(CAO) Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921- 1989), Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem bưu chính đặc biệt. Mẫu tem có chân dung nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và ký âm ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” do ông sáng tác.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (12/9/1921 - 08/6/1989) là tác giả của những chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật cao và có giá trị lịch sử như: Thanh niên hành khúc, Lên đàng, Hồn tử sĩ, Giải phóng miền Nam. Ông là Giáo sư, Viện sĩ, nhà lý luận âm nhạc; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Các tác giả Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước (đứng), Huỳnh Văn Tiểng
Điều rất đặc biệt ở nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Ông là nhạc sĩ duy nhất ở nước ta cùng lúc có hai bài hát được hai chính thể đối đầu chọn làm quốc ca. Trong khi, bài hát "Giải phóng Miền Nam" được chọn làm quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì bài hát "Tiếng gọi sinh viên" của Lưu Hữu Phước (sáng tác 1939) lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa chọn làm quốc ca từ năm 1948 với lời ca bị sửa đi sửa lại đến 7 lần.
Trong một dịp trò chuyện cùng Báo Công an TPHCM, nhạc sĩ Lưu Hữu Chí – con trai cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, chia sẻ: “Ba tôi có những bài viết về đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ông đã nhắc đến một số địa danh đã đi qua trên con đường hoạt động, có những bài viết nói về một số ký ức về tác phẩm âm nhạc của mình.
Qua các tác phẩm âm nhạc của ba tôi mọi người thường cảm nhận và đã có ý kiến nhận định là “nhạc sĩ Lưu Hữu Phước người viết sử ca của âm nhạc Việt Nam”; những tác phẩm của ông như định hướng cách mạng, phục vụ kịp thời cho những cao trào cách mạng, những bước ngoặt lịch sử đấu tranh của dân tộc.