Sóng vỗ trong lòng

Thứ Hai, 25/10/2021 10:46

|

(CATP) Nhằm giải quyết vấn đề thuyền nhân hồi hương, tháng 9 năm 1991, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) mời đoàn nhà báo Việt Nam tham quan các trại lưu giữ thuyền nhân tại Thái Lan và trao đổi với các Đại sứ quán Australia, Canada về Chương trình hành động toàn diện (Comprehensive Plan for Actions - CPA), thanh lọc và ra đi có trật tự. Tôi là người duy nhất của TPHCM được tham gia vào đoàn nhà báo làm nhiệm vụ đặc biệt ấy.

Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi được xuất cảnh trong điều kiện đất nước vẫn còn bị cấm vận, nên vừa mừng, vừa lo.

Lúc ấy, Báo Công an TPHCM phát hành rộng rãi ngoài xã hội đã được 5 năm, số lượng đã gần chạm mốc 600.000 bản/kỳ, nên trách nhiệm về thông tin rất nặng, nhất là chuyện "đi - ở" đang giằng co trong tâm lý của một bộ phận dân chúng và niềm tin vào năng lực cá nhân của lãnh đạo tờ báo.

Tôi đã thực hiện không ít loạt phóng sự, điều tra khá hóc búa, đã lần mò thâm nhập nhiều trại giam giữ trong thành phố, đã hóa thân vào tận hang ổ của nhiều băng nhóm tội phạm hình sự, dám chấp nhận sự "trả giá” cho nghề nghiệp, nhưng nhiệm vụ lần này thì hoàn toàn khác, nó không đơn thuần là miêu tả sự việc, mà còn là thể diện của quốc gia, mang lại sự thấu hiểu cho nhiều người trước một vấn đề đang nóng bỏng, hết sức nhạy cảm.

So với TPHCM, Bangkok lúc ấy đang phát triển ồ ạt, đi đâu cũng thấy cần cẩu của các công trường xây dựng vươn lên bầu trời, xe cộ nườm nượp ở các ngã đường, nhiều cơ quan, tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa quốc tế đặt trụ sở điều phối cho các hoạt động khắp vùng Đông Nam Á. Thái Lan lúc ấy như một "ngôi sao" đang lên, là tâm điểm gây chú ý của thế giới, đặc biệt là ngành du lịch với hàng loạt phương tiện phục vụ vừa túi tiền để thu hút và giữ chân du khách.

Báo chí quốc tế đánh giá hiếm có nơi nào đi chơi vừa rẻ, vừa vui như ở Thái Lan, đến đây có thể khái quát nhiều mặt đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng của các dân tộc trong vùng, mặ dù vẫn có không ít khiếm khuyết, nhưng xứ sở Chùa Vàng luôn dẫn đầu về lượng khách du lịch quốc tế, một vài chu kỳ chỉ đứng sau Malaysia. Riêng về lãnh vực này, các vị làm công tác du lịch ở nước ta còn phải học tập nhiều ở Thái Lan, dù điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" không thua kém gì họ.

Đạo diễn Trần Cảnh Đôn

Ngày 10-9-1991, nhân viên UNHCR đưa chúng tôi đến trại Phanat Nikhom, cách Bangkok 100km về phía đông nam, đây là trung tâm xử lý, chuyển tiếp người tị nạn, có khoảng 16.000 người, trong đó người Việt Nam chiếm quá nửa. Một khung cảnh ăn ở tồi tệ và phức tạp kéo theo nhiều vấn đề về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội.

Trong quá trình tiếp xúc, gợi mở với nhiều thuyền nhân, đặc biệt là những người có gốc gác ở thành phố Sài Gòn, tôi ghi nhận được nhiều câu chuyện éo le, ly kỳ, vui có, buồn có, tình tiết như phim, như kịch cũng có, đáng nói là có anh chàng bị đưa vào trại tị nạn là do... người tình bỏ rơi lúc quá cảnh để đi sang Australia, trả thù sự phụ rẫy mà anh ta và gia đình đã nhẫn tâm dành cho nàng khi mới chạm cửa cuộc đời. Tôi cố thuyết phục anh chàng kể lại câu chuyện ấy, nửa ngượng ngùng, nửa khổ đau, một hồi lâu, anh ta lấy ra lá thư, cái vật bất ly thân mà anh cố giữ gìn dù trải qua muôn vàn sóng gió, bảo tôi đọc đi và không nói thêm lời nào...

"Anh Lê Minh,

Trong đời tôi duy nhất chỉ có một mối tình, tôi trao cho anh, và kể từ ấy, anh đã gây cho tôi một vết thương không bao giờ lành. Sáu năm qua, vết thương ấy cứ làm tôi đau đớn. Tôi không quên được đêm mưa năm ấy, trời đất tối sầm lại và đã định quyên sinh. May thay, tôi được những người tốt bụng cứu vớt ngay trên cầu Sài Gòn và người mẹ khổ đau của tôi cũng đã tha thứ, khuyên giải và cưu mang khi tôi sinh ra bé Thu Cúc.

Anh Minh,

Tôi trở về không phải vì lưu luyến mối tình xưa, mà thực sự muốn nhận rõ hơn cái trò đời. Quả nhiên, ý nghĩ đã không đánh lừa tôi. Gia đình anh chỉ biết sống ích kỷ, tham lam, còn anh cũng chỉ là một người đàn ông tầm thường. Tôi hành động như vầy, không phải chỉ để rửa mối hận tình của tôi, mà còn để cứu giúp một cô gái nào đó có thể sa chân vào ngôi nhà lạnh lẽo, thiếu tình người của anh.

Anh không đến Sydney được đâu, hãy ở lại Bangkok. Tôi đã tiêu hủy vé máy bay và cả mọi giấy gờ liên quan đến việc bảo lãnh giữa anh và tôi. Có 100 đô la tôi để lại, anh hãy tiêu xài trong những ngày tìm đường trở về cố xứ.

Vĩnh biệt anh!

Thu Phượng"

Chỉ mấy dòng chữ thôi mà đã nói khá đầy đủ câu chuyện. Tôi cảm ơn anh chàng đau khổ tình duyên và ấp ủ ngay một đề tài dành cho điện ảnh. Sau chuyến đi, ngoài loạt phóng sự đăng 4 kỳ báo theo mong muốn của UNHCR, tôi viết ngay câu chuyện tình nhặt được ở Thái Lan và đặt tên Đoạn cuối ở Bangkok. Công việc chồng công việc, một thời gian khá lâu tôi quên bẵng ý định của mình, cho đến một hôm, đạo diễn Trần Cảnh Đôn đến cơ quan tìm tôi và không giấu ý định muốn làm bộ phim Đoạn cuối ở Bangkok. Cảnh Đôn bảo câu chuyện dẫn dắt rất mạch lạc, không cần thêm thắt gì, nếu đoạn cuối quay được ở Thái Lan là "ô kê” lắm. Tôi cũng muốn như vậy, khó khăn lớn nhất là kinh phí, mặc dù đứng tên cơ quan sản xuất nhưng hãng phim Trẻ không... có tiền, thời ấy việc xin tài trợ không dễ dàng gì, trong khi nhu cầu giải trí của người dân thành phố đang rất lớn.

Thấy tôi cứ mãi băn khoăn về bộ phim, vợ tôi hỏi: "Kinh phí ước lượng là bao nhiêu?", tôi đáp: "Khoảng 250 triệu, nếu đưa cả 10 người sang Thái Lan quay phần cuối". Ngẫm nghĩ một lúc, vợ tôi nói nửa đùa, nửa thật: "Mình bỏ tiền ra chơi luôn. Kiếm tiền để làm gì? Lúc cần xài, thì xài!". Lúc ấy, vợ tôi làm ăn ở bên ngoài, dư dả chút ít, quan trọng hơn, là bụng dạ cô ấy rộng rãi, phóng khoáng hơn những gã đàn ông... như tôi.

Một ê-kíp khá hùng hậu trấn giữ các vai, gồm: Lý Hùng, Kim Khánh, Hồng Đào, Lê Công Tuấn Anh, Băng Châu, Hồ Kiểng, Nguyên Hạnh... do đạo diễn lựa chọn. Một ngày đầu tháng 5-1995, đoàn tổ chức đi Thái Lan với tâm trạng hứng khởi, hứa hẹn gặt hái thành tựu như ý đồ tác giả. Do đã từng đến Bangkok, ít nhiều hiểu biết cảnh sinh hoạt, nên tôi cùng đạo diễn Cảnh Đôn đón xe ôm đi chọn cảnh. Ở xứ người, cảnh nào thấy cũng lạ, việc chọn lựa khá khó khăn, bỏ cảnh này thì tiếc, thấy cảnh kia cũng hay, mà dung lượng của bộ phim chỉ giới hạn trong vài phút.

