về án tham nhũng. Số tài sản thu hồi từ các vụ án kinh tế đạt gần 24.000 tỷ đồng (44,84%) và tài sản án tham nhũng gần 2.700 tỷ đồng (38,76%).

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế, tham nhũng được phản ánh là rất đa dạng và tinh vi, trong đó nổi lên tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước...

Sự móc nối giữa hai khu vực đã tạo thành chu trình khép kín cho loại tội phạm này hoạt động, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn.

Để đưa ra ánh sáng, thời gian qua Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ, tăng cường nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tội phạm về chức vụ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Qua điều tra các vụ án, đã kiến nghị các ngành khắc phục nhiều sơ hở thiếu sót không để tội phạm hoạt động. Đặc biệt, đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đạt được những kết quả rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây.

“Từ năm 2016 đến nay, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 589 vụ, 1.412 bị can. Riêng Cơ quan điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra 35 vụ án lớn, nghiêm trọng và phức tạp với 359 bị can, trong đó đã kết luận điều tra 21 vụ, 273 bị can (đã xét xử 13 vụ, 192 bị can), trong đó đã giải quyết được nhiều vụ án có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, nhiều vụ xảy ra từ các năm trước, đảm bảo yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ” – báo cáo nêu rõ.

Tội phạm ma tuý và ám ảnh từ ”siêu lợi nhuận”

Mặc dù nhận thức được chính sách hình sự nghiêm khắc của pháp luật, nhưng do ám ảnh bởi “siêu lợi nhuận” từ các hoạt động buôn bán ma tuý trái phép mang lại, nhóm tội phạm trong lĩnh vực này bất chấp pháp luật và tìm mọi cách để hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.

Phân tích “đường đi” của các nguồn ma tuý, Bộ Công an cho biết, vẫn chủ yếu là từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục đi nước thứ ba (qua các tuyến biên giới đường bộ Việt - Lào, Việt - Trung, Việt Nam - Campuchia và một phần qua tuyến đường hàng không, đường biển), trong đó tuyến biên giới Việt - Lào được coi là tuyến trọng điểm.

Tuy nhiên, sau khi bị trấn áp mạnh tại Sơn La, hoạt động của các toán, nhóm có vũ trang vận chuyển ma túy từ Lào vào nội địa giảm tần xuất và có dấu hiệu chuyển hướng sang địa bàn biên giới các tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị...

Ở tuyến biên giới Việt – Trung, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp theo hai chiều, heroin được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc, ngược lại các loại ma túy tổng hợp “dạng đá” được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các đối tượng móc nối hình thành các đường dây vận chuyển nhiều loại ma túy về các tỉnh phía Nam, đưa ra các tỉnh phía Bắc Việt Nam và vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Trên tuyến này, Công an TPHCM từng bắt 8 đối tượng, thu 14kg và 26.300 viên MTTH; 200g ketamine. Ở vụ phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ bắt 12 đối tượng, thu 39 bánh heroin, 30kg + 103.000 viên ma túy tổng hợp…

Trên tuyến đường biển, tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy còn tiềm ẩn lớn, rất khó kiểm soát. Từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 7 vụ, thu giữ 8,1 tấn lá khat; 100kg cần sa; 242 kg cocain.

Cùng với diễn biến trên, xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, ma túy tổng hợp đang dần thay thế heroin trở thành loại ma túy được sử dụng chính trong nước. Năm 2016 lượng ma túy tổng hợp thu giữ tăng gần 60%; năm 2017 tăng hơn 100%.

Trong khi đó, tình hình sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp trong nước diễn ra phức tạp, một số đối tượng đã tìm kiếm công thức trên mạng internet để nghiên cứu tách chiết, điều chế ma túy tổng hợp từ các loại tiền chất, thuốc tân dược, thuốc thú y có bán rộng rãi trên thị trường.

Cách đây hơn một năm, Công an TPHCM khám phá chuyên án 516E, bắt khởi tố 7 đối tượng; tang vật thu giữ: 185,480.7 kg MTTH, 4.919.000.000 VNĐ, 10.000 USD, 7 xe ôtô, cùng nhiều khối kim loại, gói chất bột màu trắng, can nhựa chứa chất lỏng nghi là tiền chất sản xuất ma túy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang