(CAO) Xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là để điều chỉnh hành vi và nhận thức về luật pháp, nếu không như thế thì dù có ra hàng kho luật cũng không khiến người dân tôn trọng pháp luật.
Trưởng ban Tuyên giáo TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TPHCM) nêu quan điểm khi thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong phiên thảo luận tổ sáng 10/6.
“Xử phạt VPHC không phải là để khai thác nguồn thu mà để điều chỉnh hành vi và nhận thức về luật pháp” – đại biểu Khuê bắt đầu phần thảo luận.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê thảo luận tại tổ sáng 10/6
Theo ông Khuê, nếu không có các hình thức chế tài đúng mức và không đi đúng mục tiêu là nâng cao nhận thức và tự điều chỉnh hành vi, tôn trọng pháp luật thì dù có ra hàng kho luật vẫn luôn gặp khó khăn.
“Có điều rất lạ, nhiều người ra nước ngoài rất ngoan ngoãn, chấp hành pháp luật nghiêm, không hút thuốc nơi công cộng, hành xử có văn hoá…, nhưng khi trở về trong nước lại cư xử rất khác” - đại biểu Khuê phản ánh và cho rằng, ở nước ngoài hình thức chế tài rất nặng để uốn nắn nhận thức, chứ không phải “dùng đồng tiền thay thế cho nhận thức pháp luật”.
Tán thành việc cần thiết phải tăng mức hình phạt tối đa ở một số lĩnh vực, ông Khuê lưu ý, nếu không thì người bị xử phạt chỉ coi đó là hình thức “phủi bụi”.
Nêu một tồn tại khác, ông Khuê kể: “Đoàn TP.HCM đi giám sát về vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí ở các khu công nghiệp, sản xuất tập trung. Có doanh nghiệp biên bản xử phạt vi phạm hành chính xếp 1 tập dày gần như vở học sinh nhưng họ không chấp hành mà vẫn không thể nào cưỡng chế được, vì phía Bộ Công thương đặt ra vấn đề không được cúp điện, nước”. Nếu không cúp điện nước, theo ông Khuê, thì nay đến kiểm tra, khi đoàn đi họ vẫn sản xuất như bình thường, thậm chí còn tăng mức độ ô nhiễm.
“Đặt ra các mức xử phạt nhưng chúng ta lại phải làm một cuộc rượt đuổi theo. Luật pháp bị coi như một trò đùa, hiệu lực pháp luật gần như bị triệt tiêu dẫn đến sự ca thán của xã hội ở nhiều khía cạnh”- đại biểu Khuê phàn nàn. Ông cũng yêu cầu phải đặt vấn đề cúp điện, cúp nước như một công cụ, biện pháp để cưỡng chế.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM) lại cho rằng, việc quy định biện pháp cưỡng chế chung chung như vậy sẽ không khả thi, khó thực hiện.
“Biện pháp cưỡng chế là bắt buộc, có trường hợp không áp dụng biện pháp cưỡng chế được. Có coi cúp điện nước là biện pháp cưỡng chế không?” - đại biểu Hải đặt vấn đề. Theo ông, biện pháp này chỉ khả khi trong trường hợp công trình xây dựng trái phép ở gia đình, còn với những công trình có quy mô lớn là rất khó áp dụng.
“Nếu coi cúp điện nước là biện pháp cưỡng chế thì chưa đúng. Cưỡng chế là cái của người khác, mình thu giữ. Còn điện nước không phải của người ta mà thông qua dịch vụ. Tôi nghĩ nên coi đây là biện pháp ngăn chặn thì hợp lý hơn, đúng hơn” – đại biểu Hải nhìn nhận.
Tham gia thảo luận trước đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) bày tỏ sự không hài lòng khi lâu nay, hễ xử phạt VPHC là phạt bằng tiền, cho rằng nỗi đau về tiền đau nhất.
“Chúng ta còn có nhiều hình thức xử lý như các nước là bắt lao động công ích, hay phạt doanh nghiệp thì tuyên truyền xử phạt như thế nào, đôi lúc doanh nghiệp chỉ sợ đưa lên báo chí, phương tiện truyền thông” – bà Lan nói.
Nữ đại biểu của TPHCM cho rằng, nên quy định để công bằng, và mức phạt đưa ra phải khiến người bị xử phạt sợ, không tái phạm.
“Có người nộp phạt cả trăm triệu cũng không sao, như mấy ông quý tử đua xe, do đó cần phải có những hình thức xử phạt khác” – bà Lan nêu quan điểm.