Lúc sinh hoạt bình thường, Cảnh Đôn luôn vui vẻ, dễ chịu, nhưng khi đứng trước máy quay, anh khó khăn, cáu gắt diễn viên dữ tợn. Người yêu nghề, làm việc có trách nhiệm là thế, họ không cho phép sự dễ dãi, xuề xòa xen vào phá hỏng tư duy. Tôi quen biết khá nhiều đạo diễn, nhưng ít thấy ai nhanh nhẹn, dứt khoát và có cá tính như anh chàng có bộ ria mép khá rậm này. Ngay những ngôi sao điện ảnh đương thời như Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Kim Khánh cũng vị nể ra mặt.

Cảnh Đôn thích làm phim xã hội, ít hay nhiều tập tùy cốt truyện, nhưng phim của anh phải đẹp, gây được ấn tượng, mang sắc thái điện ảnh rõ ràng. Anh có biệt tài phân cảnh và chọn diễn viên vào vai phù hợp, hiếm có nhân vật nào được anh đưa vào vai "quờ quạng" hoặc không làm tốt vai trò. Có thể nói, Cảnh Đôn là người khá thành công trong cách làm phim giải trí, thị trường.

Cuối cùng, chuyến đi Bangkok cũng thành công và mấy tháng sau bộ phim được chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàn quốc. Qua một tuần cùng làm việc tại Bangkok, Cảnh Đôn nói với tôi: "Anh có nhiều đề tài về hình sự, xã hội, hy vọng sau này mình sẽ còn cộng tác với nhau. Cách viết của anh có nhiều actions (hành động) rất gần gũi với điện ảnh. Bắt tay nhau nhé!".

Mùa thu năm 1994, tôi đi Australia, đến hầu hết các thành phố lớn và nhận biết ở vùng đất cực nam trái đất này, có hơn 4 triệu người từ 130 quốc gia khác nhau đến định cư từ sau thế chiến thứ hai, trong đó có khoảng 200.000 người Việt. Qua quan sát và giao tiếp, kết hợp với những chuyến đi các nước vùng Đông Nam Á, trong đầu tôi hình hành ý tưởng sẽ viết một câu chuyện về tội phạm xuyên quốc gia, trong đó đề cao vai trò của Interpol, mà Việt Nam là một thành viên.

Thế là, sau nhiều lần bỏ dở do bận rộn việc làm báo, năm 1999 tôi hoàn thành tiểu thuyết hình sự quốc tế đặt tên Kế hoạch J.96, nhiều lần tái bản. Thấy báo chí đăng tiểu thuyết này được giải Hội Nhà văn Việt Nam, đạo diễn Cảnh Đôn đến tìm tôi, trách cứ: "Bạn lại quên mình rồi, có truyện hay sao không cho anh em biết với...". Cảnh Đôn bảo vừa đọc xong câu chuyện ấy và muốn làm ngay bộ phim có nhiều actions này. Tôi đồng ý. Sau mấy lần bàn bạc nội dung, hai bên thống nhất sẽ phân làm 15 tập, lấy tên Đô la trắng, nhiều cảnh sẽ quay tại Thái Lan và Lý Hùng lại được mời thủ vai chính - trinh sát đặc nhiệm phối hợp cảnh sát Thái Lan phá án. Bộ phim khá thành công, được chiếu trên nhiều đài truyền hình trong toàn quốc, gây dư luận một thời.

Năm ngoái, tôi viết xong truyện dài Vô bờ, nói về cuộc tranh đấu hết sức nghiệt ngã của một tay giang hồ muốn hoàn lương, cách diễn đạt nhanh, gọn, nhiều tiết tấu rất hợp với phim ngắn và trong đầu bỗng nghĩ ngay đến Cảnh Đôn. Tôi nghĩ, nếu Cảnh Đôn thực hiện và mời Lý Hùng đóng vai công an thì... quả là tam hợp! Do dịch bệnh kéo dài nên chưa có dịp gặp gỡ nhau để trao đổi, bàn bạc.

Những ngày cuối tháng 10-2021, trời ít nắng, nhiều mưa, Cảnh Đôn đột ngột qua đời ở tuổi 62, lứa tuổi mà trong thời đại ngày nay còn làm được rất nhiều việc, còn thừa trí lực để đóng góp cho đời. Âu cũng là phận số, lòng tôi thấy trống không, tiếc cho việc "tam hợp" bất thành, tiếc cho một tài năng nghệ thuật còn dở dang nhiều ước hẹn. Thôi thì, xin mượn mấy vần thơ của Thâm Tâm để tiễn bạn:

Đưa người, ta không đưa qua sông

sao nghe tiếng sóng vỗ trong lòng

nắng chiều không thắm, không vàng vọt

sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?!...

24-10-2021.

Bình luận (0)

Lên đầu trang