TP.Hồ Chí Minh:

Xây dựng từng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro Covid-19 các ngành nghề

Thứ Tư, 15/04/2020 21:33  | A. Quân

|

(CAO) Chiều tối nay 15/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi giao ban tại điểm cầu Thành ủy; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì tại điểm cầu UBND TP.

Báo cáo tại cuộc giao ban cho biết, tổng số trường hợp COVID-19 của TP là 54 ca, trong đó 46 ca đã xuất viện, 8 ca đang tiếp tục điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định.

Riêng Bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCH, hiện tại, bệnh nhân không sốt, mạch 84l/p, HADM 117/69 mmHg, số lượng nước tiểu 1100ml/ 24g, rối loạn đông máu tạm ổn; kết quả xét nghiệm PCR ngày 14/4; phết mũi họng và BAL: dương tính, diễn tiến khá hơn những ngày trước.

Số trường hợp nghi ngờ trong ngày: có 02 trường hợp đã lấy mẫu và đang đợi kết quả.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp

 Theo báo cáo từ 24 quận/huyện, đến ngày 14/4 đã có 6.292 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiến hành tự đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp.

Kết quả, có 3.727 doanh nghiệp (59,2%) tự đánh giá mức rất ít rủi ro lây nhiễm (chỉ số CRLN <10%); 2.483 doanh nghiệp (39,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chỉ số CRLN 10-30%); 77 doanh nghiệp (1,2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chỉ số CRLN 30-50%); 05 doanh nghiệp (0,1%) có mức rủi ro lây nhiễm cao (chỉ số CRLN 50-80%); Không có doanh nghiệp nào tự đánh giá có mức rủi ro lây nhiễm rất cao (chỉ số CRLN 80-100%)

Tại cuộc họp, các ý kiến đề xuất Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành (giáo dục, du lịch, công thương, giao thông,…) xây dựng các bộ tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực phụ trách để chủ động ứng phó dịch bệnh, từ đó xây dựng quy tắc ứng xử mới tương ứng những chuẩn mực mới để luôn chủ động ứng phó và kiểm soát tốt đối với dịch COVID-19 và cả các dịch bệnh khác.

Từ các kết quả xét nghiệm tầm soát có mục tiêu trên nhóm nguy cơ trong cộng đồng, cần xây dựng kế hoạch phòng chống dịch phù hợp trong giai đoạn mới có tính lâu dài...

Sau khi nghe các sở ngành, quận huyện báo cáo, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chủ động của ngành Y tế trong triển khai kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ TP, nhà ga, sân bay..., nên coi đây là giải pháp lâu dài trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện đánh giá Bộ chỉ số rủi ro lây nhiêm đối với doanh nghiệp qua mạng; phối hợp với các nhà mạng viễn thông hoàn thiện các phương án kỹ thuật triển khai giám sát mật độ thuê bao tại các khu vực cộng đồng, trước mắt có thể thí điểm tại một số quận trung tâm.

Sở Y tế chỉ đạo việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về dịch Covid-19 đối với các bệnh viện trên địa bàn TP, để tránh khả năng lây nhiễm trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục và các ngành khác cũng cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá riêng, hoàn thành trước 30/4/2020 và bắt đầu triển khai đánh giá từ đầu tháng 5 để sớm ổn định lại đời sống cũng như các hoạt động khác.

Tiếp tục giám sát việc thực hiện quy định về cách ly xã hội, phòng chống dịch trên địa bàn TP. Trong đó, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; lưu ý tại các địa điểm như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống…

Tại đầu cầu UBND TP, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và một số địa phương có nguy cơ cao đến ít nhất là ngày 22/4/2020. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND TP có liên quan trước đó.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố yêu cầu tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về chỉ đạo 6 điều cần làm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và 12 việc cần làm ngay của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong để hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Các khách sạn, homestay, các cơ sở lưu trú… trên địa bàn vẫn tiếp tục ngừng nhận khách cho đến khi có chỉ đạo mới.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố tích cực tuyên truyền để người dân yên tâm và không tích trữ lương thực, thực phẩm. Thành phố hiện có hơn 1.400 điểm bán khẩu trang và 2.610 điểm bán lương thực, thực phẩm… với nguồn hàng dồi dào để phục vụ nhu cầu của người dân trong bất cứ tình huống nào xảy ra.

Giao Sở Giáo dục phối hợp với Sở Y tế xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong các trường học để khẩn trương trình UBND thành phố. Trong quá trình xây dựng, cần lấy ý kiến các trường và cơ sở giáo dục. Đồng thời, các ngành, cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn… cũng cần xây dựng Bộ tiêu chí riêng.

Sở Giáo dục nghiên cứu và tham mưu cho UBND về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên trên địa bàn.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với quận Bình Tân tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục mức độ rủi ro tại Công ty TNHH PouYen Việt Nam trước khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại. Nếu Công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch thì tiếp tục dừng sản xuất...

Bình luận (0)

Lên đầu trang