Xây dựng cơ sở phường, xã là những "pháo đài" về an ninh trật tự

Thứ Tư, 21/06/2023 10:16  | Hải Triều

|

(CATP) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh mục tiêu này khi nói về sự cần thiết của việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Yêu cầu thực tiễn

Trong phiên họp hôm qua (20/6), Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thay mặt Chính phủ, trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (TGBVANTT) ở cơ sở.

Dự luật, theo Chính phủ, được xây dựng dựa trên yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Cụ thể, trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến ANTT diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngày càng nặng nề hơn, Chính phủ cho biết, việc bố trí, sử dụng lực lượng TGBVANTT ở cơ sở để hỗ trợ lực lượng công an thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực và hiệu quả trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Song song với yêu cầu từ thực tiễn, dự luật ra đời nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Theo đó, hoạt động của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở có tác động trực tiếp đền quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải do luật định. Vì lẽ này, luật được xây dựng nhằm điều chỉnh hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở sẽ vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại tổ

Mặt khác, dự luật cũng cụ thể hóa quy định tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013 về nghĩa vụ TGBVANTT của công dân.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới thông tin, Ủy ban này nhận thấy, việc ban hành luật là cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú... diễn ra khá phổ biến. Đáng chú ý, đa số các vụ, việc có liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.

Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở như dự thảo Luật, đồng thời tán thành với các tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng TGBVANTT ở cơ sở tại Điều 4, gắn với quy định thẩm tra hồ sơ, bầu vào Tổ bảo vệ ANTT tại Điều 13...

Giải quyết phát sinh từ cơ sở

Thảo luận tại tổ sau đó về dự luật, đại biểu Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) nhận định, luật được ban hành sẽ tạo điều kiện hành lang pháp lý cho lực lượng này hoạt động hiệu quả.

"Thực chất lực lượng TGBVANTT có 3 lực lượng, thực hiện nhiệm vụ theo các luật, pháp lệnh, nghị định khác nhau. Do đó, đây thực chất là sắp xếp, bố trí theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lực lượng, tạo cơ sở pháp lý để lực lượng hoạt động đi vào thực chất, hiệu quả, cũng như bảo đảm chính sách cho lực lượng này" - đại biểu Chương phân tích.

Qua thực tiễn ở các địa phương, ông Chương chỉ ra, lực lượng này được bố trí linh hoạt, đảm bảo giữ vững ANTT ở cơ sở. "Trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là để đấu tranh với những đối tượng chống đối cực đoan, lực lượng ANTT ở cơ sở hoạt động hết sức linh hoạt" - đại biểu của Hải Phòng nói thêm.

Thống nhất quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng đa số vụ việc về ANTT xảy ra từ cơ sở và để ngăn chặn, không để diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng thì phải có lực lượng kịp thời giải quyết ngay từ đầu.

Toàn cảnh phiên họp

"Lực lượng công an xã chính quy chỉ 5 đến 6 người nên không dựa thêm vào lực lượng bán chuyên trách, tổ dân phố, dân phòng thì khó nắm hết tình hình, bị động. Do đó việc xây dựng luật này là rất cần thiết từ căn cứ pháp lý, thực tiễn" - ông Thắng phản ánh.

Cung cấp thêm thông tin tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, mọi người dân đều được hưởng hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe dọa, không ai bị ảnh hưởng. Xã, phường nào cũng tốt thì quận, huyện tốt, tỉnh tốt, cả quốc gia tốt.

Đại tướng Tô Lâm cũng lưu ý, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có điểm mới là quan tâm an ninh, an toàn không phải chỉ an ninh quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự bền vững của chế độ mà an ninh, an toàn đến cá nhân từng con người. "Chúng tôi triển khai Trung ương phải làm gì, tỉnh làm gì, huyện, xã làm gì. Xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng. Mục tiêu xây dựng cơ sở phường, xã là những pháo đài về an ninh trật tự, là nơi được bảo đảm an ninh, an toàn nhất" - Bộ trưởng nêu rõ.

Khẳng định việc xây dựng những phường, xã không tội phạm, không ma tuý là mục tiêu rất lớn, Đại tướng Tô Lâm nói: "Tội phạm ngay ở xã, phường, có gì mầm mống dân ta biết. Rất dở là dân biết mà chính quyền, công an không biết, và dở hơn khi biết mà không giải quyết. Trăm thứ việc đều ở phường, xã”.

Vì công việc nhiều như vậy, mà cơ cấu công an là không đủ, nên Bộ trưởng nói, rất cần sự tham gia của lực lượng trị an cơ sở, nhất là vai trò tham gia của nhân dân. Nêu rõ bản chất công tác công an là công tác dân vận, đại tướng Tô Lâm cho rằng việc này với dân, với cơ sở lại càng rõ.

"Tôi thường nói anh em công an chính quy xuống xã là vận động, tập hợp lực lượng, đưa các phong trào thi đua yêu nước với các phong trào khác. Anh phải giải thích, tuyên truyền đường lối chủ trương, pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật. Khi người dân tin, tín nhiệm anh rồi thì mới tính chuyện khác được. Đấy chính là phòng ngừa tội phạm" - Bộ trưởng chia sẻ và chỉ ra, sự tham gia của lực lượng trị an ở cơ sở như cánh tay nối dài, làm tốt hơn công tác dân vận.

Trước băn khoăn của đại biểu về kinh phí ngân sách, Bộ trưởng Tô Lâm tin tưởng không có gì trở ngại, nhất là khi người dân thấy được lợi ích sát sườn. "Nhiều nơi nói muốn ổn định để phát triển, không ổn định thì không có thời gian đâu mà bàn dự án, phát triển kinh tế - xã hội" - Bộ trưởng phản ánh.

Hơn nữa, trước đây ngân sách của tỉnh chi hết thì giờ chức danh trưởng công an xã do Bộ Công an lo. Trụ sở cũng dùng ở trụ sở chính quyền, trụ sở công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng chứ không có trụ sở riêng. Trang bị công cụ hỗ trợ là chính thì Bộ cũng chịu trách nhiệm. Do đó, Bộ trưởng khẳng định, kinh phí không phải gánh nặng lớn cho các địa phương.

"Nhiều tỉnh nói sẽ bảo đảm được hết, thậm chí đầu tư cho công an chính quy nữa, chứ không chỉ lực lượng trị an cơ sở" - Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉnh quyền các cấp và của ngành Công an, lực lượng TGBVANTT ở cơ sở trên cả nước đã từng bước được củng cổ, kiện toàn.

Đến nay, đã thành lập được 2.060 ban bảo vệ dân phố, 16.182 tổ bảo vệ dân phố, với tổng sổ 66.723 thành viên (được hưởng phụ cấp hằng tháng).

Toàn quốc có 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 (được hưởng phụ cấp hằng tháng).

Ngoài ra, đã thành lập được 79.672 đội dân phòng; trong đó, có 808.118 đội viên đội dân phòng (được hưởng bồi dưỡng khi tham gia huấn luyện, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ), 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng (được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng).

Khi tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh này để bố trí ở địa bàn thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bao gồm các chức danh tổ trưởng, tổ phó và tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng TGBVANTT ở cơ sở là khoảng 300.000 người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang