Đã ba tháng trôi qua, Sài Gòn vật vã với cuộc chiến sinh tồn, những âu lo, mất mát, những mong ngóng, đợi chờ hiện rõ trên từng dãy phố khang trang, trên từng con hẻm tối tăm, hun hút, trên từng đôi mắt của người chiến sĩ, của anh công nhân, của cô bảo mẫu, của nhà doanh nhân, của những cụ già, cả những đứa trẻ tuổi còn ê, a. Vắng hẳn tiếng cười, cảnh vật, con người đều buồn rười rượi. Một nỗi buồn đại đồng, mà từ người giàu sang cho đến kẻ bần hàn đều chung một tâm trạng. Chưa lúc nào cái thành phố trẻ trung, năng động, tràn đầy nhựa sống lại phải bó gối, khoanh tay, đứng ngồi không yên như thế. Người lạc quan đến mấy cũng không thể đoán được cuộc chiến vi sinh này bao giờ sẽ tàn lụi, cuộc sống bình thường mới sẽ khỏa lấp được bao nhiêu cái lỗ hổng thời gian do vi-rút tàn phá. Đất nước đang đi lên, dòng sông ước vọng đang chảy cuồn cuộn, vậy mà trong khoảnh khắc tất cả đều phải lặng im, nằm nghe hơi thở của mình, ngồi nghiệm những trầm luân của thân phận.
Sự mất mát lớn nhất của cuộc đời là phải chia ly những người ruột thịt, những bằng hữu chia ngọt, xẻ bùi, những người mà mới hôm qua ta còn nghe giọng nói ấm áp, chân tình, những người mà mới hôm kia ta còn thấy bóng dáng ở lề đường, góc phố. Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, tôi không khỏi sững sờ khi hay tin nhiều người thân quen lần lượt ra đi, hết họa sĩ Lê Thánh Thư đến cây cọ lừng danh Đỗ Quang Em, hết nhà báo Nguyễn Văn Sâm đến cây bút khôi hài Lê Văn Nghĩa, hết nhà văn Trần Hữu Lục đến nhà thơ Nguyễn Quốc Trung, hết cây đại thụ văn chương Vũ Hạnh rồi đến cây bút doanh nhân Lê Thành Chơn... Ôi, sao nỗi đau dồn dập đến như vậy, hết nửa số người ấy đã ngã quị trước con vi-rút tinh ma.
Nhà văn Vũ Hạnh
Ngoài tình cảm riêng, hầu hết những con người tài hoa ấy đã đồng hành cùng tôi trên suốt con đường thiên lý gieo gặt chữ nghĩa. Người gần gũi nhất là nhà văn Vũ Hạnh, tuổi đời lẫn tuổi nghề cách biệt nên tôi thường gọi ông bằng Thầy. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông thường xuyên lui tới tòa soạn chuyện trò, trao đổi công việc với Ban biên tập và luôn nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm. Với nghề viết văn, lúc ấy tôi như con chim câu mới ra ràng, nên thấy tên tuổi của ông sừng sững lắm, không khác gì tán cây to che khuất nhiều con người của tôi trong đó. Biết thế yếu của mình, tôi chăm đọc sách, tra cứu tài liệu, hay hỏi những điều chưa thông hiểu. Thầy Vũ Hạnh phong cách điềm đạm, ăn nói chừng mực, thái độ ân cần khi giao tiếp, nên tôi mạnh dạn bày tỏ những băn khoăn, những hố sâu ngăn cách giữa ước mơ và hiện thực, thậm chí bộc bạch cả nỗi chán chường, tuyệt vọng. Thầy không động viên suông, vỗ vai tôi, nhẹ nhàng nói: "Bạn cứ viết, tư duy ẩn chứa điều gì cứ cho nó tuôn trào ra hết, rồi mình sẽ góp nhặt lại, lấy cái tinh chất, không cần ngắn hay dài, một mẩu nhỏ mà chất lượng thì giá trị cũng không thua kém một tiểu thuyết. Nghề cầm bút cần sự kiên trì chớ không thể nôn nóng, có sốt ruột cũng không thể hái cái quả nó ngay được". Và một hôm, thầy ấn vào tay tôi một tạp chí có khoanh tròn câu nói của một danh nhân: "Nếu một ước mơ rơi xuống và vỡ thành nghìn mảnh, đừng bao giờ ngại nhặt một trong những mảnh đó lên và bắt đầu lại...", một lời khuyên quá hữu ích, nó như sợi dây cương thúc con ngựa sải vó phóng lên phía trước, tôi nghiệm ra những thách thức đôi khi cũng chính là sự khám phá, mở mang, càng thêm nỗ lực.
