Chiều 1/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.
Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo
Không có chuyện hết vắc xin Vero Cell như phản ánh
Tại họp báo, liên quan đến chi phí khám chữa bệnh cho người mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế tư nhân, Chánh văn phòng Sở Y Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, Sở Y tế đã ban hành văn bản 6928 ngày 27/9/2021 về cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân chuyển đổi công năng điều trị COVID-19, trong đó hướng dẫn cụ thể:
Đối với những người mắc COVID-19, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền... theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không thu thêm khoản khác.
Tính đến 18 giờ 00 ngày 30/9/2021, có 389.202 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 388.718 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 484 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 32.885 bệnh nhân, trong đó: có 3.423 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.568 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 30/9: có 2.046 bệnh nhân nhập viện, có 2.866 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 206.980), 96 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 14.946).
Đối với bệnh khác, người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế.
Về phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có), người bệnh phải tự chi trả theo quy định; người không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Qua đó, Sở Y tế TP đề nghị các bệnh viện tư nhân có trách nhiệm tổ chức khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định, không được từ chối hoặc yêu cầu người mắc COVID-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí; yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách, thẻ bảo hiểm y tế và không được thu thêm chi phí điều trị bệnh COVID-19 của người bệnh.
Trả lời về việc nhiều người dân phản ánh hết vắc xin Vero Cell, trong khi đến hạn tiêm mũi 2, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm khẳng định: Hiện nay, số lượng vắc xin Vero Cell trong kho TP còn trên 600.000 liều chưa kể số lượng vắc xin đã được phân bổ về cho các quận - huyện. Vì vậy, không có chuyện hết vắc xin Vero Cell như phản ánh. Việc phân bổ vắc xin thực hiện theo quyết định của Sở Y tế.
Về chiến dịch tiêm chủng, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP, tỷ lệ tiêm mũi 2 tăng đáng kể; hiện nay có 95% người trên 50 tuổi tiêm mũi 1, 60% người trên 50 tuổi đã tiêm mũi 2.
Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 30/9/2021: 10.527.412 (tăng 142.914 mũi vắc xin so với ngày 29/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.874.708, mũi 2 là 3.652.704, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.148.414 người.
Cung ứng hàng hóa tăng thì giá cả sẽ giảm
Đối với tình hình lưu thông hàng hóa sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, lượng hàng về TPHCM trong ngày 1/10 là 5.137 tấn, tăng 0,3% so với ngày 30/9.
“Việc lượng cung ứng hàng hóa tăng sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa giảm trong nhưng ngày tiếp theo. Sở Công thương đang làm việc với các đơn vị để tìm giải pháp đưa nguồn hàng về TPHCM nhiều hơn nữa”- Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.
Việc xét nghiệm, quản lý đội ngũ giao hàng công nghệ (shipper), đến ngày 30/9, Sở Công Thương đã nhận các bộ kit test và chuyển hết cho các đơn vị. Hiện, Sở đang lấy ý kiến ngành Y tế về công tác xét nghiệm sẽ triển khai trong thời gian tới. Đây là lực lượng quan trọng, vì vậy Sở sẽ tiếp tục quản lý các shipper sao cho đảm bảo tuân thủ phòng chống dịch.
Trả lời câu hỏi về số chợ, siêu thị hoạt động trở lại vào ngày 1/10, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin, Sở Công Thương đang làm việc với các quận, huyện để rà soát, xem xét việc tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống trên địa bàn và thực hiện các giải pháp mở lại chợ đầu mối trong điều kiện an toàn. Hiện nay, đã có 15/234 chợ đã hoạt động, 106 siêu thị, 3.101 cửa hàng tiện lợi mở cửa.
Liên quan đến việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết, theo Nghị quyết 97 ngày 22/9/2021 của HĐND TP, tính đến 15 giờ ngày 1/10, có 60.327 người đã được nhận gói hỗ trợ đợt 3. Hiện nay, 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP đang tiếp tục rà soát và thực hiện chi trả. Theo quy định, việc chi trả sẽ hoàn tất trước ngày 15/10.
Đối với việc đưa người lao động quay trở lại làm việc, ngày 30/9, UBND TP đã đề nghị các doanh nghiệp trước khi hoạt động trở lại xây dựng Bộ tiêu chí An toàn sản xuất. Trong đó, quy định điều kiện người lao động quay trở lại làm việc như tiêm vắc xin, xét nghiệm nhanh…
Tiếp tục phối hợp với các tỉnh đưa người dân về quê
Tại họp báo, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP cho biết, lưu lượng phương tiện trung bình từ 6 giờ đến 14 giờ tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường (quy đổi PCU/giờ) ngày 01/10/2021, 1860 PCU/giờ, so với ngày 30/9 tăng 65%, so với ngày 28/5 giảm 45%.
Thượng tá Trần Thanh Giang thông tin tại họp báo
Về việc hàng nghìn người dân về quê tự phát, tập trung ở cửa ngõ TPHCM tối 30/9, Thượng tá Trần Thanh Giang thông tin thêm, khi phát hiện người dân tụ tập đông người tại chốt cửa ngõ, Công an TP đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động người dân ở lại, cùng tham gia vào quá trình phục hồi kinh tế của TP, thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch.
Sau khi tuyên truyền, vận động, đối với một số người vẫn nhất quyết về quê, lực lượng Công an TP đã phối hợp với các đơn vị phân chia người dân theo từng đoàn địa phương. Người dân được yêu cầu điền phiếu cung cấp nơi đi, nơi đến kèm các yếu tố dịch tễ.
Công an TP cũng trao đổi Sở Giao thông Vận tải TP và Bộ Tư lệnh TP để hỗ trợ phương tiện chở người dân về quê sau khi thông báo với các địa phương liên quan để tiếp nhận và có phương án xử lý phù hợp. Đến 14 giờ ngày 1/10, TPHCM đã giải quyết, hỗ trợ khoảng 1.300 người về quê, tất cả người dân đều hưởng ứng và đồng tình với phương án hỗ trợ trên của TP.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chia sẻ, TP luôn trân trọng mời người lao động ở lại để cùng phục hồi, phát triển TP với nhiều cơ hội việc làm và tạo điều kiện cho những người lao động trong việc ăn, ở, hoạt động tinh thần,… với nhiều giải pháp để chăm lo cho người lao động một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu người dân có nguyện vọng về quê, TP sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành để đưa người dân về quê chu đáo, an toàn.
Trước đó, TP đã phối hợp tổ chức 54 đợt đưa hơn 37.000 người dân về các tỉnh thành trong cả nước.
Phó Ban chỉ đaọ Phạm Đức Hải nhấn mạnh, Chỉ thị 18 của UBND TP nêu rõ việc tiếp tục kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trên toàn địa bàn TP. Trong đó, mục tiêu đặt ra là ưu tiên đảm bảo tính mạng người dân trên hết; kéo giảm các ca bệnh nặng, tử vong; phục hồi kinh tế và từng bước đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
TP vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, sự chủ động, tích cực, tự giác phòng chống dịch của người dân đóng vai trò rất quan trọng.