(CAO) Chiều 14/2, tại Hội nghị triển khai Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Các quận, huyện sớm xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh, trong đó xác định rõ mục tiêu, lộ trình và cách thức thực hiện phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trị hội nghị triển khai
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, qua hơn 2 năm triển khai Giai đoạn 1 của Đề án, thành phố đã đạt được nhiều kết quả, nhất là hình thành 4 cấu phần của Đề án (4 trung tâm trụ cột).
Những kết quả triển khai thí điểm tại quận 1 và quận 12 là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai giai đoạn 2 của Đề án là mở rộng ra tất cả các quận, huyện. Thành phố sẽ thành lập Hội đồng đánh giá kết quả thí điểm tại hai địa phương này một cách cụ thể để triển khai mở rộng hiệu quả.
Trong Đề án đô thị thông minh, TPHCM triển khai thí điểm tại quận 1 và quận 12, đến nay đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chia sẻ, hai đơn vị thí điểm có sự khác nhau nên đã triển khai với những mô hình, khai thác ưu thế riêng. Trong đó, nổi bật là quận 1 khai thác hệ thống camera để giải quyết tình hình an ninh trật tự, quận 12 ứng dụng GIS và ảnh viễn thám trong quản lý đô thị, đất đai, môi trường.
Tại quận 1, Trung tâm điều hành đô thị thông minh được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh gồm phòng cháy chữa cháy thông minh, quản lý đô thị thông minh, quản lý giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.
Đồng thời, quận 1 cũng triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “Tiếp nhận đăng ký không giấy” các lĩnh vực kinh tế, lao động, tư pháp, đô thị, nội vụ và dịch vụ trực tuyến đăng ký tuyển sinh đầu cấp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, số hóa dữ liệu, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố; triển khai hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, quận đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở Công an 10 phường trên địa bàn, kết nối về Trung tâm điều hành đô thị thông minh với 1.115 mắt camera và 128 đầu thu; đầu tư lắp đặt mới các camera quan sát tầm xa tại các vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự. Hệ thống này đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho Ban Chỉ huy thống nhất của quận trong công tác chỉ đạo điều hành xử lý các tình huống phát sinh trong các dịp lễ tết, sự kiện lớn...
Trong khi đó, nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép, UBND quận 12 đã xây dựng, triển khai ứng dụng ảnh viễn thám và GIS trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; sử dụng ảnh độ phân giải siêu cao từ vệ tinh kết hợp ứng dụng GIS để phân loại, tách đối tượng công trình xây dựng, đánh giá biến động của công trình xây dựng so với dữ liệu quy hoạch, so sánh biến động giữa hai thời điểm thu nhận ảnh.
Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu chia sẻ, qua triển khai thí điểm đề án trên địa bàn quận đã tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; các ứng dụng công nghệ thông tin do UBND quận triển khai được sự đánh giá cao từ UBND thành phố, các địa phương và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân dân.
Tuy nhiên, ông Lê Trương Hải Hiếu nhìn nhận, tiến độ một số dự án triển khai chậm so với kế hoạch do thủ tục, hồ sơ giải ngân dự án theo quy định khá nhiều. Một số cán bộ, công chức ít sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc…, còn phụ thuộc vào văn bản, hồ sơ giấy.
Ngoài ra, hạ tầng thiết bị như máy tính, máy chủ, bộ lưu điện tại trụ sở đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng. Việc nâng cấp, thay mới gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn.
Để thực hiện xây dựng đô thị thông minh tại các địa phương, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị tất cả các quận huyện phải hoàn thành Đề án trong tháng 3/2020 để Thành phố xem xét, phê duyệt.
Trong đó, cần sớm chọn đơn vị tư vấn, thành lập Ban điều hành Đề án địa phương; xây dựng kế hoạch tuyên truyền triển khai Đề án đến người dân. Để chính sách hiệu quả, phải lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Cùng với đó là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ triển khai Đề án.