Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022):

Biết ơn những chiến sĩ Công an quên mình vì nhân dân Thành phố

Thứ Tư, 27/07/2022 12:06

|

(CATP) Hơn 14 ngàn cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân đã hy sinh vì Tổ quốc; hơn 5 nghìn thương binh... Riêng trong đại dịch Covid-19 vừa qua có 17 cán bộ chiến sĩ hy sinh, gần 10.000 người nghi, nhiễm Covid-19. Họ chấp nhận hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Góp phần trong số đó là những chiến sĩ Công an TPHCM đêm ngày tận tụy phục vụ nhân dân, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy, không ngại hy sinh để bảo vệ bình yên cho thành phố.

Tưởng nhớ những chiến sĩ Công an vũ trang

Trong chiến tranh chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc sau 1975, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã đóng góp nhiều chiến công hiển hách. Khi đó có nhiều đơn vị Công an vũ trang được biên chế cho các địa phương, các quân khu.

Tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm với Tiểu đoàn 214 Công an vũ trang thuộc Tỉnh đội Đắk Lắk trong chiến dịch giải phóng Campuchia (12-1979). Khi ấy Tiểu đoàn 214 đi phối thuộc với Trung đoàn 726 của Tỉnh đội Đắk Lắk trong chiến dịch giải phóng Campuchia - sau này về biên chế trong đội hình Sư đoàn 309. Tháng 3-1979, đơn vị chúng tôi (Trung đoàn 812, Sư đoàn 309) tiếp quản Pailin (khi đó là một huyện biên giới của tỉnh Battambang) từ Tiểu đoàn 214 Công an vũ trang. Pailin, Battambang là cái túi đựng tàn quân Pol Pot tháo chạy khi chúng ta giải phóng rất nhanh Campuchia trong vòng hơn 2 tuần lễ. Do vậy, đứng chân trên địa bàn chiến lược này, Tiểu đoàn 214 đã chiến đấu thật dũng cảm mới bảo vệ được địa bàn, trong điều kiện là Tiểu đoàn Công an vũ trang cơ động, trang bị hỏa lực rất hạn chế, tổn thất trong chiến đấu là chuyện có thể hiểu được.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Thiếu tướng Nguyễn Chí Dũng - nguyên Giám đốc CATP cùng các đồng chí trong Ban giám đốc CATP

Hôm đưa thương binh về Đội Điều trị 4 ở Battambang, tình cờ tôi quen được với Trần Thanh Cảnh khi ấy đang bị thương nặng ở hai chân, đang điều trị tại đây. Anh Cảnh kể lại những trận chiến không cân sức của Tiểu đoàn Công an vũ trang với tụi tàn quân Pol Pot, mới hiểu được sức chiến đấu của tiểu đoàn này dữ dội như thế nào. Thế rồi mấy chục năm sau, tình cờ đi Diễn Châu, Nghệ An, tôi gặp lại Trần Thanh Cảnh. Anh bị thương nặng 2 chân, cắt cụt 1 chân nhưng vẫn xài chân giả được. Điều kỳ diệu là giờ đây anh trở thành người sản xuất xe lăn cho thương binh rất nổi tiếng ở Diễn Châu, có cuộc sống khá giả. Cảnh lắp chân giả, cùng một cây tó, anh đi "biểu diễn" cho đồng đội xem, để chứng minh rằng mình tàn nhưng không phế!

Cũng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, hầu hết các Đồn biên phòng dọc biên giới đều có lực lượng Công an vũ trang trấn giữ. Những chiến công, những trận đánh ác liệt ở Đồn Biên phòng Hoa Lư (Bình Phước), Đồn 8 (giờ là Đồn Biên phòng Đắk Tiên)..., đều có máu của các chiến sĩ Công an vũ trang, với những trận đánh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc cực kỳ ác liệt.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tháng 3-1962, Bộ Công an thành lập 5 trung tâm tình báo ở miền Nam, trung tâm tại Sài Gòn là tổ A1. Tháng 7-1962, Bộ Công an chi viện đợt đầu gồm 160 cán bộ cho An ninh miền Nam, trong đó có 5 đồng chí được phân công về Ban bảo vệ an ninh Khu Sài Gòn - Gia Định (gọi chung là Ban An ninh T4 - ANT4. Đầu năm 1965, Tổ điệp báo A1 nhập vào Ban ANT4. Từ tháng 5-1965 đến 30-4-1975, giữa điệp trùng họng súng Mỹ - ngụy, các chiến sĩ ANT4 đã kiên trì bám trụ, chủ động tấn công địch, phá vụ nội gián ở văn phòng Thành đoàn, tiêu diệt tên Bộ trưởng chiến tranh tâm lý ngụy - Nguyễn Xuân Chữ, bảo vệ an toàn cho Wiefred Burchett, một nhà báo người Úc lặn lội sang thăm vùng giải phóng miền Nam... ANT4 đã chiến đấu không mệt mỏi trong điều kiện hết sức khó khăn vì địch tung cảnh sát dã chiến, biệt kích lùng sục, bố ráp hầm bí mật, bắt bớ cán bộ, giao liên, căn cứ phải di chuyển liên miên.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM tặng quà cho các Thương binh, thân nhân Liệt sĩ, người có công với Cách mạng

Tháng 1-1966, Phân đội An ninh vũ trang, ANT4 bảo vệ Khu ủy đã cùng bộ đội Củ Chi chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Văn Vân (được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978).

Chiến công của ANT4 rất hiển hách, bằng chứng là sau này có nhiều đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nhiều cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Lê Văn Lên, Phạm Minh Trung, Lê Văn Tăng, Nguyễn Minh Hoàng... và tất nhiên hàng trăm cán bộ chiến sĩ ANT4 hy sinh anh dũng là điều có thể hiểu được. Máu của họ càng tô thắm lá cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.

Công an TPHCM - chỗ dựa vững chắc của người dân

Hôm đi tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 ở Gò Vấp chung với lực lượng tuyến đầu, tôi hết sức ngạc nhiên sao rất ít các chiến sĩ công an đi tiêm. Hỏi ra mới biết gần như đa số các chiến sĩ công an đều đã mắc Covid-19. Theo nguyên tắc khi đó, phải 3 - 4 tháng sau họ mới được tiêm mũi 3. Đưa thông tin này, để cho thấy sự hy sinh của các chiến sĩ công an trong thời gian đại dịch hoành hành ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Các chiến sĩ công an đều cấm trại 100%, tất cả vì công tác phòng chống đại dịch. Có nhiều chiến sĩ công tác gần nhà nhưng nhiều tháng trời phải sống xa gia đình là chuyện bình thường.

Ngày 11-12-2021, tại TPHCM, Bộ Công an sơ kết phong trào thi đua đặc biệt "Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng chống dịch Covid-19 - Thanh bảo kiếm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội". Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lực lượng Công an TPHCM đã dũng cảm hy sinh, sẵn sàng lao vào tâm dịch.

Các Mẹ Việt Nam Anh hùng về dự lễ tri ân

Nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia chống dịch Covid-19 suốt nhiều tháng không về nhà, sẵn sàng xung phong tham gia chi viện cho các tỉnh, thành. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, toàn lực lượng đã có hơn 10.000 cán bộ chiến sĩ nghi mắc và mắc Covid-19. Trong đó, 17 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong phòng chống dịch Covid-19.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an TPHCM vững vàng trên tuyến đầu là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa vững chắc cho nhân dân, thể hiện truyền thống Anh hùng của lực lượng CAND vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì an ninh Tổ quốc.

"Mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND đã chu toàn bổn phận của mình theo chức năng nhiệm vụ được giao, trở thành chiến sĩ phòng chống dịch. Không ai do dự khi xung kích lao vào tâm dịch, không quản ngại khó khăn nguy hiểm. Trong đợt dịch vừa qua, đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ nhiễm bệnh, trong đó có 17 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên xúc động phát biểu tại hội nghị.

Ngay trong đại dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TPHCM, Báo Công an thành phố phối hợp Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị cùng toàn thể Công an 21 quận huyện và TP.Thủ Đức đã thực hiện một chương trình từ thiện rất lớn "Hạt gạo nghĩa tình", vận động và mang hơn 2.000 tấn gạo đến tận tay người dân, cùng với hàng tỷ đồng các thiết bị phòng chống dịch. Trong đại dịch, kiếm được nguồn tài trợ đã khó, tổ chức phân phối nguồn tài trợ đúng đối tượng càng khó hơn. Phó Chủ tịch UBNDTP Ngô Minh Châu phát biểu rằng, ông tận mắt chứng kiến gạo, thực phẩm của lực lượng Công an TPHCM đến tận tay người dân trong tâm dịch. Đó là hành trình đi từ trái tim đến trái tim của các chiến sĩ Công an TPHCM, có một phần góp sức của những người làm Báo CATP.

Từ thời chiến đến thời bình, khi cả nước lao đao trong cơn đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, người chiến sĩ Công an TPHCM chấp nhận gian khổ, hy sinh, vì bình yên của thành phố, vì hạnh phúc của nhân dân mà không một chút đắn đo, chần chừ.

Sự hy sinh cao cả của các thế hệ Công an TPHCM nói riêng và lực lượng công an nói chung đã tô thắm thêm truyền thống Anh hùng, xây đắp nên tượng đài "Vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân" - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh như vậy tại lễ tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ CAND nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).

Thiếu tướng Trần Đức Tài thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ đang điều trị tại các bệnh viện

Chiều 26-7, Đoàn công tác của Ban Giám đốc Công an TPHCM do Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc CATP làm Trưởng đoàn, đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ chiến sĩ (CBCS) đang điều trị tại Bệnh viện Công an Thành phố và Bệnh viện 30-4 nhân 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Thiếu tướng Trần Đức Tài động viên các đồng chí cán bộ Công an hưu trí yên tâm điều trị. Mong muốn khi khỏe mạnh các đồng chí tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho ngành và xã hội. Thay mặt Đảng ủy - BGĐ CATP, Thiếu tướng Trần Đức Tài trao những phần quà ý nghĩa động viên tinh thần các CBCS và công an hưu trí đang điều trị tại 2 bệnh viện.

Thiếu tướng Trần Đức Tài thăm, tặng quà y, bác sĩ và bệnh nhân là CBCS tại Bệnh viện 30-4

Làm việc với lãnh đạo Bệnh viện CATP, Thiếu tướng Trần Đức Tài yêu cầu cán bộ chiến sĩ, đội ngũ y bác sĩ đang công tác tại bệnh viện tiếp tục trau dồi chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ và tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành thực hiện công tác đảm bảo sức khỏe, phòng chống các dịch bệnh cho CBCS và nhân dân ngày càng tốt hơn.

Trang Anh

Bình luận (0)

Lên đầu trang