Vĩnh biệt nhà thơ Trương Chính Tâm: Nhà thơ nhiều nghĩa nhiều tình!

Chủ Nhật, 14/11/2021 16:51

|

(CAO) Nhà thơ Trương Chính Tâm, tên thật Trương Minh Nhựt, bí danh Ba Vũ, sinh năm 1952 tại Tiền Giang, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, nguyên Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM, nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam tại TPHCM, từ trần lúc 12g30 ngày 13/11/2021 (9 tháng 10 ÂL). Lễ động quan vào lúc 7 giờ ngày 15/11/2021. An táng tại Nghĩa trang TP (huyện Củ Chi).

Gần anh mới biết, bên trong con người hoạt động chính trị anh còn là một nhà thơ nhiều tình nghĩa. Những năm 1990 của thế kỷ trước, khi anh vẫn đương nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại Thành ủy TPHCM, Bí thư Quận ủy Q4, Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam tại TPHCM..., những lúc rỗi rảnh thỉnh thoảng anh lại một mình đến gõ cửa nhà tôi, hai anh em ra ngồi quán cà phê cóc đầu hẻm nói chuyện văn chương...

Anh Trương Minh Nhựt (Ba Vũ) tức nhà thơ Trương Chính Tâm gắn bó thân thiết với tôi cũng có lý do sâu xa mà chính tôi phải "động não" dữ lắm mới hiểu ra! Hầu như lần tâm sự nào với tôi anh cũng nhắc đến nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà với sự trân trọng lạ thường.

Anh nói, những năm trước 1975 khi anh lên Sài Gòn đi học và hoạt động cách mạng, không ít lần nhà thơ Kiên Giang đã che chở giúp anh thoát sự truy bắt của đối phương. Khi ấy nhà thơ Kiên Giang đang làm ký giả kịch trường cho một số tờ báo và phụ trách chương trình ngâm thơ Thi Văn Mây Tần trên đài phát thanh Sài Gòn. Ông cũng từng tham gia phong trào và dẫn đầu đoàn "Ký giả đi ăn mày" biểu tình chống lại những định chế khắt khe do chính quyền VNCH áp đặt lên báo giới. Nhà thơ Trương Chính Tâm nói với tôi: “Ổng (nhà thơ Kiên Giang) là ân nhân của tui!”.

Nhà thơ Trương Chính Tâm phát biểu tại ngày giỗ đầu nhà thơ Kiên Giang. (Ảnh: HTC)

Đến đây, vẫn chưa thấy “sợi dây” nào ràng cột khiến anh Trương Chính Tâm thân với tôi! Tôi nghĩ riết rồi cũng lần ra đầu “sợi dây”. Đó chính là việc tôi phụ trách chương trình Tiếng Thơ của Đài phát thanh TPHCM, một công việc mà trước 1975 chính “ân nhân” của anh đã từng làm! Hơn nữa, tôi cũng xem nhà thơ Kiên Giang như người thầy trong nghề, tôi thường tìm gặp cà kê với ông để học hỏi.

Đó là những năm tháng nhà thơ Kiên Giang sống cô độc, không nhà cửa, phải nương náu trong văn phòng Hội Ái hữu nghệ sĩ sân khấu trên đường Cô Giang, Q1. Ngay khi Quỹ Tình Thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi vừa thành lập thì tôi giới thiệu hoàn cảnh của nhà thơ Kiên Giang với Quỹ và ông trở thành nhà thơ đầu tiên nhận được hỗ trợ của Quỹ. Cũng từ việc nhỏ này mà anh Trương Chính Tâm thêm thân thiết với tôi.

Khi phụ trách Tiếng Thơ, tôi đã từng thu âm nguyên một CD ngâm thơ Trương Chính Tâm nên tôi cảm nhận được rõ ràng thơ anh chịu ảnh hưởng sâu đậm sự mộc mạc chân quê từ thơ Kiên Giang. Cố thi sĩ Chim Trắng từng nhận xét về thơ Trương Chính Tâm: “… mang đậm màu sắc trữ tình nhưng không thiếu cái cốt lõi của cuộc sống. Có lẽ đó là do sự từng trải qua một thời vật lộn với kẻ thù trong đô thị bằng ngòi bút và một thời như một chiến sĩ cầm súng. Cái tình không thiếu vắng trong thơ anh…”.

5 năm trước nhà thơ Trương Chính Tâm đứng ra tổ chức chương trình giỗ đầu cho nhà thơ Kiên Giang tại nghĩa trang Chánh Phú Hòa (tỉnh Bình Dương), anh kêu tôi mời các nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Mai, Hoàng Đức Tâm… đi cùng.

Gần đây, vài tháng trước, gặp nhau trong một cuộc họp ở Hội Nhà văn TPHCM, người anh xanh xao, gầy rộc, xuống sức thấy rõ, giữa cuộc họp anh nói nhỏ vào tai tôi: “Tui đang sắp xếp lại tập bản thảo Tuyển tập thơ Kiên Giang, khi nào xong, tui nhờ HTC cùng Quỹ Tình Thơ hỗ trợ in nha”. Không ngờ công việc cuối đời anh dành cho ân nhân của mình cũng không kịp hoàn thành…

Bình luận (0)

Lên đầu trang