TPHCM: Đề ra các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong 5 ngày giãn cách còn lại

Thứ Sáu, 25/06/2021 21:59  | A. Quân

|

(CAO) TPHCM sẽ kết thúc đợt giãn cách lần 2 vào ngày 30/6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải đề ra các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong 5 ngày giãn cách còn lại.

Chiều 25/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Tại điểm cầu UBND TP, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì cuộc họp.

Tại điểm cầu Quận 8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp.

Tại điểm cầu UBND huyện Hóc Môn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu; lãnh đạo sở ngành, đơn vị, TP Thủ Đức, quận/huyện và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu UBND TPHCM

Ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm trong 24 giờ

Tính đến 06 giờ ngày 15/6, TPHCM có 2.549 trường hợp mắc bệnh đã được Bộ Y tế công bố. Từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 24/6 (đợt bùng phát dịch thứ 4), TP ghi nhận 2.234 ca nhiễm trong cộng đồng.

Từ 06 giờ ngày 24/6 đến 06 giờ ngày 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, cụ thể như sau:

• 99 trường hợp trong khu phong tỏa, gồm: xét nghiệm lần 1 (87 người), xét nghiệm lần 2 (09 người), xét nghiệm lần 3 (01 người) và 02 trường hợp đang xác minh thông tin. 538 trường hợp trong khu cách ly: xét nghiệm lần 1 (275 người), xét nghiệm lần 2 (260 người), xét nghiệm lần 3 (03 người).

• 14 trường hợp tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện: 01 trường hợp khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; 01 tại Bệnh viện Quận 12; 01 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh; 02 tại Bệnh viện Đại học Y Dược; 02 tại Bệnh viện Nguy Tri Phương; 02 tại Bệnh viện Thống Nhất; 01 tại Bệnh viện Quốc Ánh; 01 tại Bệnh viện Bình Tân; 01 tại Bệnh viện Ung bướu; 01 tại Trung tâm Y tế Thủ Đức; 01 tại Bệnh viện Vạn Hạnh.

• 01 trường hợp bị phơi nhiễm nghề nghiệp, là hộ lý đang công tác tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh (qua xét nghiệm tâm soát).

• 01 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm.

• 02 trường hợp giám sát sau cách ly tập trung.

• 02 trường hợp nhập cảnh.

• 10 trường hợp đang điều tra.

- Tình trạng bệnh nhân: Hiện có 31 bệnh nhân nặng; trong đó có 12 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 03 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, 07 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, 04 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID huyện Củ Chi và 05 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID Trưng Vương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp

Diễn biến các ổ dịch, chuỗi lấy nhiễm lớn

- Chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn: ngày 12/6/2021, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn tầm soát phát hiện 01 ca dương tính là tiểu thương bán trái cây tại ki-ốt 1 đầu chợ. Từ đó phát hiện thêm 13 tiểu thương, 01 bốc xếp, 01 giao hàng, 01 mua hàng và 05 người nhà.

Ngày 19/6/2021, từ 03 tiểu thương của chợ Sơn Kỳ (có đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng) dương tính, xét nghiệm tầm soát diện rộng phát hiện tổng cộng 71 ca xác định. Ngày ghi nhận ca mới nhất là ngày 23/6/2021 trong khu phong tỏa, khu cách ly.

- Chuỗi liên quan chợ Bình Điền, quận 08: Phát hiện 01 bệnh nhân là bốc xếp tại chợ Bình Điền vào ngày 16/6 qua tầm soát bệnh nhân tại bệnh viện Nguyễn Trãi. Tổ chức xét nghiệm diện rộng phát hiện thêm 07 ca xác định đều là nhân viên bốc xếp tại chợ và 19 ca là các trường hợp tiếp xúc gần. Ngày gần nhất ghi nhận ca bệnh là ngày 18/6.

