Tuy nhiên, cây "cầu" này có bền vững hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự tương tác, chịu tương tác của đại biểu với báo chí. "Mở lòng" với báo chí không chỉ giúp đại biểu xây dựng quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri mà còn nâng cao vị thế, hình ảnh của họ trong lòng công chúng.
TỪ CẦU NỐI…
Hoạt động nghị trường luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Phát ngôn của Quốc hội, của từng ĐBQH được người dân, cử tri quan tâm, theo dõi, phân tích, tranh luận theo nhiều góc độ khác nhau. Không chỉ thông tin từ phiên họp chính thức, những trao đổi bên hành lang kỳ họp về các vấn đề nóng của đất nước, được dư luận quan tâm cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Góp phần lan toả các hoạt động này có vai trò không nhỏ của báo chí.
Trong nhiều năm tham gia Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) luôn "bị" báo chí đeo bám, bởi những phân tích sắc sảo, bởi thái độ thẳng thắn của ông ở cả trong và ngoài hành lang Quốc hội. Tự ứng cử và trúng cử ĐBQH khoá XV, ông Nghĩa là một trong nhiều đại biểu dân cử được báo chí đón chờ trong lần quay trở lại tới.
Chia sẻ với phóng viên Báo CATP về mối quan hệ giữa báo chí và ĐBQH, ông Nghĩa cho rằng, báo chí là kênh thông tin quan trọng về cử tri, về cuộc sống, về những thuận lợi, khó khăn, bức xúc của những người mà mình đại diện. Qua báo chí, ông Nghĩa hiểu về xã hội, về người dân theo các góc độ khác nhau.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trong một lần "đụng" báo chí bên hành lang Quốc hội
"Không ai có thể biết hết về cuộc sống của cử tri, của nhân dân, do đó báo chí là kênh thông tin cực kỳ phong phú, kịp thời và bổ ích" - ông Nghĩa nhìn nhận.
Để làm tốt nhiệm vụ đại biểu dân cử, đại biểu Nghĩa tâm sự, ông đọc báo hàng ngày và đọc rất nhiều báo, để lấy thông tin kịp thời và chính xác, để học hỏi kiến thức, để thu thập những luồng ý kiến khác nhau, từ đó hình thành nhận thức, đánh giá, luận cứ về những vấn đề mà Quốc hội đang thảo luận hay cần phải nêu lên để có sự quan tâm giải quyết.
Điểm thuận lợi trong mối quan hệ giữa báo chí và ĐBQH được vị luật sư chỉ ra là hai bên luôn có sự nhất trí cơ bản về mục đích và nguyên tắc trao đổi thông tin, nghĩa là phải có động cơ trong sáng, phải khách quan, trung thực, vô tư và trên hết là phải nhằm mục đích xây dựng xã hội tốt hơn, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.
"Sự nhất trí cơ bản này giúp cho quan hệ giữa ĐBQH và báo chí gắn bó rất mật thiết, cần nhau, dựa vào nhau" - luật sư Nghĩa bình luận.
Chung góc nhìn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận xét, mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với báo chí là mối quan hệ khăng khít, hữu cơ, có tác động qua lại với nhau. "Báo chí cần đại biểu và đại biểu cũng cần báo chí" - ông Hòa thẳng thắn.
Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với các phóng viên nghị trường
Làm rõ hơn quan điểm của mình, đại biểu của Đồng Tháp phân tích: "Báo chí cần đại biểu để thông tin những vấn đề mà đại biểu hiểu biết, những vấn đề trong nghị trường cũng như những vấn đề mà cử tri quan tâm. Ngược lại, đại biểu qua báo chí để truyền đạt những suy nghĩ của mình cũng như hoạt động của đại biểu tại nghị trường".
Không chỉ thế, để tạo dựng hình ảnh người đại biểu, đại biểu Hòa nhấn mạnh, không thể thiếu vai trò của báo chí.
ĐẾN MỐI QUAN HÊ ĐỒNG HÀNH, TIN CẬY
Về lý là như vậy, nhưng thực tế mối quan hệ giữa báo chí và ĐBQH cũng gặp những trở ngại nhất định. Hiện tượng ĐBQH "ngại" tiếp xúc, né tránh, không sẵn sàng tương tác với báo chí vẫn xảy ra nhiều. Lý do, từng được nêu ra trong một hội thảo do Văn phòng Quốc hội tổ chức, là bởi ĐBQH không có quan điểm rõ ràng, thiếu kỹ năng. Còn "lỗi" của báo chí là phản ánh chưa khách quan, truyền tải không hết ý kiến, tâm tư của đại biểu. Đây cũng là nguyên nhân mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề cập đến.
