(CAO) “TPHCM cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống, thực thi hiệu quả các quy định, chính sách Trung ương trên địa bàn và thường xuyên phối hợp với nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc, phát sinh”. Đây là cam kết của lãnh đạo TP tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra vào sáng 22/4.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TPHCM
Xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả hấp thụ vốn và hiệu quả đầu tư
Báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2022, TP thu hút được 4,33 tỷ USD FDI, trong đó, có khoảng 65% đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. TP cũng thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc cho nhiều dự án FDI.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng nêu một số hạn chế trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài như: Hệ thống hạ tầng gồm giao thông, dịch vụ của TP và Đông Nam bộ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế cho FDI không còn hấp dẫn, do vậy cần có cách tiếp cận mới trong bối cảnh sắp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. TP cũng đang thiếu quỹ đất công nghiệp đủ lớn cho các dự án lớn, theo cụm ngành cho các ngành nghề mới.
Hiện, TP đang tập trung đẩy mạnh các dự án về hạ tầng, dịch vụ logistics, chuyển đổi năng lượng, quỹ đất công nghiệp, đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả hấp thụ vốn và hiệu quả đầu tư. Đồng thời, TP cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống, thực thi hiệu quả các quy định, chính sách Trung ương trên địa bàn và thường xuyên phối hợp với nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc, phát sinh.
TP kiến nghị Thủ tướng các chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Dịp này, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu 5 kiến nghị với Thủ tướng. TP kiến nghị, Thủ tướng có chỉ đạo sớm cập nhập chiến lược, chính sách quốc gia về FDI và sớm có kế hoạch và chính sách phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cần được áp dụng; đồng thời, chỉ đạo rà soát các quy định liên quan như: xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, giấy phép lao động, thuế, PCCC, điện… mà các nhà đầu tư nước ngoài đã nêu tại hội nghị.
TP cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ TP triển khai cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế thí điểm đột phá phát triển TP như: các chính sách cho nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực: Công nghệ bán dẫn, Công nghệ chip, Vật liệu mới, Công nghệ pin mới, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; mô hình “một cửa” cho Khu Công nghệ TP…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM
TP cũng mong Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ TP hoàn thiện các điều kiện tiếp nhận và giới thiệu nhà đầu tư chiến lược trên lĩnh vực: công nghiệp vi mạch - bán dẫn, công nghệ sinh học, các trung tâm thiết kế - trung tâm nghiên cứu R&D, dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính.
TP kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các Khu công nghiệp, bổ sung vào danh mục quy hoạch Khu công nghiệp 2, Khu công nghiệp Phạm Văn Hai 1-2 (khoảng 600 ha), từ đó, TP sẽ hình thành các Khu công nghiệp chuyên đề công nghệ cao các ngành: điện tử, dược - y sinh, phụ trợ…; đồng thời, chuyển đổi các khu công nghiệp/khu chế xuất theo hướng công nghệ cao và logistics.
Đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, trong tháng 4 TP sẽ trình hồ sơ quy hoạch chung TP Thủ Đức và trong quý 3 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Thủ Đức dựa trên quy hoạch này.