Giải pháp sáng tạo
Từ kinh nghiệm của việc thực hiện chương trình huy động nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu hỗ trợ cho hơn 10.000 hộ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM, theo từng combo hàng hóa thiết yếu, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thí điểm chương trình bán nông sản đồng giá theo túi 10kg, với 5 loại khác nhau có giá 100.000 đồng.
Theo ông Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Kinh tế hợp tác, thành viên Tổ công tác 970 - hình thức bán nông sản theo túi (combo) là sáng tạo mới, để cung ứng hàng hóa thiết yếu dễ dàng cho người dân.
Đây là combo giá rẻ, vì các mặt hàng nông sản được chọn là những loại mà nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đa số là hàng hóa dễ vận chuyển, ít hư hỏng như khoai lang, khoai môn, mướp, đậu bắp, dưa leo, củ cải trắng... và một số loại trái cây ít bị hỏng khi vận chuyển. Chỉ sau 2 ngày thí điểm, Tổ công tác 970 đã tiêu thụ thành công 3.700 túi, với gần 40 tấn nông sản, trong khi vẫn còn rất nhiều đơn đặt hàng.
Cách bán hàng như vậy một mặt giúp người nông dân sản xuất có đầu ra, vừa giúp người tiêu dùng tại TPHCM mua được nông sản với giá hợp lý, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Mô hình này rất tiện lợi, hữu dụng, thực hiện được giãn cách xã hội nghiêm ngặt, phòng dịch tốt vì không có sự giao tiếp với khách hàng trực tiếp.
Theo hạch toán chi phí của Tổ công tác 970, giá mua nông sản tại vùng sản xuất bình quân là 6.000 đồng/kg, còn lại là các chi phí khác như thu mua, đóng gói, vận chuyển lên, thuê kho và chi phí lưu thông đến tay người tiêu dùng.
Nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tổ chức hình thức tương tự, như kết nối combo nông sản tỉnh Vĩnh Long, có 2 loại combo với giá 75.000 đồng và 100.000 đồng có thể cung cấp số lượng lớn cho thị trường TPHCM dễ dàng. Đây là đơn vị có giá combo nông sản rẻ nhất, bán rất chạy.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh của người tiêu dùng TPHCM trong thời gian giãn cách, Tổ 970 thiết kế những combo có giá trị cao hơn, với túi nông sản 10kg với giá 100.000 đồng, gồm: khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, khóm, chanh, củi cải trắng, dưa leo. Hoặc xây dựng túi 10kg/túi loại giá 150.000 đồng gồm rau ăn củ, rau ăn lá, gạo và trứng; 200.000 với nhiều loại rau, củ, quả khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn.
Hiện Tổ công tác 970 đang triển khai đại trà để cung ứng hàng hóa cho TPHCM.
Các túi combo nông sản giúp người dân yên tâm chống dịch
Triển khai chương trình túi an sinh combo nông sản
Nhằm hỗ trợ việc cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân TPHCM trong thời gian thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, vừa duy trì hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân đang bị dồn ứ ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành khác, Tổ công tác 970 vừa có công văn đề nghị UBND TPHCM phối hợp thực hiện chương trình túi an sinh combo nông sản. Công văn do ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPH&NT, Tổ tưởng Tổ công tác 970 ký ngày 24-8.
Theo công văn này, thời gian qua, Tổ công tác 970 đã thực hiện kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhiều tỉnh, thành phố Nam bộ. Đến nay đã có trên 1.250 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký, sản phẩm cung cấp rất đa dạng về chủng loại như: thủy hải sản, rau củ quả các loại, trái cây các loại; trứng và thịt; lương thực; nông sản chế biến và thực phẩm thiết yếu khác. Tổ công tác 970 cũng đã thí điểm chương trình túi an sinh kết hợp 5 loại nông sản, tổng trọng lượng 10kg/túi (combo 10kg/túi).
Chương trình gồm 3 gói chính: Combo bình dân giá 100.000 đồng/túi 10kg gồm các loại rau ăn củ; combo trung bình giá 150.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá và trứng; combo trị giá cao hơn giá 200.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá, gạo và trứng. Ngoài ra, còn nhiều combo kết hợp thủy hải sản, thịt các loại và trứng..., rất đa dạng để người tiêu dùng có thể lựa chọn dễ dàng.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đến nay chương trình "Combo 10kg/túi" đã xây dựng được mạng lưới các nhà kho nhận hàng và có khả năng cung cấp cho TPHCM từ 80.000 - 100.000 túi lương thực, thực phẩm/ngày (có khối lượng khoảng 800 - 1.000 tấn/ngày). Công văn nêu rõ: Nếu được các cơ quan chức năng hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cung cấp của chương trình này lên khoảng 120.000 - 130.000 túi/ngày, (tương đương khoảng 1.200 - 1.300 tấn sản phẩm/ngày).
Cũng theo Tổ công tác 970, khả năng cung cấp hàng hóa của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho TPHCM có thể lên đến 4.549 tấn/ngày và khả năng phân phối của các đầu mối đăng ký bán hàng theo combo 10kg/túi lên đến 1.535 tấn/ngày, nếu được hỗ trợ vận chuyển hàng từ người bán đến người mua.
Công văn cũng đề cập đến lợi ích của phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu này sẽ góp phần rất lớn để giảm ùn ứ nông sản cho nông dân ở các tỉnh, đồng thời giúp người tiêu dùng ở TPHCM được tiếp cận gói combo nông sản giá bình dân, lại đảm bảo an toàn phòng dịch. Công văn đề nghị UBND TPHCM ưu tiên triển khai mô hình "Combo 10kg/túi" nông sản tại TPHCM như một hình thức "túi an sinh nông sản giá rẻ”.
Bộ NN&PTNT, Tổ công tác 970 đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương thành phố thí điểm triển khai mô hình "Combo 10kg/túi" theo hình thức cho phép các doanh nghiệp đăng ký địa điểm giao nhận hàng hóa đủ điều kiện phòng chống dịch; người mua và người bán "tự mua - bán - thanh toán" trực tiếp. Ưu tiên cấp phép cho phương tiện của doanh nghiệp thí điểm mô hình "Combo 10kg/túi" được vận chuyển hàng hóa đến nơi tập trung người mua, hoặc hỗ trợ xe của cơ quan Nhà nước đến chuyển combo từ người bán đến người mua.
Tổ Công tác 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản
Theo chủ trương của Chính phủ, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã tổ chức hỗ trợ kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng từ 200 - 400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản, các loại rau gia vị, hàng rau củ quả. Theo báo cáo ban đầu của các tỉnh, trung bình có 30 đơn vị/ngày/tỉnh bán hàng thành công nhờ sự kết nối thông tin từ Tổ công tác 970.
Tính đến ngày 24-8 đã có gần 2.000 đầu mối là các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, các trang trại, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các chợ, các doanh nghiệp... với số lượng hàng ngàn tấn hàng, rất phong phú, đủ chủng loại.
Địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp nhiều đơn vị, cá nhân kết nối cung cầu, giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản. Hiện đã có gần 1.400 đơn vị đăng ký sử dụng trang web này, trong đó có các chợ đầu mối ở TPHCM như Bình Điền. Hiện mỗi ngày, Tổ công tác đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng từ 200 - 400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản, các loại rau gia vị, hàng rau củ quả.
Theo Tổ Công tác 970 dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ thông qua Tổ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TPHCM được hoạt động trở lại, trong đó, nhiều tiểu thương đã liên hệ các đầu mối đặt hàng, trong đó có tiểu thương của chợ đầu mối Bình Điền. Dự kiến hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng nhanh trong những ngày TPHCM thực hiện giãn cách nghiêm ngặt.
An toàn phòng dịch
TPHCM bước vào ngày thứ 2 giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Cũng là ngày đầu tiên bộ đội và dân quân, các đoàn thể thực hiện việc "đi chợ giúp dân". Quy trình để người dân mua hàng khá phức tạp. Theo đó, từ 7 giờ - 7 giờ 30 mỗi ngày, đại diện các siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm sẽ gửi danh mục hàng hóa có trong ngày đến phường, danh mục này đã niêm yết sẵn giá.
Phường chuyển danh mục đó xuống từng hội nhóm mạng xã hội ở khu phố. Người dân có nhu cầu mua hàng, viết danh sách hàng hóa cần mua gửi lên nhóm, kèm theo tên, địa chỉ, số điện thoại. Đơn hàng được phường tiếp nhận và chuyển đến các cửa hàng để nhân viên siêu thị soạn hàng, đóng gói. Sau đó đội hậu cần sẽ đến tận nơi để nhận, trả tiền cho phía siêu thị rồi giao đến tận nhà dân, người dân trả tiền... Hình thức mua hàng như vậy là tiếp xúc trực tiếp và cũng rất khó đáp ứng nhu cầu cho người dân trong 2 tuần giãn cách.
Trong khi đó, với hình thức mua gián tiếp các gói an sinh nông sản, hàng thực phẩm giá rẻ qua các combo hàng hóa có tính an toàn phòng dịch hơn. Đặc biệt với phương thức cung ứng này, giúp người mua và người bán combo tự liên lạc mua - bán - thanh toán trực tiếp với nhau thông qua ứng dụng mạng xã hội sẵn có như Zalo, Facebook, email... Cũng với phương thức này, sẽ giúp TPHCM giảm áp lực của lực lượng chức năng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu tới người dân trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội, ít nhất cũng đáp ứng nhu cầu nông sản, thịt gia cầm, trứng, thủy hải sản...