Trại giam Vĩnh Quang ở xã Đạo Trù, Tam Đảo, Vĩnh Phúc những ngày này, gần 100 phạm nhân có tên trong danh sách xét đặc xá.
Là người Nigieria, phạm nhân Sylvester Zazy Nlemonwu đến thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang hơn 3 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phạm nhân này cho biết, anh ta mập hơn hồi mới bị bắt.
Khi bị bắt, Zazy lo lắng, nhớ quê hương, nhớ gia đình, lại không biết quãng đời sắp tới như thế nào, sẽ bị giam giữ ra sao. Tuy nhiên, khi về Trại giam Vĩnh Quang, Zazy thấy thoải mái và yên tâm vì cán bộ thân thiện, luôn tạo điều kiện cho phạm nhân cải tạo, học tập, làm lại cuộc đời.
Ngoài việc được học nghề, Sylvester Zazy Nlemonwu cho biết, ở đây món ăn hợp khẩu vị, cùng với đó họ còn được chăm sóc y tế rất tốt. Mỗi lần có trường hợp phạm nhân cấp cứu, cán bộ đều có mặt rất nhanh, chăm sóc chu đáo, ân cần.
Zazy bảo, ở trại, dù là người nước ngoài nhưng tuần nào cũng được nghe cán bộ nói chuyện thời sự, được tham gia các hoạt động dành cho phạm nhân như đọc sách báo, đọc truyện, văn nghệ...
“Tôi cảm ơn các cán bộ đã giúp tôi nhận ra rằng, dù ở đâu trên thế giới này đều phải lao động chân chính mới có thể sống yên ổn, an vui, mới không phải trả giá cho những lỗi lầm.
Nếu được đặc xá lần này, tôi sẽ cố gắng sử dụng tốt nghề mây tre đan mà tôi học được trong quá trình cải tạo để khi về nước lấy nó làm nghề thu nhập chính. Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở công ty và tôi trực tiếp đào tạo cho công nhân những kinh nghiệm mà tôi đã học được như: mây tre đan, khâu bóng”- Sylvester Zazy Nlemonwu chia sẻ thêm....
Các phạm nhân gọi điện về cho gia đình
Thượng tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, để việc xét duyệt được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, ngoài việc tuyên truyền, Ban Giám thị đã yêu cầu cán bộ quản giáo phụ trách đội tổ chức họp đội phạm nhân giới thiệu, bình xét và bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá năm 2021 chuyển lên hội đồng xem xét.
Tại tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Luật Đặc xá và Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, Tiểu ban chỉ đạo về đặc xá Công an tỉnh đã thẩm định hồ sơ, thống nhất đề nghị đặc xá 7 phạm nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Đây là những phạm nhân đã chấp hành từ 1/2 mức án trở lên, thực hiện tốt nội quy, tích cực cải tạo, học tập, lao động, được xếp loại cải tạo từ khá trở lên và đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác...
Theo đề nghị, thời gian giảm án tù nhiều nhất là 10 tháng và thấp nhất là 1 tháng 2 ngày. Trong thời gian chờ quyết định của Chủ tịch nước, Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức giáo dục, tư vấn cho phạm nhân trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả bước đầu việc triển khai Quyết định Đặc xá của Chủ tịch nước do Ban Chỉ đạo Đặc xá Bộ Công an tổ chức vào ngày 19/8, Thiếu tướng Hoàng Xuân Du, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết, để việc xét duyệt người đủ hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2021 bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, đúng với các quy định của pháp luật và tránh dư luận không tốt, Cục đã tham mưu cho Bộ Công an điện chỉ đạo cơ quan thi hành án Công an các tỉnh và trại giam, trại tạm giam rà soát các phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị để lập danh sách trích ngang là đối tượng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi, chỉ đạo hoặc các loại án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Qua rà soát đã có danh sách các phạm nhân thuộc diện trên, xin ý kiến các cơ quan chức năng xử lý…
Đối với các trường hợp đủ điều kiện được đặc xá đã được các tổ thẩm định liên ngành xét duyệt, Cục đã phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố rà soát lại địa chỉ thường trú của họ để kịp thời phát hiện các sai lệch về địa giới hành chính do sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính để đính chính kịp thời. Đồng thời rà soát, phát hiện những trường hợp khi tha ra có thể ảnh hưởng đến ANTT ở địa phương để báo cáo Thường trực Tư vấn đặc xá có chỉ đạo.
Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đặc xá Bộ Công an cho biết, đợt đặc xá lần này thực hiện trong điều rất đặc biệt, nhiều việc chưa có tiền lệ.
Các đợt đặc xá trước thường có kế hoạch từ đầu năm, nhưng năm nay tháng 6 mới có kế hoạch; 30/7 Chủ tịch nước công bố đặc xá và sẽ tổ chức đặc xá trước 2/9 nên thời gian rất gấp. Đặc biệt, do dịch COVID-19 nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, một số đoàn thẩm định về phải cách ly y tế.
Một điểm nữa là các đối tượng nằm trong các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo phải báo cáo Ban Chỉ đạo để xem xét, đối chiếu tiêu chuẩn.
Tại cuộc họp với Hội đồng Tư vấn đặc xá và lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan vào chiều 17/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tinh thần không được chủ quan, lơ là bất cứ khâu nào, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc công tác đặc xá và các quy định của pháp luật có liên quan.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác đặc xá tại Trại giam Ngọc Lý, Bắc Giang
Từ năm 2009 đến 2016, Nhà nước ta đã thực hiện 7 đợt đặc xá (riêng năm 2009 có 2 đợt) nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá cho 87.111 người (85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù); tỷ lệ tái phạm rất ít, chỉ có 1,18% người được đặc xá tái phạm.
Hiện nay, các trại giam ở Việt Nam đang giam giữ khoảng 600 phạm nhân có quốc tịch nước ngoài bao gồm 28 quốc tịch và một số không xác định được quốc tịch. Những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài cũng được đối xử bình đẳng như các phạm nhân có quốc tịch Việt Nam trong đợt đặc xá lần này nếu đủ điều kiện.