Tối 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 7, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến với nội dung quán triệt các giải pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TPHCM và những biện pháp trọng tâm, tổ chức thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Huyền Mai
05 nhiệm vụ trọng tâm để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, báo cáo tóm tắt những vấn đề trọng tâm tại Chỉ thị 12 ngày 22/7/2021 của Thành ủy TPHCM, Phó Bí thư Thường trực Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Chỉ thị 12 của Thành ủy TPHCM là nhằm tăng cường, siết chặt các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP trong thời gian 2 tuần lễ.
Với mục tiêu kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 bằng các biện pháp giãn cách xã hội triệt để và các biện pháp khác, Chị thị 12 đề ra 05 nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các ngành, các cấp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai thực hiện.
Thứ nhất, tuyên truyền, vận động các ngành, các cấp, đặc biệt là người dân TP ý thức được trách nhiệm của mình, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, hợp tác thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Thứ hai, bằng nhiều biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai giãn cách xã hội triệt để. Thứ ba, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống để đảm bảo thực hiện nghiêm về giãn cách. Lực lượng công an, quân sự sẽ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ này. Thứ tư, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực thực phẩm cho người dân TP; chú ý chăm lo đời sống cho người nghèo, người yếu thế, người đang gặp khó khăn… Thứ năm, đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế; đảm bảo việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, nhất là bệnh nhân mắc COVID-19.
Chỉ thị 12 cũng nêu rõ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí Thành ủy viên, các đồng chí đứng đầu cấp ủy bám sát địa bàn, tổ chức thành những nội dung cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, triển khai từng nội dung đi kèm với kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả.
Ban cán sự Đảng, UBND TP lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, địa phương có kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị.
Đảng ủy Quân sự TP, Đảng ủy Công an TP tiến hành các hoạt động phòng chống dịch theo chức năng của mình; đồng thời, tăng cường, đảm bảo lực lượng tuần tra, bảo vệ mục tiêu, an ninh trật tự và sẵn sàng cho các tình huống nâng cao.
Ban Tuyên giáo và ngành Tuyên giáo tập trung tuyên truyền để rõ các nhiệm vụ trong thời gian tới; làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, nhất là vai trò chủ thể - sự chủ động của người dân trong phòng chống dịch để chăm lo sức khỏe cho bản thân, gia đình và tham gia phòng chống dịch tại cơ sở. Bên cạnh đó, đấu tranh với những thông tin sai lệch, xuyên tạc chủ trương, biện pháp chống dịch của TP để tạo sự thống nhất về tư tưởng, chính trị cho chiến dịch cao điểm phòng chống dịch.
Ban Dân vận, ngành Dân vận và Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, đồng thuận, hợp tác và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế…; kết nối các nguồn lực xã hội; tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình để tuyên truyền, đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc kết quả phòng chống dịch của TP.
Chỉ thị kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và người dân TP để chung sức, đồng lòng triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch để sau 2 tuần chúng ta đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cũng đề nghị các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu Điện của Thường trực Ban Bí thư; Nghị quyết số 78 của Chính phủ để quán triệt những chủ trương, biện pháp của Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch toàn quốc.
Người dân không nên ra khỏi nhà sau 18 giờ
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, thành phố có 55.570 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố. Trung bình mỗi ngày, TP phát hiện 2.931 ca bệnh, các ca nhiễm được ghi nhận phần lớn tại khu phong tỏa, cách ly.
Về những biện pháp cần thực hiện trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, mọi người dân phải thực hiện nghiêm chủ trương "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”, không nên ra khỏi nhà sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh.
Chính quyền địa phương tập trung siết chặt các khu phong tỏa, tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc áp dụng hình thức “đi chợ thay”. Người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huyền Mai
Các lĩnh vực được phép hoạt động phải định kỳ đánh giá nguy cơ dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các Bộ tiêu chí an toàn và tuyệt đối không tập trung đông người; khuyến khích phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”. Các vùng nguy cơ cao, nguy cơ rất cao, các điểm nóng cần được đẩy mạnh test nhanh, khẩn trương bóc tách trường hợp nghi nhiễm và nhiễm ra khỏi cộng đồng. Các đơn vị tổ chức chặt chẽ đội nhóm trực 24/24 để tiếp nhận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ.
Về kế hoạch tiêm vắc xin, cần triển khai tổ chức tiêm vắc xin một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; công khai, minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân. Ngành y tế cần phấn đấu đạt mức cao về số lượng nhưng phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.
Cùng với đó, cần đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo cung cấp hàng hóa, thiết yếu cần thiết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu phong tỏa, khu cách ly; nắm chắc tình hình diễn biến của dịch bệnh, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tình huống phức tạp; chủ động xây dựng kế hoạch; phương án đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ trên địa bàn; đặc biệt tập trung bảo vệ an toàn tuyệt đối và phòng chống cháy, nổ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị, khu phong tỏa, khu cách ly.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, đa dạng hình thức tuyên truyền để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là các hộ gia đình trong các khu dân cư, khu phong tỏa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thay đổi chiến lược thực hiện có trọng tâm trong 15 ngày tiếp theo
Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, qua 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16, chúng ta đã làm được khá nhiều việc. Tuy nhiên, một số mục tiêu đề ra lại chưa được hoàn thành.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Huyền Mai
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, sau khi tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và nghiên cứu các ý kiến mang tính khoa học và thực tiễn, Bộ Y tế cùng TPHCM thống nhất thay đổi chiến lược thực hiện có trọng tâm trong 15 ngày tiếp theo.
Theo đó, tăng cường siết chặt, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo nội dung của Chỉ thị 12 của Thành uỷ và Công văn 2468 của UBND TP. Thời gian tới, những việc trọng tâm cụ thể phải làm ngay là:
Áp dụng mọi biện pháp chủ động, đồng bộ để các cán bộ và người dân thực hiện triệt để các nội dung siết chặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp để kịp thời phát hiện F0, xử lý kịp thời việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tận tình, điều trị tích cực, chăm sóc chu đáo người không may bị nhiễm bệnh COVID-19, góp phần hạn chế mức thấp nhất tử vong.
Phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn các hoạt động bảo trợ xã hội, kịp thời hỗ trợ người khó khăn, tuyệt đối không để ai thiếu ăn thiếu mặc. Theo Bí thư Thành uỷ, hiện tại có nhiều nguồn hỗ trợ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm từ các nơi đưa về, nhưng một số đơn vị còn lúng túng trong việc nhận và phân phối. Do đó, cần tổ chức chặt chẽ các hoạt động này.
Tổ chức nhận, mua và tiêm vắc xin nhanh nhất có thể theo kế hoạch và đối tượng được tiêm.
Củng cố hoạt động truyền thông công khai minh bạch, kịp thời để mọi tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện triệt để giãn cách, không chủ quan, xem thường, không hốt hoảng, lo sợ thái quá.
Các cơ quan chức năng TP phối hợp các bộ, ngành Trung ương khẩn trương chuẩn bị tiếp phương án, kịch bản cho tình huống dâng cao khi cần thiết.
Chuẩn bị chiến lược lâu dài để bảo vệ sinh kế người dân, sức sống của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi nền kinh tế - xã hội ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Qua Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP kêu gọi người dân cùng đoàn kết, chung sức, quyết tâm thực hiện triệt để và hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 12 của Thành uỷ và Công văn 2468 của UBND TP để đưa TP sớm trở lại trạng thái bình thường mới.