- Chuỗi lấy nhiễm Công ty HANJOO TRADE: Ngày 13/6/2021, qua tầm soát bệnh nhân, Bệnh viện Xuyên Á phát hiện 01 trường hợp dương tính làm việc ở Công ty HANJOO TRADE, khu công nghiệp Tân Phú Trung (khu may, lầu 2). Từ đó phát hiện 189 ca là người cùng công ty và 15 ca là người nhà. Ca cuối cùng ghi nhận vào ngày 22/6/2021 trong khu cách ly tập trung.

- Chuỗi công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn (lô số 2, đường Song Hành, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân): Từ 02 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Gia An ngày 15/6/2021 là nhân viên của công ty. Đến nay đã có 102 ca xác định đều là nhân viên của công ty này; được phát hiện sau khi phong tỏa công ty ngày 16/6/2021. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc mới là ngày 24/6/2021 trong khu phong tỏa.

- Chuỗi lấy nhiễm khu chung cư Ehome3, An Lạc, Bình Tân và khu tái định cư phường 16, quận 8: Phát hiện từ ngày 05/6, từ 01 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Quốc tế City ngày 05/6 (sống tại chung cư Ehome) và 01 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Triều An ngày 07/6 (buôn bán tại chung cư Ehome), qua truy vết đã phát hiện 236 ca bệnh khác, trong đó có 08 công nhân làm việc tại Công ty PouYuen, 03 công nhân ở công ty Tỷ Hùng, 11 công nhân ở Công ty khuôn chính xác Duy Tân - Khu công nghiệp Tân Tạo. Đến nay có tổng cộng 238 trường hợp dương tính.

- Chuỗi lây nhiễm Công ty Kim Minh, phường 13, quận 5: Phát hiện ngày 10/6 qua khai báo y tế của 1 nhân viên công ty có triệu chứng (BN10119); đến nay có tổng cộng 115 ca bệnh, trong đó nhân viên công ty là 30 người và 85 người nhà của nhân viên. Ca cuối cùng được ghi nhận vào ngày 23/06/2021.

- Chuỗi vựa ve chai Đề Thám, quận 1: Ngày 15/6/2021, Bệnh viện Nguyễn Trãi tầm soát, phát hiện 01 bệnh nhân là người lượm ve chai tại số 1, Đề Thám, quận 1. Từ bệnh nhân này, đến nay đã có có 36 ca xác định đều là những người thu lượm ve chai, ngoài ca chỉ điểm phát hiện tại Bệnh viện Nguyễn Trãi còn có 02 người được phát hiện tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, 01 ca tại Bệnh viện huyện Nhà Bè, 01 ca tại Bệnh viện Quận 02. Ca cuối cùng ghi nhận vào ngày 23/6/2021.

- Chuỗi liên quan cảng SOWATCO, Quận 9: Ngày 10/6/2021 Bệnh viện Lê Văn Việt tầm soát phát hiện 01 ca dương tính là nhân viên sửa chữa ô tô. Từ đó phát hiện thêm 01 nhân viên đội nâng xe và 01 nhân viên kỹ thuật (cảng SOVATCO); 01 nhân viên kiểm hàng hóa (Cảng quận 7 Lotus - 1A); 04 nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Văn Việt; 15 người nhà của các nhân viên nói trên. Tổng cộng 24 ca xác định. Ngày gần nhất ghi nhận ca bệnh là ngày 22/6 trong khu cách ly.

- Chuỗi cửa hàng Hnam Mobile: Phát hiện ngày 12/6/2021 do Bệnh viện Vạn Hạnh tầm soát bệnh nhân, đến nay đã có 91 ca xác định gồm 17 nhân viên của Hnam và 74 người nhà của những người tiếp xúc gần. Ca cuối cùng ghi nhận vào ngày 23/6/2021.

- Chuỗi lấy nhiễm Công ty Minh Thông, Hóc Môn: Ngày 12 và 14/6, qua tầm soát bệnh nhân, Bệnh viện Xuyên Ả phát hiện 3 ca dương tính, chưa rõ nguồn lây, đến nay đã có 72 ca xác định, trong đó có 53 người cùng làm việc tại công ty này và 18 người nhà tiếp xúc gần và 1 người trong khu phong tỏa. Ca cuối cùng ghi nhận vào ngày 22/6/2021.

- Chuỗi tiểu thương chợ Kim Biên, quận 5: Ngày 16/6, phát hiện 01 bệnh nhân dương tính là người nhà của nhân viên cửa hàng quẹt GAS, 38A Vũ Chí Hiếu (chợ Kim Biên), do bệnh viện quận 10 tầm soát. Từ đó ghi nhận tổng cộng 04 nhân viên cửa hàng, 03 người nhà, và 01 người đi khám cùng khung giờ. Tổng cộng có 08 ca xác định. Ngày gần nhất ghi nhận ca mắc là ngày 20/6/2021 trong khu cách ly tập trung (lấy mẫu lần 1).

Đã lấy gần 2 triệu mẫu xét nghiệm, hơn 400.000 người đã được tiêm vắc xin

Tổng số mẫu xét nghiệm (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng từ đợt dịch đầu tiên là 847.153 mẫu (tính đến 20 giở ngày 24/6/2021), trong đó đợt dịch từ ngày 26/5 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 1.085.493 mẫu. Cụ thể:

- Tiếp xúc gần (F1): 17.459 mẫu, trong đó 16.279 mẫu âm tính, 1.180 mẫu chờ kết quả.

- Tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2): 147.566 mẫu, trong đó 106.218 âm tính, 41.348 đang chờ kết quả.

- Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 920.468 mẫu (gộp 10), trong đó 619.926 mẫu âm tính, 300.542 mẫu chờ kết quả.

Tính đến hết ngày 24/6/2021, tổng cộng có 404.707 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó tại cộng đồng gồm 190.734 người, tại KCN, KCX gồm 213.973 người.

Có 1.109 phản ứng sau tiêm, trong đó có 73 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (20 trường hợp độ 1, 26 trường hợp độ 2, 15 trường hợp độ 3, 02 trường hợp độ 4 và 10 trường hợp khác) nhưng tất cả đều được theo dõi sát, hiện giờ đều ổn định.

Tính toán việc thí điểm cách ly tại nhà đối với F1

Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP cần tăng cường các biện pháp quyết liệt để tránh lây nhiễm tại các chợ đầu mối, là nơi giao thương và tiếp xúc phức tạp; sàng lọc nhóm nguy cơ từ việc quản lý nhóm khách hàng mua thuốc cảm, ho từ hiệu thuốc.

Bên cạnh đó, TP cần chú trọng việc đảm bảo tại khu cách ly tập trung, xử lý kịp thời các vấn đề về rác thải, đẩy nhanh tiến độ trả kết quả xét nghiệm; cân nhắc về kế hoạch thí điểm cách ly tại nhà đối với F1 nhằm giảm bớt mật độ khu cách ly tập trung của TP.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng việc quan trọng trước mắt là phải đánh giá đúng tình hình dịch bệnh đang diễn ra, từ đó mới có thể đưa ra biện pháp phù hợp.

Phó Thủ tướng nhận định, tình hình dịch bệnh hiện tại, với 68% các ca nhiễm không có biểu hiện và triệu chứng bệnh, so với thời điểm khởi phát dịch lần thứ 4 (ngày 27/5), các chuỗi dịch bệnh phát sinh bất chợt khó lường, khi phát hiện thì đã tạo ra ổ dịch lớn. Tại TP đã xuất hiện các chuỗi lây nhiễm ở các khu công nghiệp, chợ đầu mối là những nơi có khả năng lây lan nhanh.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc áp dụng Chỉ thị 10 của TP đã có phát huy kết quả nhất định, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp. TP cần kiên quyết, toàn diện, triệt để hơn nữa trong triển khai các giải pháp chống dịch, cân nhắc việc thực hiện các giải pháp để cắt đứt nguồn lây, tránh để lây lan rộng.

