Sáng 27/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2022; sơ kết 1 năm thực hiện Kết luận Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 122/TB-VPCP ngày 22/5/2021 của Văn phòng Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho TPHCM phát triển thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TPHCM...
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP)
Đã khởi động nhiều công trình hạ tầng quan trọng
Phát biểu mở đầu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua, trong đó TPHCM là một trong những địa phương chịu hậu quả dịch Covid-19 lớn nhất cả nước.
Qua đó, Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, chủ động tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp của TPHCM dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; cùng sự đồng thuận, sự vào cuộc của nhân dân, hỗ trợ của doanh nghiệp và bạn bè quốc tế để chúng ta đã vượt qua được đại dịch Covid-19, đến nay đã kiểm soát được tình hình. Ngay sau khi ổn định tình hình, TPHCM đã bắt tay vào hồi phục phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được các thành tích rất quan trọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã có kế hoạch sẽ làm việc thường xuyên với TP, 1 năm cố gắng làm việc 4 lần, có thể do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chủ trì. Các buổi làm việc tập trung rà soát công việc hàng quý, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, đến nay tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM phục hồi nhanh, đồng bộ khá toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 7 tháng đầu năm tăng 7,7% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 282.965 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán và tăng 20,0% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, TP tập trung cao chương trình bình ổn thị trường. Ngành du lịch có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ. TPHCM đã khởi động nhiều hạ tầng giao thông quan trọng. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa – xã hội được triển khai theo kế hoạch; chương trình giảm nghèo bền vững, an sinh, đền ơn đáp nghĩa được đảm bảo tốt; hệ thống y tế được củng cố; an ninh quốc phòng trên địa bàn được giữ vững...
Đồng chí Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP)
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP quyết tâm đạt 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND TP đề ra từ đầu năm, kiên trì đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5%. Với tình hình hiện nay, nếu không biến động lớn, khả năng đạt mức tăng trưởng là 7%-7,2%.
Về thực hiện Thông báo số 122/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận giải quyết 16 nhóm việc, đến nay, TP đã cơ bản hoàn thành 13/16 nhóm việc (tỷ lệ 81,25%); đang triển khai 3/16 nhóm việc (tỷ lệ 18,75%).
Kiến nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện
Tại buổi làm việc, đại diện UBND TP kiến nghị 7 nội dung vướng mắc của TPHCM thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với việc tổ chức đấu thầu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần diện tích đất công nằm xen cài trong khu đất dự kiến tổ chức thực hiện đấu thầu; việc lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất trên khu đất là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về công tác quản lý nhà, đất, hiện nay TPHCM đang áp dụng mô hình quản lý tập trung một đầu mối quỹ nhà, đất thuộc đối tượng phải sắp xếp xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP (gọi tắt là nhà, đất 167) trong thời gian chờ phương án sắp xếp.
Nhận thấy việc quản lý các cơ sở nhà, đất 167 trên địa bàn TP thời gian qua gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách, đồng thời phát sinh chi phí thuê bảo vệ, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm. Do đó, TPHCM kiến nghị bổ sung vào Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, cho thuê tài sản công để khai thác nguồn lực tài chính công.
Tại buổi làm việc, UBND TP cũng kiến nghị một số nội dung liên quan về quỹ đất thanh toán cho các Hợp đồng BT. Đồng thời tháo gỡ các vướng mắc các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Trong đó có điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án; bố trí đủ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1.
Đối với việc bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ TP, UBND TP cho biết, theo tiến độ đã đề ra, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023; Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Đối tượng phục vụ của 3 dự án này chủ yếu là nhân dân các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và nhân dân các huyện vùng ven của TP. Do đó, việc sớm hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn đối với việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng, giảm áp lực lên các bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến cuối trong nội đô TP.
Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn cho 3 bệnh viện này gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 không đủ cân đối cho nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025. UBND TP kiến nghị Thủ tướng chính phủ xem xét chấp thuận bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn vốn nhà nước) giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn cho 3 bệnh viện cửa ngõ của TP với tổng nhu cầu là 4.500 tỷ đồng.
Liên quan đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, UBND TP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể đối với các hoạt động thuê dịch vụ hạ tầng thông tin như: dịch vụ thuê hệ thống máy chủ, dịch vụ thuê điện toán đám mây... cũng như các nội dung chi phục vụ chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp có thể áp dụng chi quỹ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số hiệu quả.