"Không phải phóng viên nào cũng có tay nghề vững, cũng biết cách tác nghiệp ở môi trường Quốc hội, cũng có kinh nghiệm làm việc với ĐBQH. Nhiều lúc sau khi báo đăng mới thấy ý của mình không phải như vậy, câu chữ mình dùng không phải như vậy, cái tít rút gây hiểu lầm động cơ hay ý định của đại biểu được phỏng vấn" - ông Nghĩa than phiền.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trong một lần trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội
Còn ở phía đại biểu, vị luật sư nêu khá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc có đại biểu phải "đóng nhiều vai". "Rất nhiều đại biểu đang là lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Những chủ trương quan trọng nhất, những vấn đề nóng bỏng nhất là những điều thuộc phạm vi phụ trách của họ, những việc mà họ đang xử lý, đang chịu trách nhiệm, nếu "nói không khéo" lại làm cho dư luận "dậy sóng", hay nói nhưng chưa làm được thì bị dư luận đeo bám, nhắc nhở, thậm chí phê phán" - ông Nghĩa lý giải.
Theo đại biểu của TPHCM, dù trả lời hay không thì họ cũng phải giải quyết những việc, vấn đề mà báo chí đặt ra nên nhiều khi họ lựa chọn không nói gì hoặc chờ giải quyết ổn thỏa rồi mới nói. Ở những đại biểu này, khi phát biểu, họ đều phải cân nhắc về phản ứng của dư luận, về ảnh hưởng trong quan hệ công tác của ngành, của tỉnh, của cá nhân mình.
Thông cảm với sự "im lặng" đó, song ông Nghĩa khẳng định quan điểm nhất quán của một đại biểu dân cử là đã được dân bầu thì phải làm tốt vai trò đại biểu. "Muốn làm tốt vai trò, chức trách đại biểu Quốc hội mà không có quan hệ thường xuyên, hợp tác và xây dựng với báo chí thì bỏ mất một kênh thông tin phản ánh nhanh chóng, đa chiều và xác thực diễn biến tâm tư, nguyện vọng và đời sống của cử tri, những người đã bầu mình lên để đại diện cho quyền lực và lợi ích của họ" - ông Nghĩa tâm niệm.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa nói, đã là đại biểu dân cử thì phải làm tròn trách nhiệm với cử tri. Tiếp cận báo chí, theo ông Hòa, cũng là cách thể hiện trách nhiệm đó, khi đại biểu chủ động thông tin tới cử tri về những việc mình làm, về những lời mình đã hứa khi ứng cử.
Từ tâm lý bản thân khi trở thành đại biểu của dân, đại biểu Hòa chia sẻ: "Mới đầu tham gia Quốc hội tôi cũng rất ngại. Kỳ 1, kỳ 2 rất ngại tiếp xúc với báo chí. Ngại là mình không biết nói có đúng hay không, ngại bị rày, bị la nhưng sau đó tôi thấy mình cần phải trả lời những vấn đề xã hội quan tâm". Kể từ khi nhận thức về việc nên làm, đại biểu Hòa trở thành "nhân vật hành lang" được báo chí săn đón trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội. Giống như đại biểu Nghĩa, sự tín nhiệm của cử tri lần nữa đưa ông Hòa trở lại nghị trường vào khóa tới.
"Chưa khi nào tôi bị rày, bị la dù tôi trả lời báo chí rất nhiều, cả những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề tiêu cực của xã hội. Tất nhiên cũng có những việc mình động chạm đến cơ quan, đơn vị này khác thì người ta không được vui, mình bị "méc", nhưng thủ trưởng cũng không nói gì. Vì mình nói đúng mà" - đại biểu Hòa tự tin.
Nghĩ đúng, làm đúng chức trách, phận sự là tác nhân quan trọng để cả hai bên, báo chí và đại biểu, vượt qua các rào cản để trở thành "đối tác" của nhau. Và tiền đề xác lập một mối quan hệ đồng hành, tin cậy chính là sự chân thành, là khi cả hai cùng biết tôn trọng nhau, tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải.