(CAO) Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 14, một câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra là trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc đề bạt, luân chuyển cán bộ liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) chất vấn: “Tôi hỏi nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh từ tặng thưởng Huân chương đến đề bạt, bổ nhiệm về Hậu Giang. Trách nhiệm của Bộ như thế nào? Thứ hai là có bao nhiêu văn bản luân chuyển kiểu Trịnh Xuân Thanh, hiện nay có bao nhiêu trường hợp tương tự, Bộ có nắm được và có giải pháp ngăn chặn không?”.
Do hết thời gian theo quy định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Nội vụ trả lời bổ sung vấn đề này bằng văn bản. Còn đại biểu Lê Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) chất vấn về việc một Thứ trưởng của Bộ Xây dựng can thiệp để “sân sau” tham gia vào làm đường. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Xây dựng trả lời và công khai để các đại biểu Quốc hội và toàn dân biết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên chất vấn
Đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với các sai phạm nghiêm trọng của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Quốc hội nghiêm khắc phê phán và cũng nhận trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát và ban hành các văn bản pháp luật làm cơ sở xử lý những vụ việc tương tự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sai phạm. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc xử lý cán bộ sai phạm trong thực thi công vụ khi về hưu mới phát hiện sai phạm”.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý và xây dựng đội ngũ công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn nhận trách nhiệm về những thiếu sót trong công tác cán bộ, đồng thời cho biết trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với những cơ quan liên quan, nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để kiện toàn hệ thống quy định về công tác cán bộ. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập...
Về tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu sửa đổi một số quy định để các bộ ngành, địa phương có cơ sở thực hiện theo hướng xây dựng bộ máy tinh gọn, giảm cấp trung gian; đẩy mạnh tinh giản biên chế, vì kết quả thực hiện tinh giản biên chế được được coi là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cơ quan; đặc biệt đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về đề án tiền lương, Bộ trưởng thừa nhận còn nhiều bất hợp lý: “Do nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nên việc triển khai các giải pháp tạo nguồn, đổi mới về cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính đang triển khai chưa có kết quả như mong muốn nên khó bố trí nguồn tài chính để cải cách tiền lương.
Trong thời gian này không bổ sung các phụ cấp đặc thù theo ngành và căn cứ tình hình thực tế xã hội, khả năng ngân sách của nhà nước Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cơ quan liên quan báo cáo với Quốc hội xem xét điều chỉnh tiền lương theo Kết luận 63, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 11”.