Cuối những năm 90 và bước qua thế kỷ 21, khi tôi phụ trách nội dung Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, thì mối quan hệ với các cây bút lão thành, chuyên nghiệp càng thêm khắng khít. Tờ báo lúc ấy ở giai đoạn hưng thịnh, mỗi tuần phát hành hơn 1,2 triệu bản nên cần mở rộng nhiều lãnh vực, nâng cao chất lượng một số chuyên mục. Tôi bỏ công đi mời từng nhân vật, trao đổi cụ thể vấn đề và tạo điều kiện cho mỗi người khi tham gia công tác. Lần lượt trên mặt báo hiện diện nhiều tên tuổi lớn như Sơn Nam, Phạm Dân, Chánh Trinh, Chóe, Hoàng Phủ Ngọc Phan... và dĩ nhiên, không thể thiếu Vũ Hạnh. Những người giỏi chuyên môn luôn làm việc nghiêm túc, cứ "đến hẹn lại lên", bất di bất dịch. Họ đã quen với cách làm việc cẩn trọng, tự trọng với bản thân và hơn thế, đó là lòng yêu nghề, nỗi đam mê được cống hiến cứ hừng hực trong tim. Honoré de Balzac nói thật hay: "Sự đam mê đánh dấu nhân loại. Không có đam mê thì tôn giáo, lịch sử, tiểu thuyết, nghệ thuật sẽ trở thành vô dụng". Thầy Vũ Hạnh là một trong những người truyền cho tôi ngọn lửa đam mê. Trong những lần hàn huyên, tôi hay hỏi tác phẩm Người Việt cao quý ra đời vào lúc nào, tại sao lại phải dùng chữ Bút máu nghe ghê rợn... Với thái độ của một nhà minh triết, người đã nếm trải nhiều cay nghiệt trong cuộc sống, thầy bộc bạch nỗi lòng và khuyên tôi cố gắng giữ gìn sự trong sáng của ngòi bút. Sự trong sáng ở đây đồng nghĩa với lương tâm và trách nhiệm khi tác nghiệp, tư cách của người làm công tác tư tưởng, văn hóa. Lời khuyên này không có gì thừa thải khi trên thực tế không ít kẻ cầm bút, mang danh trí thức trong khoảnh khắc bị lợi lộc phủ mờ lý trí đã xô đổ đạo đức nghề nghiệp, làm nô lệ cho cái ác, cái xấu.
Người thâm trầm không phải là kẻ mềm yếu, bút lực và tư tưởng trong các tác phẩm của ông đã cho thấy một Vũ Hạnh có cái nhìn bao quát cuộc sống, có cái tâm luôn hướng về tính nhân bản cao cả, có ngôn ngữ dồi dào phân tích thẩm thấu vấn đề. Có người nói, tính độc đáo của một tác giả phụ thuộc vào suy nghĩ hơn là văn phong - điều này rất đúng với phong cách của nhà văn Vũ Hạnh... Tôi nhiều lần đến nhà thăm ông, thi thoảng nhờ ông viết bài giới thiệu một quyển sách sắp in và ông cũng nhiều lần đến nhà trò chuyện với tôi, người bạn trẻ mà ông cho là dễ thấu cảm. Kỷ niệm 90 năm ngày sinh, ông đến nhà tặng tôi bộ tuyển tập mới in còn thơm mùi mực và nói: "Mình yêu quí bạn, cuộc đời mà chúng ta lặn lội suốt bao năm, cuối cùng cũng chỉ nằm gọn trong mấy con chữ nhỏ bé này!". Không nhỏ đâu! Tôi thầm nghĩ, những con chữ của ông đã bay lên bầu trời lồng lộng, đã trôi theo dòng sông qua khắp ruộng đồng, đã thấm vào tâm trí của những người đam mê văn học. Ông rất thích câu chuyện Chơi với người điên của tôi, cho rằng đó là tác phẩm đầu tiên xuất hiện trên văn đàn và cũng lần đầu tiên mới thấy người tỉnh giao tiếp thân mật với kẻ điên. Ông hỏi sao tôi làm được chuyện ấy, tôi cười bảo mình chắc cũng... điên điên!
Họa sĩ Đỗ Quang Em
Lắm lúc ta bỗng quên một việc gì đó từng diễn ra trong cuộc đời, không nhớ người nào đó đã cùng uống chung một ly rượu, chia nhau nửa chén trà, mãi đến khi có một dịp tình cờ, một sự kiện vút lên trên đời sống ta mới nhớ lại những hình ảnh còn lưu dấu trong tâm thức. Đó là trường hợp của Đỗ Quang Em, người vừa từ trần ngày 3-8-2021, thọ 80 tuổi. Tôi không thân người họa sĩ theo phong cách Cực thực (hyperrealism) này bằng Hứa Thanh Bình, Trịnh Thanh Tùng, Đỗ Duy Tuấn hay Hồ Hữu Thủ, Lê Thánh Thư... nhưng cũng có những kỷ niệm đáng nhớ và quí trọng nhau. Những năm 1993, 1994, khi tổ chức những cuộc triển lãm tranh gây quỹ từ thiện, tôi hay đến nhà các họa sĩ chọn tác phẩm và thường đứng ngẩn ngơ trước các bức họa của ông. Nói Cực thực thì nhiều người không hiểu, nôm na hơn, đó là cách vẽ theo trường phái cổ điển của châu Âu, hình ảnh con người nhìn như thật ngoài đời, cái bình, cái lọ, cái ghế sống động như muốn nắm bắt được. Mặc dù không phải là người đầu tiên đi theo phong cách này, nhưng Đỗ Quang Em được xem là tên tuổi nổi bật nhất, được giới chuyên môn đánh giá cao, được giới sưu tầm quốc tế yêu thích. Ông thuộc thế hệ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Gia Định, từng tham gia giảng dạy hội họa, đồng lứa với những tên tuổi Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Nguyên Khai, Đinh Cường... Cũng cần nói thêm, Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định lúc bấy giờ (những năm 1960, 1961) là họa sĩ Lê Văn Đệ, một nhân vật lớn trong ngành hội họa ở miền Nam, có tranh treo ở Bảo tàng Vatican, lớp đàn anh của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Tranh Đỗ Quang Em ở đâu cũng bán giá rất cao, thấy tôi cứ mãi ngắm nghía, nghĩ ngợi, ông nói thẳng: "Giá của mình đưa ra chắc bạn khó bán lắm, nhưng nếu bạn thích thì mình cũng sẵn sàng mang lại triển lãm", thực tế vào thời điểm ấy, một bức tranh vẽ người hay tĩnh vật của ông, có kích thước chừng một mét vuông, đã bán đến 30.000, 40.000 đôla. Gallery Lã Vọng ở Hồng Kông, địa điểm trưng bay quen thuộc của nhiều tên tuổi Việt Nam, đã từng bán bức sơn dầu Ấm và tách trà của ông đến 50.000 đôla Mỹ. Trong khi đó, người am hiểu và đam mê loại hình mỹ thuật cao cấp này ở nước ta vẫn chưa nhiều, giá một tác phẩm cỡ trung bình luôn quanh quẩn ở mức vài ngàn đôla. Đỗ Quang Em có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, ông nói: "Cái gì ra cái đó, thì mới làm xong chuyện được!". Hồ Hữu Thủ kể, Đỗ Quang Em có giấy định cư ở Mỹ, cứ đi qua đi lại để "cho có mặt", một hôm vừa đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, ông lấy passport quăng vào thùng rác, càu nhàu: "Ăn ở gì bất nhơn, ở Việt Nam không sướng sao mà cứ chạy tới chạy lui cho khổ thân?!".
Hồ Hữu Thủ là bậc "trưởng thượng" trong ngành hội họa của thành phố nhưng ông đánh giá rất cao tài năng của cây cọ quê gốc Ninh Thuận. Ông nhận xét: "Ở Việt Nam bây giờ cũng khó mua được tranh của Đỗ Quang Em, không phải giá cả mắc mỏ, mà vì người sưu tập săn tìm, trong khi tác giả làm việc hết sức cẩn trọng, không vẽ ồ ạt như một số họa sĩ khác. Thật sự, tranh Đỗ Quang Em rất có hồn, luôn cuốn hút thị giác cũng như xúc cảm của người thưởng lãm, mỗi tác phẩm ra đời là cả tâm huyết, trí tuệ mà ông đổ dồn vào đó, ấy là chưa kể đến bản sắc, hình ảnh chân phương, gần gũi trong đời sống của người Việt Nam...".
Chúng ta không cải được qui luật của tạo hóa, nhưng vẫn luyến tiếc những tinh hoa mà đất trời đã hun đúc nên. Cuộc sống là một hành trình gập ghềnh, đầy thử thách và chính núi cao, vực thẳm là thước đo về ý chí, nghị lực, khả năng của mỗi con người. Không ai có thể phủ nhận những tài năng, vì ngoài một số ít có tư chất bẩm sinh, hầu như tất cả đều phải trải qua một quá trình lao động nghiêm túc, làm việc đến quên mình. Quá trình ấy có thể kéo dài 30, 40 năm như họa sĩ Lê Thánh Thư, nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhưng cũng có thể chất chồng hơn nửa thế kỷ như nhà văn Vũ Hạnh, họa sĩ Đỗ Quang Em... Sự đam mê, cần mẫn của họ, mỗi người một lãnh vực, đã gieo rắc cho đời những bông hoa thanh tao, những mùi hương hồn hậu, làm phong phú sắc thái đời sống xã hội.
Khi tôi ngồi hoài niệm những chân dung một thời thân ái, thì ngoài khung cửa sổ trời vẫn mưa rả rích. Nỗi buồn chồng nỗi buồn làm gian phòng thêm trầm mặc. Ngoài những người ra đi do tuổi thượng thọ như thầy Vũ Hạnh, cây bút doanh nhân Lê Thành Chơn, thì trong cơn đại dịch này lằn ranh giữa sự sống và cái chết thật chẳng tày gang. Trước lằn ranh mỏng manh ấy, ta càng thấy cuộc sống con người là quý giá, bởi vì không có chủ thể nào khác, chính con người đã biến bao giấc mơ của nhân loại thành hiện thực, vượt lên trên những cái tầm thường của biết bao sinh vật khác!...
Sài Gòn, 15-9-2021