(CAO) Công an huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) phối hợp Công an huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức truy quét các bãi khai thác vàng trái phép tại suối Đa, sông Bua( thuộc xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Thời gian gần đây tại khu vực suối Đa và sông Bua, thuộc xã Trà Vân tái diễn tình trạng khai thác vàng. Muốn đến khu vực này phải mất hàng tiếng đồng hồ vượt đường rừng, băng núi đến thượng nguồn.
Cơ quan công an băng rừng lội suối truy quét vàng tặc - Ảnh: Sự Luân
Theo ông Hồ Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Trà Vân (Nam Trà My), nhiều năm nay dọc theo sông Bua tính từ khu vực giáp ranh với xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đến địa phận giáp ranh xã Trà Giáp (Bắc Trà My, Quảng Nam) đang có nhiều nhóm “vàng tặc” lập lán trại, hoạt động công khai. Chỉ tính riêng địa bàn xã Trà Vân, các đối tượng khai thác vàng đã băm nát hàng chục cây số dọc theo dòng sông, làm thay đổi dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, xâm lấn nhiều diện tích rừng ven sông để lấy đất làm vàng.
Mặc dù chính quyền xã đã tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra, truy quét nhưng lợi dụng địa hình phức tạp, lại nằm ở vùng giáp ranh nên các đối tượng vẫn lén lút hoạt động tại khu vực này. “Chính quyền địa phương phối hợp Công an huyện Nam Trà My tổ chức truy quét. Tuy nhiên gặp nhiều khó khăn, đường đến các bãi vàng phải đi từ 3 đến 5 giờ đồng hồ. Trong khi đó lực lượng chức năng của truy quét còn mỏng. Khi phát hiện chúng tôi, các đối tượng khai thác vàng ẩn nấp cũng như đưa máy móc giấu trong rừng. Chờ khi lực lượng truy quét về thì họ các đối tượng tiếp tục khai thác” ông Hồ Văn Tình nói.
Lán trại của vàng tặc bị phá hủy - Ảnh: Sự Luân
Các đối tượng lợi dụng địa hình vùng giáp ranh di chuyển sang xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây mỗi khi Công an huyện Nam Trà My tổ chức truy quét. Trước thực trạng này, Công an huyện Nam Trà My và Công an huyện Sơn Tây đã huy động lực lượng phối hợp tổ chức bao vây truy quét.
Theo Đại tá Đinh Quang Ven, Trưởng Công an huyện Sơn Tây cho biết: “Lâu nay người dân xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây bị ảnh hưởng môi trường từ việc khai thác vàng trên sông Bua ở bên Quảng Nam. Do việc khai thác vàng trái phép ở địa bàn tỉnh Quảng Nam nên chúng tôi không thể tổ chức truy quét. Sau khi làm việc, Công an 2 huyện cùng thống nhất xây dựng kế hoạch, phương án triệt xóa bãi vàng vùng giáp ranh trên”.
Ngày 1-8, lực lượng truy quét Công an hai huyện cùng lực lượng công an, dân quân xã chia hai mũi bao vây tấn công. Vượt hàng giờ đồng hồ băng đường rừng để đến khu vực thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Tại khu vực thượng nguồn suối Đa và sông Bua bị các đối tượng đào đãi vàng đào xới tan hoang. Những cái hố khoét sâu vào lòng núi cùng với những thiết bị máy móc hỗ trợ khai thác vàng vẫn còn nằm ngổn ngang nơi đây.
Có nhiều lán trại nơi sinh hoạt ăn nghỉ của “vàng tặc”. Các đối tượng đào đãi vàng xâm hại đến đất rừng phòng hộ, phá rừng để đào đãi vàng với việc sử dụng các phương tiện máy móc, cuốc, xẻng để đào xới và đãi đất, đá đã gây ô nhiễm môi trường đất và nước tại các địa điểm này.
Khung cảnh tan hoang nơi vàng tặc diễn ra - Ảnh: Sự Luân
Các đối tượng khai thác vàng dựng lán, đem máy móc tập kết giữa rừng để phục vụ việc đào vàng. Tại các hầm vàng, rừng bị đào bới tan hoang, nhiều thân cây lớn bị đào bật gốc để lấy đất đãi vàng. Những thân cổ thụ bị khoét đứt chân rễ, nằm ngổn ngang bên cạnh những hố sâu hoắm. Dọc theo suối Đa, sông Bua nhiều khoảnh rừng nguyên sinh bị đào khoét nham nhở để đào đãi vàng. Các 8 lán trại được phu vàng dựng dọc con suối, sông tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Có 18 đối tượng khai thác vàng không kịp chạy thoát bị lực lượng Công an tạm giữ. Nhiều máy nổ hàng chục thùng dầu của các đối tượng chưa kịp tẩu tán.
Theo người dân phản ánh, tình trạng này khai thác vàng trái phép diễn ra trong thời gian dài tại khu vực suối Đa và sông Bua. Hai con suối, sông này chảy về xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây gây ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt người dân nơi đây.
Theo anh Đinh Như Trai, Phó Trưởng Công an xã Sơn Bua cho biết: “Người dân địa phương Sơn Bua chúng tôi có thói quen dùng nước suối để tắm giặt, sinh hoạt. Nhiều năm nay người dân phải sống trong cảnh khổ sở, nguồn nước sinh hoạt lấy ở suối bị ô nhiễm nặng do hoạt động rầm rộ của các bãi vàng ở vùng thượng nguồn xã Trà Vân, huyện Nam Trà My”.