9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Thứ Sáu, 22/11/2019 15:03

|

(CAO) Ngoài 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng quy định cụ thể thẩm quyền quyết định việc này.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua với 91,51% đại biểu tán thành.

Theo đó, 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh được quy định trong Luật (Điều 36) gồm: Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Việc tạm hoãn xuất cảnh cũng áp dụng với người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án cũng nằm trong diện bị tạm hoãn xuất nhập cảnh.

Điều này còn được quy định với người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Trường hợp bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh hoặc người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh cũng thuộc đối tượng quy định tại Điều 36.

Biểu quyết thông qua riêng nội dung trên đã nhận được sự tán thành của 440/445 đại biểu, đạt 91,10%.

Trước đó, giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa quy định tạm hoãn xuất cảnh trong Luật này với quy định cấm xuất cảnh trong Bộ luật Dân sự và quy định không được xuất cảnh trong Luật Thi hành án Hình sự.

Các ý kiến này đề nghị bỏ các trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách với lý do Luật Thi hành án Hình sự quy định ba trường hợp không được xuất cảnh, nên không thể quy định là đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh trong Luật này.

Ý kiến khác đề nghị quy định các trường hợp trên trong dự thảo Luật này để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Giải trình các ý kiến trên, UBTVQH cho biết, hiện nay, trong hệ thống pháp luật đang sử dụng thiếu thống nhất các cụm từ “cấm xuất cảnh” (Bộ luật Tố tụng Dân sự), “không được xuất cảnh” (Luật Thi hành án hình sự) và “tạm hoãn xuất cảnh” (Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Quản lý thuế).

Về bản chất, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các trường hợp “tạm hoãn xuất cảnh”, “cấm xuất cảnh”, “không được xuất cảnh” trong các đạo luật chuyên ngành đều là việc dừng, không cho xuất cảnh có thời hạn. Luật này là luật chuyên ngành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nên việc quy định đầy đủ các trường hợp dừng, không cho xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam trong Luật là cần thiết.

Về đề nghị quy định rõ tiêu chí tạm hoãn xuất cảnh; làm rõ quy định “khi có đủ căn cứ” là khi có quyết định hành chính hay quyết định tư pháp cho rõ và người dân có thể khởi kiện không có căn cứ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, việc sử dụng cụm từ “có căn cứ xác định” được kế thừa quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự, là khi cơ quan có thẩm quyền có tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm để tạm hoãn xuất cảnh.

Liên quan đến thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh (Điều 37), Luật quy định chi tiết 12 khoản, trong đó có nội dung giao Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh trong trường hợp đặc biệt.

Ngoài các nội dung trên, Luật cũng quy định cụ thể về hời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh cũng như trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang