Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp tham dự hội nghị.
Sản xuất ma túy từ... công thức trên mạng
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia như nhận định của Bộ Chính trị. Ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước rất lớn, song chưa được ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới.
Cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, gây rối loạn tâm thần, khó kiểm soát; việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh niên, thiếu niên tăng nhanh, song chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi.
Lãnh đạo TP trao đổi trong giờ nghỉ của hội nghị
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp; tội phạm và tệ nạn ma túy có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Theo Công an TPHCM, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an TP đã thu giữ 1,165 tấn ma túy các loại. Đáng chú ý, tình trạng các đối tượng nghiên cứu công thức sản xuất ma túy từ mạng xã hội để thực nghiệm và tiến hành sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận diễn ra ngày càng thường xuyên, từ mô hình nhỏ trong phòng thí nghiệm đến quy mô công nghiệp có số lượng lớn.
Nếu trước đây chỉ phát hiện việc sản xuất ma túy đá thì nay đã phát hiện cả sản xuất thành công thuốc lắc. Hầu hết trong các vụ được khám phá gần đây, các đối tượng đều nghiên cứu sản xuất thành công hai loại ma túy trên và đến giai đoàn thành phẩm ma túy tổng hợp.
Bên cạnh tình hình tội phạm ma túy, tình hình quản lý người nghiện ma túy cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng người nghiện ở thành phố tăng dần theo từng năm, có nguy cơ trở thành hiểm họa quốc gia.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), vấn đề quản lý người nghiện ở cấp phường, cấp xã trên thực tế không triển khai được; nhiều trung tâm cai nghiện tập trung không tuyển được bác sĩ.
Cần giải pháp đặc thù để phòng chống ma túy hiệu quả
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, toàn hệ thống chính trị các cấp của TPHCM phải quán triệt nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 36-CT⁄TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, mới ban hành ngày 16/8/2019 (thay thế Chỉ thị số 21 đã thực hiện từ 10 năm nay). Cùng với đó, TPHCM cần nghiên cứu áp dụng một số giải pháp đặc thù mới có thể ngăn chặn được tệ nạn ma túy hiện nay.
Cụ thể, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, các cơ quan liên quan nghiên cứu dự thảo phân loại địa bàn về tệ nạn ma túy. Theo đó, có thể phân thành 4 loại với nội dung sau: Địa bàn có tình trạng bán lẻ ma túy (mức 1); địa bàn có điểm bán tập trung ma túy (mức 2); địa bàn có những tụ điểm thường xuyên xảy ra tình trạng tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy, ví dụ như nhà hàng, vũ trường, khách sạn…(mức 3); địa bàn có nguy cơ xuất hiện cơ sở sản xuất ma túy tại chỗ (mức 4).
Sau khi đánh giá địa bàn sẽ yêu cầu các địa phương có giải pháp cụ thể, đăng ký mục tiêu với cấp ủy cấp trên gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đưa đây là một trong các tiêu chí đánh giá công tác cuối năm, từ đó nâng cao trách nhiệm của cấp ủy chính quyền địa phương với công tác phòng chống ma túy.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định, với địa bàn TPHCM không nên dàn trải lực lượng mà phải cơ cấu lại, tập trung “đánh” có trọng tâm vào tệ nạn ma túy. Lực lượng công an, hải quan, biên phòng… tập trung ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào thành phố.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy giao Ban Nội chính Thành ủy nghiên cứu dự thảo quy chế phối hợp giữ các lực lượng trong việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, phải thêm các thành viên của Sở Công thương, Sở Y tế vào thành phần đoàn kiểm tra liên ngành. Những trường hợp để xảy ra sai phạm lặp lại nhiều lần phải kiên quyết xử lý.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đề xuất, cần rà soát lại các quy định pháp luật để nghiên cứu triển khai biện pháp gắn camera giám sát tại những tụ điểm nghi vấn, nếu được sẽ cho thí điểm ở các khu vực phức tạp ở quận 1, quận 3 của thành phố.
Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, cần đổi mới công tác truyền thông về tệ nạn ma túy. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan truyền thông thành phố và Trung ương tăng cường thông tin về tác hại của ma túy một cách đều đặn, có liều lượng phù hợp, làm sao để người dân “phải thấm, phải sợ” khi nghe đến ma túy.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo phải tuyên truyền, cảnh báo quyết liệt đối với học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy, nhất là những loại chất kích thích, gây nghiện mới như bóng cười, cỏ Mỹ.
"Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.
Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.