Bên cạnh đó, TP cần nâng cao năng lực test mẫu cho kết quả nhanh, không để chậm trễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Đối với chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong 5 ngày, TP cần chú trọng việc kiểm soát dòng người, không để xảy ra việc tập trung đông người cùng một thời điểm; lưu ý việc phân lượt người tiêm theo giờ, tổ chức kiểm soát để tránh tập trung đông người.

Thời gian qua, TPHCM đã xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch COVID-19 ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên phải tổ chức kiểm tra đánh giá, xử lý vi phạm, đảm bảo thực hiện đúng tiêu chuẩn, thực hiện nghiêm về giãn cách, không để lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, TP cần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, người đứng đầu đơn vị… Phải xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm, tạm dừng các cơ sở sản xuất không thực hiện đúng quy địch phòng chống dịch và xử lý nghiêm với người đứng đầu nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan tại đơn vị.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì tại điểm cầu UBND huyện Hóc Môn

Cần đảm bảo 300 hộ dân có 01 Tổ COVID cộng đồng

Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Trường Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá đợt dịch lần này tại TP con số đã vượt qua 2000 ca nhiễm; TP đã trải qua 9 ngày liên tiếp có số ca nhiễm trên 100 ca, đặc biệt từ 6h ngày 24/6 đến 06 giờ ngày 25/6, TP ghi nhận 667 ca nhiễm, là con số cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, các ca nhiễm trong số này phần lớn trong khu cách ly phong tỏa, chỉ có 10 trường hợp đang điều tra để xác định nguồn lây. Do đó, về cơ bản TP vẫn đang kiểm soát được tình hình. Đáng lo ngại nhất là các chuỗi lây nhiễm tại Khu công nghiệp và chợ đầu mối.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu:

Thành phố sẽ kết thúc đợt giãn cách lần 2 vào ngày 30/6, các sở ngành, quận huyện phải đánh giá lại việc triển khai các giải pháp trong Chỉ thị 10 trên địa bàn và đề ra các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong 05 ngày giãn cách còn lại.

Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải đồng loạt triển khai biện pháp: Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP, bên cạnh việc tuyên truyền cần có biện pháp xử lý triệt để.

Các Tổ COVID Cộng đồng thời gian qua đã phát huy rất tốt, thời gian tới cần đảm bảo 300 hộ dân phải có 01 Tổ COVID cộng đồng và phát huy tối đa trên tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện kịp thời các trường hợp có nguy cơ.

Đối với các khu tập trung đông người như cổng bệnh viện, bến xe, công viên… cần tăng cường các biện pháp mạnh, không để xảy ra tập trung đông người.

Đối với chợ truyền thống, có thể nghiên cứu mô hình bán hàng luân phiên. Với chợ đầu mối cần có phương án cụ thể, Sở Công Thương cần thảo luận với các quận, huyện và TP Thủ Đức để yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết về thực hiện tiêu chí an toàn trong phòng chống COVID-19. Trường hợp nào vi phạm cam kết lập tức tạm ngưng kinh doanh.

Đối với công tác phòng chống dịch tại công sở, cơ quan nhà nước, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch; thực hiện khử khuẩn, giã cách và tăng cường họp trực tuyến.

Đối với các cuộc họp bắt buộc phải tổ chức trực tiếp thì phải có văn bản xin ý kiến của địa phương.

Việc trả chậm kết quả xét nghiệm sẽ làm ảnh hưởng lớn đến công tác chống dịch, do đó ngành Y tế cần phân tích rõ nguyên nhân của việc trả kết quả xét nghiệm chậm, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm, cải tiến phương thức tổ chức vận hành.

Riêng đối với khu cách ly Đại học Quốc gia, cần lập tức kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch và xử lý ngay các vấn đề về đảm bảo vệ sinh môi trường...

TPHCM ghi nhận 667 ca nghi mắc COVID-19 trong 24 giờ, phần lớn tại khu cách ly, phong tỏa
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang