Hà Nội sẽ thuê tư vấn độc lập tính giá thành sản xuất nước sạch

Thứ Bảy, 23/11/2019 08:19

|

(CAO) Hà Nội đang tính toán có lộ trình hạn chế khai thác và tiến tới dừng việc sử dụng nước ngầm vì gây ra tình trạng sụt lún, ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 22-11, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, TP Hà Nội sẽ thuê công ty tư vấn độc lập tính giá thành sản xuất nước sạch. Sau khi có kết quả tính giá thành, UBND TP sẽ xem xét và quyết định giá bán.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải 

Nói thêm về dự án nước sạch sông Đuống, ông Hoàng Trung Hải thông tin, đây là dự án không nhỏ cũng không quá lớn nên doanh nghiệp mới đưa ra mức giá tạm tính để chủ động thủ tục vay vốn ngân hàng. Còn các dự án lớn như dự án điện, ông Hải cho biết, hồ sơ vay vốn ngân hàng thường làm chặt chẽ ngay từ đầu với giá thành, giá bán.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng chia sẻ, TP đang tính toán có lộ trình hạn chế khai thác và tiến tới dừng việc sử dụng nước ngầm vì gây ra tình trạng sụt lún, ô nhiễm môi trường.

Dẫn chứng ở đồng bằng sông Cửu Long, việc lấy nước ngầm để sản xuất nông nghiệp đã gây lún khoảng 14cm, ông Hải khẳng định, Hà Nội cũng đã tính toán tới vấn đề này nhưng hiện chưa ảnh hưởng do nền đất cứng hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

"Nhưng không được chủ quan, bởi như Thái Lan đã bị sụt lún. Chúng ta đi trên đường phố Thái Lan, có thể thấy một số vị trí đã sụt lún" - ông Hải nói.

Theo ông Hải, hiện Hà Nội vẫn còn 50% nước ngầm, song theo lộ trình sẽ đẩy tỷ lệ sử dụng nước mặt lên bao nhiêu thì giảm tỷ lệ sử dụng nước ngầm xuống bấy nhiêu.

Được biết, ngay từ khi đồng ý chủ trương đầu tư dự án nhà máy nước sông Đuống, TP Hà Nội đã chấp thuận bán giá nước sạch tối đa (tạm tính) của Nhà máy nước sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.

Việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống được lãnh đạo một Sở Hà Nội cho biết là dựa trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ", bao gồm chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%.

Liên quan đến việc này, trong phiên thảo luận về Luật Đầu tư (sửa đổi) mới đây, nhiều đại biểu đề xuất cần đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các đại biểu cũng yêu cầu hạn chế chuyển nhượng vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, bởi nước sạch không chỉ là lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, mà đây còn là vấn đề “an ninh nguồn nước”, “an ninh quốc gia”.

Nhắc tới vụ chuyển nhượng 34% vốn tại dự án nước sông Đuống do tư nhân đầu tư cho tỷ phú Thái Lan, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lo ngại: “Một nhà máy hàng ngày cung cấp nước cho mấy triệu người dân mà chúng ta không biết ông chủ thực sự là ai hoặc để người nước ngoài quản lý thì rất nguy hiểm”.

Theo đại biểu Nghĩa, đối với những đô thị lớn, nước sạch là vấn đề an ninh rất hệ trọng. Cho rằng một trong những điều kiện kinh doanh lĩnh vực này là không nên cho chuyển nhượng sang nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Nghĩa khẳng định: “Cấm hay hạn chế như thế nào thì do Chính phủ đề xuất, nhưng những ngành liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh quốc phòng như nước sạch, bất động sản, thông tin truyền thông… phải có những điều kiện trong xây dựng, chuyển nhượng, kinh doanh”.

Chia sẻ góc nhìn trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà) kiến nghị đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục kinh doanh có điều kiện.

Từ câu chuyện nguồn nước do Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp bị kẻ xấu đổ dầu thải, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ hàng triệu người dân Hà Nội, bà Thu nhận định nước sạch là lĩnh vực cần quản lý chặt chẽ, phải đưa hẳn vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cùng với đó các tiêu chuẩn, theo đại biểu Thu, điều kiện kinh doanh nước sạch phải được rà soát chặt chẽ và luật hoá.

Thống nhất đưa kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng không nên phân biệt đối tượng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này, bởi lẽ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang