(CATP) Thúc đẩy sự phát triển theo tinh thần "thuận thiên" được cho là chìa khóa mở cánh cửa bước vào thời kỳ mà cuộc sống, thậm chí chính xác hơn nữa, sự tồn vong của con người đang bị thách thức bởi những biến động tiêu cực khôn lường của khí hậu, thời tiết, tình trạng vệ sinh phòng dịch, nói chung, những diễn biến bất thường của khung cảnh tự nhiên.
Từ "thuận thiên" cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới không dưới một lần trong các phát biểu chính thức tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Cần Thơ.
Vùng ĐBSCL có thể được coi là ví dụ tiêu biểu về cuộc chiến cho sự tồn tại của con người và sự phát triển của xã hội loài người trong bối cảnh môi trường thiên nhiên xuống cấp nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các dòng chảy khô cạn, nước biển dâng gây ngập úng, xâm nhập mặn trên diện rộng và ngày càng sâu vào đất liền, sạt lở bờ sông, bờ biển, sự gia tăng nhiệt độ trung bình,... Sự cộng hưởng của các yếu tố tác động tiêu cực đối với môi trường thiên nhiên của vùng đất này đang khiến cuộc sống, sinh kế của cư dân trong vùng gặp khó khăn chưa từng thấy. Nếu không có đối sách hợp lý và có cơ sở khoa học, nếu ứng phó theo bản năng sinh tồn hoặc theo kiểu thụ động, như xây dựng khu dân cư chạy lũ, dựng đê ngăn mặn, xây hồ chứa nước ngọt,... thì không thể có được bức tranh phát triển bền vững có tính hiện thực.
Rõ hơn, cần xác định rõ nguyên nhân cơ bản của những hiện tượng tiêu cực trong diễn biến của khung cảnh tự nhiên gắn với những hành vi của con người, từ đó, điều chỉnh hành vi một cách thích hợp để hạn chế dần các hệ lụy không mong đợi; mục đích tối hậu là khôi phục và duy trì bền vững cách sống hợp với quy luật phát triển của tự nhiên, cách khai thác thân thiện các yếu tố tự nhiên. Mặt khác, cần có các giải pháp khả thi cho phép người dân thích nghi với những đổi thay trong khung cảnh sống và vẫn sinh hoạt, làm ăn thoải mái, vui vẻ, thậm chí làm giàu được.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh hành vi tiêu cực gây tổn thương đối với môi trường thiên nhiên, cần có giải pháp đồng bộ: xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để xử lý nghiêm các hành vi bị cấm, đồng thời tuyên truyền, vận động ý thức tự giác của con người để nói không một cách dứt khoát với việc làm xấu. Trên bình diện quốc tế, phải thực hiện mọi biện pháp có thể, từ đàm phán, thương lượng đến đấu tranh bằng sức mạnh của dư luận để ngăn chặn, đẩy lùi các kiểu ứng xử phục vụ lợi ích riêng của quốc gia, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng láng giềng; thúc đẩy ứng xử văn minh đối với môi trường toàn cầu.
Về vấn đề tổ chức cuộc sống thích ứng với biến đổi khí hậu, với tình hình địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn thay đổi, cần huy động trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia kết hợp với kinh nghiệm được cư dân tích lũy để xây dựng các mô hình hợp lý và khả thi. Chẳng hạn, có thể thay đổi phương thức khai thác đất trong điều kiện hạn mặn, từ trồng trọt sang nuôi thủy sản; suy nghĩ, nghiên cứu tìm kiếm những giống cây trồng, giống động vật độc đáo có thể phát triển tốt và cho ra sản phẩm có chất lượng trên đất, nước nhiễm mặn; nghiên cứu tìm kiếm các kiểu nhà ở, các cách xử lý nguồn nước cho phép con người vẫn sống thoải mái trong khung cảnh sống khắc nghiệt.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hoa Sen)