Nỗi buồn của Ngô Thị Thu Vân

Thứ Bảy, 05/11/2022 13:48

|

(CATP) (Đọc tập truyện ngắn và tản văn Đến thu này thì mộng nhạt phai, NXB Hội Nhà văn năm 2022).

Phải công nhận Ngô Thị Thu Vân không chỉ có duyên viết truyện ngắn mà còn có duyên viết tản văn nữa. Đã đọc Ngô Thị Thu Vân bấy lâu nay trên báo chí, nhưng phải đến lúc chị tặng tập truyện ngắn và tản văn mang tên Đến thu này thì mộng nhạt phai (NXB Hội Nhà văn, quý III/2022), chân dung người đàn bà viết văn Ngô Thị Thu Vân mới hiện lên một cách vành vạnh.

Truyện ngắn là một thể tài "khó qua" của người cầm viết. Truyện ngắn không chỉ đòi hỏi hàm lượng ngắn của một câu chuyện, mà đó là lát cắt, khoảnh khắc của một số phận người, số phận đời. 12 truyện ngắn trong cuốn sách trên của Ngô Thị Thu Vân đã đạt được ngưỡng ấy. Từ Bóng nắng qua thềm, Đến thu này thì mộng nhạt phai... đến Đò ơi, Những áng mây trời, Nhớ ngang, mỗi truyện ngắn của Ngô Thị Thu Vân là số phận của từng mảnh đời. Những mảnh đời ấy không xa lạ gì với người đọc, mà ngược lại nó gần gũi như chính chúng ta là người trong cuộc.

Ngô Thị Thu Vân có duyên trong cách kể chuyện. Câu chuyện của chị thuyết phục người đọc bởi tác giả của nó cũng chính là nhân vật, khi là người thứ nhất, khi là người thứ hai và cả khi là người thứ ba. Truyện ngắn của chị không "đao to búa lớn", không tham vọng đưa ra một hệ luận, một định đề. Nhưng từ lát cắt của cuộc sống với những số phận người lúc thăng, lúc trầm, đọc xong khiến khóe mắt ta cay cay, trái tim ta thổn thức.

Người đọc yêu cái thật của Ngô Thị Thu Vân. Chị dũng cảm đối diện với cuộc sống trần trụi, đôi khi chua chát, bất công và đặc biệt là khi đối diện với chính mình. Tôi thích các truyện ngắn: Cô Út, Hàm Hương, Đò ơi... của Ngô Thị Thu Vân. Mỗi truyện ngắn là một nét chấm phá tô điểm cho bức tranh Đến thu này thì mộng nhạt phai rực rỡ sắc màu, đa nghĩa. Một điểm đáng chú ý, truyện ngắn của Ngô Thị Thu Vân rất ngắn. Nhưng ngắn hay dài trong một tác phẩm văn chương không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ tác giả của nó muốn gởi gắm gì đến bạn đọc và có chạm vào trái tim của người cảm thụ hay không.

Tác giả Ngô Thị Thu Vân cùng Bìa tập truyện ngắn và tản văn

Nếu các truyện ngắn rất ngắn rất duyên thì tản văn của Ngô Thị Thu Vân cũng có nét riêng không lẫn vào đâu được. Tản văn và tùy bút thường không có "chuyện". Để gởi gắm cái "không có chuyện ấy", đòi hỏi người viết phải dạt dào cảm xúc. Cảm xúc như gió, như sóng nâng con thuyền tản văn lúc bập bềnh trôi trong sóng trào, khi lả lơi, thơ thới lúc mặt hồ bình lặng. Tôi thích cách chuyển tải cảm xúc trong tản văn của Ngô Thị Thu Vân. Trong 10 tản văn, từ Vệt nắng bên kia bờ, Thế là thành cuộc chia ly... đến Có nhà chỉ để... nhớ, Nhớ khói, đều ắp đầy cảm xúc với sự chiêm nghiệm tinh tế.

Tháng Tư xanh miền ký ức là một tản văn như thế. Đối với cô sinh viên 17 tuổi, tháng 4-1975 là một Tháng Tư xanh ký ức. Tháng Tư ấy, khi thành phố vừa giải phóng, cô gặp anh bộ đội giải phóng tên là Vệ - Lê Ngọc Vệ. Từ chỗ xa lạ, cảnh giác với người lính từ trong rừng ra, cô gái đã đơn phương yêu anh. Tác giả Tháng Tư xanh miền ký ức đã không ngần ngại bộc bạch với một giọng văn chân thành, bay bổng, chạm đến trái tim người đọc, khi phải chia tay anh bộ đội - mối tình đầu đơn phương ấy: "Tôi buồn bã xòe tay thả mối tình đầu đơn phương, vụng dại đầu đời của mình lên bầu trời đầy sao trong đêm thánh lễ... Ngày Vệ hoàn thành nhiệm vụ trở về là một ngày mùa đông Sài Gòn lạnh tái tê chưa từng thấy... Trong tim mỗi người đều có một ngày Tháng Tư để hằng nhớ. Như tôi vẫn nhớ Anh mỗi bận Tháng Tư về...".

Đọc truyện ngắn và tản văn của Ngô Thị Thu Vân, tôi miên man nghĩ vì sao chị có thể đạt tới độ cảm, lay động trái tim người đọc như thế? Rất may, lời giải ấy đã được tác giả giải bày, bộc bạch: "Tôi cảm ơn những câu chuyện, những phận đời đã nuôi lớn nỗi buồn trong trái tim tôi. Tôi cảm ơn những nỗi buồn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho tôi những cảm xúc để yêu thương, giận hờn, tha thứ; cho tôi những giây phút thật tĩnh tâm để trải lòng mình qua từng câu chuyện với từng nhân vật - những nhân vật mà tôi nắm trong tay những số phận của họ bằng quyền lực của người sáng tác (mặc dù tôi không nắm được trong tay số phận của mình)" - (Thế là trở thành cuộc chia ly).

À ra thế, hóa ra với người cầm bút, nỗi buồn là cái không thể thiếu để nuôi dưỡng tâm hồn, chất liệu, cảm hứng tạo ra các tác phẩm có giá trị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang