Sợi dây vô hình

Thứ Năm, 23/09/2021 12:52

|

(CATP) Ngôi nhà ấy nằm trong khu vực nổi tiếng giàu có nhất quận 7, TPHCM. Diện tích chỉ khoảng 150 mét vuông nhưng cấu trúc cầu kỳ, nội thất trang bị nhiều thứ lạ lẫm, đắt tiền.

Chủ nhân là đôi vợ chồng trẻ, tuổi mới ngoài 40, làm ăn phát đạt, thích sống theo giới trưởng giả thời thượng. Ngoài hai người giúp việc, trong nhà còn có phụ mẫu của người con trai và cả hai cũng sính những thứ cao sang, tên tuổi, quyền quí. Mối quan hệ của gia chủ khá rộng, thường có khách lui tới tiệc tùng, hầu như ai cũng trầm trồ trước những đồ vật quí giá, thỏa mãn với những bữa ăn thịnh soạn, hãnh diện được giao du với một gia đình mang phong cách thượng lưu.

Chính những lời ca tụng, nể vì của nhiều người đã làm nở mặt, khích lệ thêm cách chơi của đôi vợ chồng trẻ. Ngôi nhà ấy vốn dĩ đã cải tạo toàn diện một lần cho phù hợp với kiểu cách Tây phương, qua hai năm, người chủ nhận ra có những góc cạnh chưa thật mãn nhãn; phải sửa lại phòng ăn một chút, chỉnh lại các bậc cầu thang dẫn lên lầu, phối lại lớp gạch trong phòng vệ sinh cho hợp tông hơn.

Cứ vài tháng hoặc một năm, đi chơi ở đâu, đến nơi sang trọng nào, thấy cách phối trí, thậm chí có một vài họa tiết bắt mắt hơn, thì chủ nhân lại về chỉnh sửa ngôi nhà của mình. Thay các vách ngăn bằng tấm nhựa của Ý mới điệu nghệ, cửa ra vào phải mở to hơn nửa mét mới đúng chuẩn Ăng-lê, các cửa sổ phải gắn kính màu như thời Phục Hưng ở Paris mới phù hợp. Gạch nền Tây Ban Nha phối xen gạch bông giả thảm cổ của Việt Nam có vẻ lỗi thời, hãy đợi đấy, xài một thời gian nữa sẽ bóc lên...

Cứ như thế, ngôi nhà bị đập phá, khoan đục, thay đổi liên tục, đến mức người cai thầu quen mặt đã phải thốt lên: "Ngôi nhà này mà là đàn bà, thì mỗi năm có chửa mấy lần!". Tội nghiệp cho ông bà già, mỗi lần đứa con cao hứng, hai người phải chịu trận sống cùng cát bụi, vôi vữa, nhiều lúc kéo dài hàng tháng trời, sau đó còn phải ra sức cùng người giúp việc dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ khắp nhà, trong khi hai đứa con lại đi thuê khách sạn để tránh phiền toái.

Người ta nói ở gần con cái thì tốt nhưng không nên ở chung, lâu ngày sẽ sinh phiền lụy, huống gì ông bà lại dựa vào kinh tế của chúng. Ở không xong, đi không đặng, trải qua bao cuộc "đập phá” trong ngôi nhà, ông bà mới thấy cái cách "sống cho người khác coi - coi người khác mà sống" là một nhận thức vô cùng tệ hại.

Thật ra, không phải chỉ gia đình này tôn sùng lối sống đó. Trong xã hội ngày nay, khi có một bộ phận kiếm được đồng tiền quá dễ, khi sự chênh lệch mức sống giữa hai tầng lớp giàu - nghèo quá cách biệt, khi đạo đức, tư cách trong mối quan hệ cộng đồng không được thượng tôn; thì lối sống hưởng thụ, đua đòi càng có xu hướng lây lan trong ý thức của rất nhiều người, bất kể là cán bộ, viên chức, doanh nhân, người làm ăn bình thường, kẻ vô công rồi nghề; bất kể lứa tuổi, kể cả những người có học thức.

Dân mình có suy nghĩ rất lạ, thích sùng bái những kẻ giàu có, hay nể trọng người có quyền chức, ham thích người có tên tuổi, nổi tiếng và người hàng xóm có cái gì mình phải ráng có cho được cái đó... Chính từ quan niệm "coi người khác mà sống" mà xã hội lắm khi nhiễu nhương, điên đảo, nảy sinh biết bao xung đột, dối trá, lừa lọc, thậm chí giẫm đạp lên nhau để giành lợi lộc. Thấy tay giám đốc công ty kia kiếm được 10.000 tỷ, ta phải làm sao để hơn hắn vài ngàn tỷ; thấy kẻ cùng làm nghề mới dựng lên một dinh thự, ta phải tìm cách xây cái nhà to hơn nhà hắn; thấy một kẻ cùng lứa được đề bạt giữ chức lãnh đạo thành phố, ta phải tương kế để có vị trí không thua gì hắn; thấy tay đối tác mới tậu chiếc Mercedes Maybach 10 tỷ, ta phải mua chiếc Bentley cho nó biết mặt; thấy thằng thợ xây dựng mới có chiếc Air Blade trông bảnh bao, ta phải đi vay nợ mua chiếc đời mới hơn nó; thấy con nhỏ làm cùng công ty đem khoe chiếc điện thoại Samsung M51, ta phải bán đồ đạc để có cái như nó...

Hai vợ chồng bác sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci Ảnh: TWITTER

Cuộc chạy đua "sống cho người khác coi" không phải ai cũng đạt được ý nguyện. Không ít quan chức đã chôn vùi thanh danh, ngã gục trên chính trường vì không tự trọng, làm trái "phép vua, luật nước"; không ít nhà làm kinh tế đã phải ngồi sau các chắn song bởi liều lĩnh, làm ăn theo phương châm "Có gan làm giàu"; không ít cô gái xinh đẹp đã đi bán thân để đổi lấy những thứ vật chất phù hoa; không ít kẻ nghèo lại càng thêm nghèo bởi sự ham muốn vượt quá khả năng thu nhập...

Tay cán bộ kế hoạch của một doanh nghiệp nhà nước lúc nào cũng mơ tưởng đến chiếc ghế lãnh đạo đơn vị. Người anh vợ là phó giám đốc cơ quan chủ quản cũng tìm mọi cách để đẩy chàng em rể thăng quan, tiến chức. Có đôi lần, tay cán bộ kế hoạch ngỡ đã nắm được cái chức phó phòng nhưng lại vuột ra. Thời thế đổi thay, nhân sự đơn vị có lãnh đạo mới, chuyện làm ăn của cơ quan ngày càng bết bát, tay cán bộ kế hoạch tìm cách nhảy sang một doanh nghiệp khác, cũng ở cùng ngành. Rất nhanh, chỉ trong vòng một năm, người này được phong chức phó phòng, rồi lên trưởng phòng.

Ai cũng biết tay cán bộ kế hoạch này đã dùng "mưu chước" gì để thăng tiến, bởi vì năng lực chuyên môn và kiến thức phổ thông thuộc loại loàng xoàng. Mấy năm sau, đơn vị cũ bị thanh tra tài chính, tay cán bộ kế hoạch ngày xưa được mời đến cơ quan tư pháp để trả lời về những khoản thu chi không minh bạch. Sau cuộc thẩm vấn, trở về phòng làm việc, không hiểu do "có tật giật mình" hay nghĩ đã bại lộ hành vi mờ ám trong gần 20 năm nắm giữ ngân sách, tiền bạc, huyết áp người này cứ tăng đột biến.

Cuộc sống là một hành trình đầy biến động, cuốn hút con người chạy theo những ước vọng, ham muốn, thậm chí là những tính toán bất thiện. Dĩ nhiên, không phải ai cũng đi lên, làm giàu, thành đạt bằng khả năng, bằng việc làm chân chính và cũng không phải ai cũng an nhàn, ung dung thụ hưởng những thứ lợi lộc do mưu ma mà có, do tội ác mà thành. Vì vậy, nhân loại luôn đề cao những giá trị chân - thiện - mỹ, luôn ca ngợi những tâm hồn cao thượng, khắc cốt ghi tâm những tấm gương hy sinh quên mình cho sự sinh tồn, hạnh phúc của cộng đồng.

Không ít người trên thế giới và có lẽ cả một số người Việt Nam đều biết Chuck Feeney, một người Mỹ mang danh "tỷ phú không tiền", nổi tiếng ở nhà thuê và đeo đồng hồ trị giá 15 USD. Sinh ra ở New Jersey, sau một thời gian buôn bán nhỏ, nhân cơ hội du lịch bùng nổ, C.Feeney cùng người bạn học xây dựng thương hiệu cửa hàng miễn thuế (DFS) ở các cửa khẩu và trở thành hệ thống bán lẻ rượu, thuốc lá, các mặt hàng xa xỉ số một thế giới, doanh số ước đạt 3 tỷ USD mỗi năm.

Dù có trong tay một núi tiền nhưng C.Feeney chưa bao giờ sờ đến những vật dụng của Hermès hay Gucci. Ông luôn quý trọng tiền bạc và rất ghét phung phí nó và cho rằng điều sung sướng của cuộc đời là không vướng bận vật chất, làm theo ý muốn. Không "nhìn người khác để sống"! Quan niệm này ông cố gắng truyền lại cho 5 người con từ lúc chúng còn bé, ông không muốn chúng trở thành "những đứa con nhà giàu hư hỏng".

Trong suốt 30 năm qua, C.Feeney đã đi khắp thế giới để trao tặng 7,5 tỷ USD vào các chương trình giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế... tại Mỹ, Úc, Nam Phi, Việt Nam... Cả đời mình ông ước mơ làm những điều có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của người khác và ông thường cho đi một cách lặng lẽ. Hai tỷ phú hàng đầu thế giới là Bill Gates và Warren Buffett rất nể trọng C.Feeney, đã gọi ông là nguồn cảm hứng cho cả Quỹ Bill - Melinda Gates Foundation lẫn quỹ Giving Pledge, nơi có tới hơn 90 người giàu nhất thế giới cam kết tặng 50 phần trăm tài sản của mình để làm từ thiện.

Nhân vật thứ hai có lẽ cũng làm chúng ta ngạc nhiên về lối sống đồng thời khâm phục tài năng lẫn đức độ, đó là Ugur Sahin, nhà khoa học đã nghiên cứu ra vắc-xin Pfizer mà nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng để tiêm ngừa Covid-19. Sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, 4 tuổi theo cha mẹ sang Đức, từ nhỏ U.Sahin đã say mê khoa học, năm 1993 ông nhận bằng Tiến sĩ y khoa, làm việc cho nhiều bệnh viện.

Năm 2002, ông kết hôn và cùng người vợ tài năng nghiên cứu các đề tài khoa học, đặc biệt là ung thư. Năm 2008, ông làm Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ sinh học Bio NTech tại Đức, với quy mô có 1.800 nhân viên. Một năm sau, công ty thu về 45 tỷ USD, vợ chồng ông trở thành một trong những người giàu có nhất nước Đức cũng như trên thế giới. Sau khi ông nghiên cứu thành công vắc-xin Pfizer, giới thuyền thông phong ông là "người hùng", nhưng ông từ chối danh hiệu ấy, chỉ nhận mình làm việc do yêu thích và muốn đóng góp thật nhiều cho xã hội.

Mặc dù có nhiều tiền, được đời trọng vọng, song Ugur Sahin vẫn sống theo cách của mình. Nhiều năm gia đình ông sống trong một căn hộ nhỏ, không có xe hơi, mỗi sáng ông mặc quần jean, đội nón bảo hiểm, đạp xe đến chỗ làm và thường đeo thêm chiếc ba lô khi đi dự các cuộc họp lớn. Có người thắc mắc, trong khi nhiều người giàu cứ lo vơ vét của cải, phung phí vào nhà cửa, xe cộ, các cuộc vui chơi, thì tại sao ông lại sống giản dị như vậy, U.Sahin nói nhẹ nhàng: "Tôi sống không phải để người khác nhìn, tôi thích thoải mái. Đừng bận tâm đến vật chất, cái bên ngoài càng cầu kỳ thì sẽ không có thời gian để chăm chút cho cái bên trong. Bạn thấy tôi thế nào, tôi vẫn là tôi đó chứ?!".

Vâng, U.Sahin vẫn là nhà khoa học vĩ đại, vẫn là sự khiêm tốn đến mức... huyền thoại. Trí thông minh cộng sự đam mê công việc đã mang đến cho Bill Gates, Warren Buffett, Chuck Feeney, Ugur Sahin... khối tài sản kếch xù, nhưng rất nhiều người trong số họ coi đồng tiền không phải là thứ quyết định cuộc sống, đáng quan tâm. Những người có chí cả luôn nghĩ đến việc cao cả, tư duy của họ luôn đứng trên những ham muốn tầm thường, đua chen nhỏ nhặt. Họ cho rằng những thành quả do mình tạo nên là từ kết tinh của trí tuệ con người, những tài sản của mình có được là từ đóng góp của xã hội, không cho đó là tấm huy chương để thể hiện niềm kiêu hãnh, không cho đó là lợi lộc riêng tư để thụ hưởng mọi thứ trên đời.

Dễ hiểu hơn, để có thể tháo bỏ sợi dây vô hình trói buộc ta vào những ham muốn dồn dập trong cuộc sống, hãy nghiệm xem những lời khuyên này có mang lại sự thanh thản hay không:

Nhiền tiền hay ít tiền - đủ ăn là được.

Người xấu hay đẹp - vừa mắt là được.

Người già hay trẻ - khỏe mạnh là được.

Nhà to hay nhà nhỏ - có thể ở được là được.

Con là tiến sĩ hay bán hàng ngoài chợ - hiếu thuận là được.

Gia đình giàu có hay nghèo túng - sống hòa thuận là được.

Quần áo hàng hiệu hay hàng thường - mặc lên dễ coi là được.

Làm quan lớn hay nhỏ - hết lòng với công việc là được.

Cả đời người hạnh phúc và khổ đau, cuối cùng bình an là được. Người biết đủ là người sống thảnh thơi, sung sướng nhất!!!

TPHCM, 22-9-2021

Bình luận (0)

Lên đầu trang