Đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống, ông cha ta có câu “Thủy, hỏa, đạo, tặc” hay “Giặc phá không bằng cháy nhà”, qua đó muốn gởi thông điệp đến mọi người, mọi nhà rằng: cháy xảy ra thiệt hại thật khó lường. Điển hình thảm họa cháy thật thương tâm thương mại quốc tế (ITC) vào ngày 29/10/2002 đã khiến 60 người chết, 91 người bị thương.
Cháy có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, cháy không phân biệt không gian và thời gian, khu dân cư hay nhà cao tầng... Nếu có đầy đủ các yếu tố và điều kiện, thì chỉ cần một thoáng chủ quan, một giây phút bất cẩn đều có thể đem hoả hoạn tới gần. Nếu không kiểm soát được sẽ gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.
Cảnh sát
PCCC khống chế một đám cháy xảy ra trên địa bàn TPHCM
Chính vì thế, công tác PCCC không là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn dân, của toàn xã hội; công tác phòng cháy và chữa cháy mang tính quần chúng sâu sắc. Tại khoản 1, Điều 5 Luật Phòng cháy chữa cháy quy định “Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong những năm đầu của thập niên 60, nước tăng cường thực hiện kế hoạch 05 năm lần thứ nhất với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thời điểm này, Nhà nước tăng cường xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp, kho tàng… khiến nguy cơ cháy, nổ tăng cao. Đồng thời, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nên thường xuyên xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và của. Trước tình hình đó, đòi hỏi phải tăng cường công tác PCCC một cách cấp bách. Vì vậy, ngày 04/10/1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 53/LCT công bố ban hành Pháp lệnh “Quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác PCCC” (gọi tắt là Pháp lệnh PCCC).
Để ghi nhớ công ơn to lớn của Bác Hồ kính yêu đối với công tác PCCC (Bác là người ký Lệnh ban hành Pháp lệnh PCCC vào này 04/10/1961), xuất phát từ tinh thần, tư tưởng đó nên Quốc hội (Cơ quan thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân) đã thống nhất, quyết định lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”
Trong thời gian qua, từ khi Luật PCCC có hiệu lực thi hành, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng thực hiện của các đia phương và nhân dân, công tác PCCC đã đạt được những kết quả quan trọng.
Việc phòng cháy ở nhiều nơi đã đi vào nề nếp, các vụ cháy xảy ra được chữa cháy tích cực, kịp thời nên giảm thiểu được nhiều thiệt hại về người và tài sản, kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển bền vững nền kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình cháy diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về cả số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 7.240 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ (tăng 1.511 tai nạn, sự cố, tương ứng 26,37%), trong đó:
- Xảy ra 6.245 vụ cháy (tăng 1.088 vụ, tỷ lệ 21,1%). Trong đó xảy ra 18 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng; 42 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; 22 vụ cháy lớn. Về thiệt hại: làm chết 85 người (tăng 24 người), bị thương 238 người (tăng 73 người), về tài sản ước tính thành tiền khoảng 856,719 tỷ đồng (tăng 557,992 tỷ đồng). Các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng; vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; vụ cháy lớn chỉ xảy ra 82/6.245 vụ cháy (tỷ lệ 1,31%) nhưng làm chết 85 người, bị thương 238 người, về tài sản ước tính thành tiền khoảng 843,73 tỷ đồng (tăng 583,98 tỷ đồng, tỷ lệ 232,9%).
Lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH kịp thời dập tắt đám cháy tại khu vực trung tâm thành phố
Về nguyên nhân xảy ra cháy: sự cố, sơ xuất trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện: 2.751/6.245 vụ cháy (1.459 thiết bị điện đường); bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất: 489/6.245 vụ cháy; đốt cỏ, rác gây cháy lan: 2.143/6.245 vụ cháy, nguyên nhân khác: 862/6.245 vụ cháy.
Về đối tượng để xảy ra cháy: Công ty, doanh nghiệp: 497/6.245 vụ cháy; Nhà ở đơn lẻ: 1.379/6.245 vụ cháy; Nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất: 152/6.245 vụ cháy; Hệ thống, thiết bị điện đường: 1.459/6.245 vụ cháy; cỏ, rác, phế phẩm: 2.096/6.245 vụ cháy; loại hình khác: 662/6.245 vụ cháy.
- Xảy ra 13 vụ nổ làm chết 10 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản 160 triệu đồng (giảm 30 vụ, tỷ lệ 69,76%, giảm 17 người chết, 51 người bị thương).
- Trên địa bàn thành phố xảy ra 982 tai nạn, sự cố có huy động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu nạn, cứu hộ (tăng 453 vụ, tỷ lệ 85,63%). Trong đó, cứu được 712 người và vớt 209 xác nạn nhân giao cho địa phương xử lý.
Để giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra thì công tác PCCC phải thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không chỉ ngày 4-10 hay tháng 10 hàng năm. Để ngày 04-10-2019 “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” thực sự có ý nghĩa và đi vào cuộc sống thì mỗi cơ quan, tổ chức hộ gia đình và các cá nhân phải tích cực tham gia công tác PCCC; thực hiện nghiêm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và luật.
Kip thời nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC tại chỗ (dân phòng, cơ sở, chuyên nghành, Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ) mạnh về chất, lớn về lượng, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”. Đồng thời ttăng cường trang bị phương tiện PCCC đủ sức dập tắt các đám cháy khi vừa mới phát sinh; xây dựng phương án PCCC sát với thực tế và đặc điểm tình hình cơ sở; thường xuyên tổ chức thực tập phương án PCCC.
Thượng tá
Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CHCN Công an TPHCM (PC07)
Một số biện pháp phòng cháy và chữa cháy cụ thể:
- Đối với khu dân cư mọi người phải kiểm tra chặt chẽ các nguồn dễ xảy ra cháy, nổ trong gia đình, phải cẩn trọng trong việc sử dựng xăng, dầu, điện, lửa, khí đốt, hóa chất. Không được để xăng, dầu, các chất dễ cháy gần bếp, đèn dầu, đường dây điện, cẩn thận trong việc sử dụng bàn ủi điện, bếp điện. Khi đun nấu, thắp nhang đèn thờ cúng phải có người trông coi, khi ra khỏi nhà, phải kiểm tra lại bếp, tắt điện và lửa. Không buôn bán, tàng trữ các chất dễ cháy nổ xăng dầu; không được dùng xăng thay dầu lửa để đun nấu, thắp đèn. Không câu mắc sử dụng điện tùy tiện, khi sử dụng điện phải có đầy đủ các thiết bị an toàn như: cầu dao, cầu chì lắp đặt đúng quy cách an toàn. Giáo dục trẻ không được chơi điện, nghịch lửa, thận trọng khi đốt rác, đốt cỏ phòng cháy lan. Nghiêm cấm việc gọi điện thoại báo cháy giả. Nhắc nhở nhau thực hiện tốt “Quy ước phòng cháy và chữa cháy trong gia đình”.
- Đối với cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện chú ý kiểm tra phát hiện sớm các nguyên nhân có thể gây cháy, nổ để kịp thời sửa chữa. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, quy trình kiểm tra máy móc an toàn, hệ thống cấp nước, dụng cụ chữa cháy, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc phải tuân thủ nội quy phòng cháy và chữa cháy nghiêm ngặt, có phương án, kế hoạch phòng cháy và chữa cháy cụ thể… Tăng cường kiểm tra, canh gác nghiêm ngặt, nhất là ngoài giờ hành chính.
- Mỗi gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện cần trang bị dụng cụ chữa cháy cần thiết như: thùng chứa nước, bình chữa cháy, hướng dẫn nhau cách sử dụng thành thạo các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt ngay ngọn lửa khi mới phát sinh. Kiên quyết giải tỏa những nơi xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn điện, lấn chiếm đường phố, ngõ hẻm làm cản trở công tác phòng cháy và chữa cháy …
Nếu xảy ra cháy, hãy bình tĩnh báo cho mọi người biết, cúp cầu dao điện trong khu vực cháy, dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt ngọn lửa đồng thời gọi điện thoại số 114 để báo Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến cứu chữa, chú ý việc cứu người và tài sản.
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC - CHCN Công an TPHCM