Thực phẩm thiết yếu dư thừa, sao vẫn "đứt gãy"?

Thứ Hai, 26/07/2021 09:54

|

(CATP) Các loại hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thịt heo, thịt gà, trái cây, hải sản… ở các tỉnh phía Nam đang dư thừa, giá giảm mạnh nhưng tại TPHCM giá vẫn cao. "Luồng xanh" đã mở nhưng vẫn còn "đèn đỏ”, đẩy giá thành vận tải lên cao, giá hàng hóa phải tăng theo. Làm sao "luồng xanh" thật sự "xanh" để hàng hóa lưu thông trong những ngày các tỉnh thành phía Nam cùng giãn cách xã hội?

Các tỉnh, thành phía Nam giãn cách

Đến hết ngày 20-7, TPHCM đã thực hiện 12 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và tiếp tục các biện pháp mạnh hơn. Trong khi đó 18 tỉnh thành phía Nam khác cũng thực hiện giãn cách từ ngày 19-7. Tình hình này cũng có nghĩa là ít nhất hơn nửa tháng nữa, cả vùng kinh tế phía Nam sẽ bị "đứt gãy" cung ứng hàng hóa, không chỉ TPHCM mà các tỉnh phía Nam cũng bị ảnh hưởng. Đơn giản bởi TPHCM là đầu mối cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt thiết bị vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất; ngược lại các tỉnh phía Nam lại là nơi cung ứng hàng nông sản, hải sản các loại cho TPHCM.

Chuỗi cung ứng hai chiều này phải được đảm bảo. Cần lưu ý đến nguồn cung vật tư nông nghiệp cho các tỉnh phía Nam để các địa phương duy trì sản xuất, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, phải lo cả nguồn hàng cho các tỉnh phía Nam, chứ không chỉ ở TPHCM. Nếu các loại vật tư nông nghiệp hút hàng, "hậu phương", khu vực hậu cần lớn cho TPHCM sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Tại TPHCM, theo Sở Công thương, nhu cầu của người dân TP đến nay vẫn còn thiếu khoảng 1.500 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống các loại, gần 500 ngàn quả trứng mỗi ngày, đó là chưa kể các loại hải sản, thịt các loại vẫn đang thiếu. Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn... nhanh chóng tổ chức các chuỗi cung ứng đặc biệt cho TPHCM, kết nối lưu thông trên cả nước qua "luồng xanh toàn quốc", kể cả đường bộ và giao thông đường thủy nội địa. Vấn đề bây giờ là làm sao tổ chức thực hiện hiệu quả "luồng xanh" này để đảm bảo hàng hóa lưu thông trên cả nước.

Bản thân TPHCM cũng đang nỗ lực tổ chức các chuỗi cung ứng hàng hóa, kể cả mở thêm các điểm bán lẻ lưu động, tăng cường bán lẻ trực tuyến và đang tổ chức mở cửa lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. TPHCM có 237 chợ đầu mối và chợ truyền thống đã phải tạm dừng hoạt động 191 chợ. Với khoảng 10 triệu dân, việc tạm đóng nhiều chợ truyền thống đã gây áp lực khá lớn đến thị trường. Hiện một số chợ truyền thống đã mở bán thí điểm, chủ yếu bán các mặt hàng tươi sống tại một số chợ đủ điều kiện phòng dịch.

Các tổ chức, cá nhân chung tay cùng Báo Công an TPHCM hỗ trợ rau xanh, nhu yếu phẩm tặng lực lượng tuyến đầu và bà con khó khăn mùa dịch bệnh

Người sản xuất lo âu

Thứ trưởng Bộ Nông nghiêp - Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, chúng ta có hệ sinh thái sản xuất 13.500 doanh nghiệp, cộng với hơn 34.400 trang trại, 78 liên minh HTX, 17.500 HTX, hơn 8,6 triệu hộ nông dân kết thành mạng lưới sản xuất nông nghiệp rất bền vững, nhưng ông Tiến thừa nhận khâu lưu thông hàng hóa đang gặp vấn đề. Vì vậy, gà công nghiệp từ mức giá 28.000 đồng/kg giảm xuống còn 11.000 đồng/kg; heo ở Đồng Nai không xuất được ra khỏi chuồng, trong khi dứa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chín đầy ruộng không ai mua.

Tại các tỉnh phía Nam, sản lượng thịt heo bình quân mỗi tháng trong năm 2021 là 93.840 tấn/tháng; thịt gà 30.492 tấn/tháng; thịt vịt bình quân là 10.860 tấn/tháng. Riêng trứng gia cầm, sản lượng bình quân mỗi tháng đạt 455 triệu quả; tôm sú đạt 113.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258.000 tấn. Đây là sản lượng rất lớn. Rau quả, thịt, hải sản rõ ràng không thiếu. Lấy tỉnh Cà Mau làm ví dụ. Trong tháng 8, dự báo lúa hàng hóa có khoảng 111.000 tấn, tương đương 66.600 tấn gạo. Riêng tổng sản lượng thủy hải sản các loại đến hết tháng 7 khoảng 28.900 tấn, trong tháng 8 thu hoạch và khai thác khoảng 51.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 3.360 tấn, dư khoảng 25.540 tấn cần xuất ngoài tỉnh, trong tháng 8 tiêu thụ khoảng 7.440 tấn, dư khoảng 43.560 tấn cần xuất ngoài tỉnh.

Điều đáng nói, tất cả các loại hàng thực phẩm thiết yếu trên tại các tỉnh phía Nam đang giảm giá mạnh, có nơi nông sản dồn ứ như nhãn, dứa, hành, các loại trái cây đang vào mùa vụ. Nông dân, người nuôi trồng thủy sản lo âu vì hàng hóa không tiêu thụ được.

Tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), do đang là thời điểm đánh bắt cá vụ Nam thuận lợi nên có rất nhiều tàu cập cảng để bán hải sản. Tuy nhiên, giá thu mua hải sản giảm sâu khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Tương tự, ở Cảng cá Nhà Mát (P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu), hay ở cửa biển Cái Cùng (huyện Hòa Bình), các mặt hàng thủy, hải sản cũng đang rớt giá thê thảm.

Tình trạng này rất đáng lo ngại cho đời sống nông dân, ngư dân. Nếu sản phẩm của nông dân không tiêu thụ được sẽ ảnh hưởng đến đời sống, trong sản xuất vì họ sợ lỗ không dám đầu tư, sản xuất khiến nguồn cung cho cả nước gặp khó.

"Luồng xanh" phải an toàn

Ngày 18-7, Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đồng chủ trì họp trực tuyến với các tỉnh thành để tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho phía Nam. Nhấn mạnh trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần chủ động kết nối cung cầu tại các địa phương. Trong đó, cần duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các ngành khác như giao thông, y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt.

Tại cuộc họp này, đại diện Sở Công Thương các tỉnh phía Nam lo lắng khâu vận chuyển hàng hóa bị đứt nghẽn. Ví dụ ở Hậu Giang, tài xế dù có đầy đủ giấy tờ phòng chống dịch nhưng vẫn phải qua nhiều chốt, dẫn đến chi phí tăng và giá bán tăng, từ 30 - 60%. Yếu tố này đẩy giá thành sản phẩm tăng theo. Sở Công Thương các tỉnh kiến nghị ngành y tế tháo gỡ các khó khăn trong việc kiểm soát cũng như kiến nghị Chính phủ phân bổ vắc-xin để giải quyết vướng mắc trong đứt gãy lao động thương mại.

Để bình ổn thị trường, "giãn cách nhưng không giãn hàng", trong khi các tỉnh phía Nam cũng đang thực hiện giãn cách, Bộ Giao thông - Vận tải đã mở "luồng xanh" cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh - thành nhưng thực sự "luồng xanh" này vẫn chưa "xanh", khi mà hàng hóa từ các tỉnh về đến TPHCM chi phí vẫn còn cao do chi phí xét nghiệm, cách ly... Ngược lại, hàng hóa tiêu dùng, vật tư sản xuất nông thủy sản, nguyên liệu từ TPHCM chảy về các tỉnh cũng bị tình trạng tương tự. Về lâu dài, giá thành sản xuất chắc chắn tăng cao.

Thay vì tung quản lý thị trường đi kiểm tra các đơn vị phân phối về niêm yết giá, cung cấp hàng hóa... thì hãy tìm cách để có thêm điểm phân phối hàng, giải tỏa lưu thông. Hàng không thiếu, chỉ tắc khâu lưu thông nên giá tăng. Nếu "luồng xanh" được tổ chức tốt thì hàng hóa lưu thông sẽ nhanh hơn, khối lượng đưa về TPHCM lớn hơn, tăng cường các mô hình bán lẻ thì áp lực thiếu hàng ở TPHCM sẽ được hạn chế.

Tuy nhiên, "luồng xanh" vẫn còn ách tắc. Ngày 15-7, Bộ Giao thông - Vận tải đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Y tế phản ánh việc quy định thời hạn hiệu lực kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 của các địa phương hiện không thống nhất với nhau, như Bình Dương, TPHCM quy định 3 ngày; Long An 5 ngày, Đồng Nai 7 ngày... đang gây khó khăn cho lái xe và doanh nghiệp. Do vậy Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Bộ Y tế xem xét thống nhất thời hạn hiệu lực xét nghiệm Covid-19 của lái xe vận chuyển hàng hóa từ 5 - 7 ngày, kết hợp yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch khác, để giảm chi phí cho doanh nghiệp và thuận lợi việc lưu thông. Đề nghị này phía Bộ Y tế vẫn đang xem xét, nghiên cứu vì an toàn phòng dịch, bởi theo Bộ Y tế, giấy xét nghiệm chỉ có giá trị trong "quá khứ", người lái xe có thể bị nhiễm bất kỳ sau đó.

"Luồng xanh" cần phải "xanh", ít "đèn đỏ” nhưng đảm bảo lưu thông thông suốt, đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch, vẫn là vấn đề làm "đau đầu" các nhà quản lý. Được biết, bắt đầu từ ngày 19-7, đã có phần mềm giúp chủ xe kinh doanh vận tải đăng ký và nhận giấy nhận diện kèm mã QR, dán trên kính xe. Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch sử dụng điện thoại quét mã QR trên giấy nhận diện để kiểm tra thông tin và cho xe lưu thông nhưng vẫn phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Trong những ngày tới, cuộc sống của hàng chục triệu dân vùng giãn cách TPHCM và các tỉnh thành phía Nam phụ thuộc lớn vào các giải pháp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước. Một "luồng xanh" thật sự "xanh" và an toàn là giải pháp căn bản, để đảm bảo hàng hóa lưu thông trong những ngày cao điểm các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội.

Không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu, lương thực phục vụ vùng dịch

Ngày 25-7, Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành văn bản số 1015/TTg-CN, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch Covid-19, trên cơ sở thống nhất của các Bộ: Giao thông vận tải; Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:

1. Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

2. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.

3. Yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định tại điểm 1 và điểm 2 nêu trên; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang