Lừa đảo bằng tin nhắn thông báo vợ, chồng ngoại tình

Thứ Ba, 19/05/2020 08:09  | Trà My

|

(CATP) Công an tỉnh Bắc Ninh vừa bắt giữ 4 đối tượng đều ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng và mạng xã hội Facebook. Bước đầu các đối tượng khai nhận đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng từ hơn 100 nạn nhân tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Nhận được đơn trình báo của một phụ nữ tại tỉnh Bắc Ninh về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn sau khi bị chiếm quyền sử dụng Facebook, Phòng Cảnh sát Hình sự-Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc điều tra truy xét và bắt giữ ổ nhóm tội phạm trên.

Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng trong đường dây này hoạt động rất tinh vi, có sự phân công nhiệm vụ ở từng giai đoạn để lừa đảo nạn nhân. Bọn chúng sử dụng chiêu thức gửi đường link giả mạo ngân hàng để các nạn nhân truy cập, khai báo thông tin tài khoản. 

Sau khi thu thập đầy đủ mật khẩu, mã xác thực OTP của chủ thẻ, các đối tượng này lập tức chuyển hết tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân vào tài khoản của chúng.

Tinh vi hơn nữa, tất cả các tài khoản mà nhóm đối tượng này thực hiện lừa đảo đều là tài khoản thật được mua và chiếm quyền banking nhằm chuyển vào các tài khoản khác. Dòng tiền cũng vì thế đi lòng vòng qua rất nhiều ngân hàng gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án của lực lượng Công an.

Ngoài ra, các đối tượng còn dùng thủ đoạn hack tài khoản Facebook, chiếm quyền sử dụng rồi dùng tài khoản Facebook đó để liên lạc với bạn bè, người quen của nạn nhân tạo uy tín nhất định, sau đó mới hỏi vay tiền hoặc dựng lên những màn kịch lừa đảo hết sức tinh vi. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Bốn kẻ lừa đảo trên mạng vừa bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ

Ngoài những thủ đoạn của nhóm đối tượng trên, cơ quan Công an cũng khuyến cáo, các tài khoản Facebook mà các đối tượng lựa chọn để hack thường là tài khoản của những người lớn tuổi, vì những người này thường đặt mật khẩu tài khoản một cách dễ nhớ, giản đơn. Hoặc các chủ tài khoản Facebook đang sinh sống tại nước ngoài, để khi bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... các bị hại sẽ khó liên hệ ngay được với chủ Facebook để kiểm chứng thông tin.

Để dẫn dụ người dùng Facebook thiếu cảnh giác đăng nhập vào các đường link giả mạo, các đối tượng thường dùng 3 thủ đoạn lừa đảo sau: Gửi tin nhắn thông báo chủ các tài khoản Facebook bị báo chí xuyên tạc với nhiều nội dung khác nhau và yêu cầu kích vào đường link, đăng nhập tài khoản Facebook của mình để tiếp tục xem nội dung mà báo chí viết.

Gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản đã có gia đình là có vợ, chồng đi ngoại tình và bị các đối tượng chụp ảnh, ghi hình lại; chủ tài khoản Facebook muốn lấy hình ảnh và biết cụ thể thì đăng nhập vào tài khoản Facebook để xem hình ảnh, video được tải lên internet.

Gửi tin nhắn thông báo các chủ tài khoản là con, bạn bè thân thiết... đang tham dự một cuộc thi, hiện đã lọt top 10 nên cần lượt chia sẻ để tăng like, lượt xem, bình chọn nên nhờ chủ tài khoản đăng nhập Facebook và làm theo hướng dẫn của website...Thực chất, các đường link này đều là đường link giả mạo được các đối tượng thiết kế tương tự website chính thức của Facebook để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng.

Cơ quan công an khuyến cáo, tội phạm trên không gian mạng vẫn tiếp tục có những diễn biến, thủ đoạn phức tạp, khó lường. Trong khi đó, việc đấu tranh, truy xét các đối tượng tội phạm này rất khó khăn. Theo đó, từ phía người dân cần cảnh giác trước mọi hoạt động và những thông tin giao dịch trên không gian mạng, tránh rơi vào bẫy lừa đảo tinh vi của các đối tượng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang